Báo Công An Đà Nẵng

Catalan “nóng như lửa”

Thứ hai, 30/10/2017 09:16

Bất chấp nỗ lực can thiệp của chính phủ Tây Ban Nha, vẫn chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến giữa Madrid và chính quyền khu vực Catalan sẽ sớm kết thúc.

Những người ủng hộ Catalan độc lập xuống đường ăn mừng sau khi Nghị viện khu vực này tuyên bố độc lập. Ảnh: AP

Chính phủ Thủ tướng Mariano Rajoy nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất Tây Ban Nha trong 40 năm qua, ngăn chặn tham vọng ly khai của Catalan khi quyết định cách chức lãnh đạo chính quyền của khu vực giàu có này, giải thể nghị viện khu vực và kêu gọi các cuộc bầu cử sớm ở đó. Những quyết định này được đưa ra sau khi Catalan tuyên bố độc lập. Giới quan sát cho rằng, cả hai bên đã mở “hộp Pandora” đầy nguy hiểm.

Trong ngày 29-10, hơn 300.000 người đã xuống đường tuần hành phản đối Catalan độc lập, ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất.

“Dắt tay nhau” vào ngõ cụt

Tây Ban Nha vẫn bất ổn. Và có một điều chắc chắn rằng: bất chấp nỗ lực can thiệp của chính phủ, cuộc khủng hoảng Catalan vẫn leo thang khi cả hai phe đang “dắt tay nhau” vào ngõ cụt.

Sau khi nghị viện Catalan vi phạm hiến pháp, bỏ phiếu cho một tuyên bố độc lập hôm 27-10, Thủ tướng Rajoy đáp trả bằng tuyên bố giải tán nghị viện Catalan cũng như chính thức bãi nhiệm Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này. Nhà lãnh đạo này đồng thời ra lệnh bầu cử sớm tại Catalan vào ngày 21-12 nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Rõ ràng, những ngày trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 21-12 hứa hẹn sẽ đầy sự kiện. Trong động thái cho thấy sự dân chủ và minh bạch, chính phủ Tây Ban Nha cho biết hoan nghênh thủ hiến bị phế truất của Catalan tham gia các cuộc bầu cử địa phương. Nhưng xem ra, ông Puigdemont vẫn tỏ ra thách thức chính quyền Madrid. Ông kêu gọi một làn sóng phản đối việc chính quyền Madrid tiếp quản Catalan, khẳng định mình và một số quan chức vùng vừa bị trung ương sa thải sẽ tiếp tục nỗ lực “xây dựng một đất nước tự do”.

Cú sốc chính trị, kinh tế

Nghị viện vùng Catalan tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi. Kiến nghị độc lập được nghị viện thông qua với tỷ lệ 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng, trên tổng số 135 ghế.

Như vậy, rõ ràng Catalan tự tuyên bố mình là một quốc gia hoàn toàn như Tây Ban Nha hay Pháp. Chỉ có điều không một quốc gia Châu Âu nào sẵn sàng công nhận Catalan như là một nhà nước độc lập. Và điều quan trọng hơn nữa, chính Catalan sẽ phải gánh chịu những cú sốc kinh tế và chính trị đáng lo ngại.

Bởi lẽ, chính quyền Madrid sẽ không để yên việc này. Và nguy cơ xung đột là rất lớn trong những tuần tới vì xã hội dân sự đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Những tác động đến nền kinh tế đang ngày càng rõ ràng. Có khoảng 1.600 Cty đã di chuyển trụ sở hợp pháp ra khỏi khu vực trong những tuần gần đây. Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại tuyên bố độc lập sẽ kéo theo việc vùng Catalan sẽ phải rời khỏi EU, Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) và thị trường chung.

Tuyên bố độc lập của vùng Catalan cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến tình hình tín dụng của Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone. Cú sốc mà nước này phải chịu đựng cũng sẽ gây tác động dây chuyền lên cả khu vực Eurozone. Eurozone có thể một lần nữa lại lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Tất nhiên, cuộc chiến này sẽ chỉ có một bên chiến thắng. Madrid và Barcelona hiện đang trong “ngõ cụt”, nguy cơ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Do đó một giải pháp đối thoại là rất cần thiết để tránh mọi thiệt hại.

KHẢ ANH