Báo Công An Đà Nẵng

Câu chuyện của lòng bao dung

Thứ sáu, 17/06/2016 10:49

(Cadn.com.vn) - Tự hỏi động lực nào đã giúp Võ Văn Thắng (1986, trú tổ 98 P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) với quá khứ từng tham gia 13 vụ cướp giật, ra tù trở về quê trong gia cảnh ngặt nghèo, mặc cảm, đã vượt lên để trở thành một Đội phó dân phòng cơ động năng nổ? Vâng, đó chính là câu chuyện của lòng bao dung và sẻ chia mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết.

Bữa cơm tối dọn lên, Thắng ăn vội vàng rồi tạm biệt vợ con, khoác lên mình bộ áo quần dân phòng chạy xe máy tới trụ sở CAP Tam Thuận. Đêm nay, Thắng có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát các tuyến đường, kiệt, hẻm trên địa bàn phường để canh giấc ngủ bình yên cho nhân dân. Đà Nẵng đang mùa bóng đá Euro, nhiều quán xá mở thâu đêm phục vụ khách nên tình hình cũng có phần phức tạp. 11 giờ đêm, Thắng nhận tin báo khu vực đường Trần Cao Vân có vụ gây rối liền tức tốc lao tới. Người chồng sau khi nhậu về  đã đập phá đồ đạc, đánh đuổi vợ con làm náo loạn cả khu phố. Rất nhanh nhẹn, Thắng liền "nhảy" vào can ngăn, hòa giải. Chỉ trong ít phút, với kỹ năng quen thuộc, Thắng đã giải quyết ổn thỏa. Thắng kể, những vụ chồng nhậu về quậy phá rất phổ biến, Thắng đã can ngăn, hòa giải nhiều nên rất có kinh nghiệm.

Tổ ấm nhỏ là tài sản lớn nhất Thắng có được và luôn vun đắp mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khi tuần tra đêm, việc phán đoán các tình huống, biểu hiện của những người đi lại đêm khuya cũng rất quan trọng. Có vụ, 2 giờ sáng anh bắt gặp một thanh niên dắt xe máy trên đường, khi hỏi người này nói xe hết xăng. Nhưng quan sát nhanh trên xe không thấy cắm chìa khóa, Thắng sinh nghi, liền cùng anh em trong tổ tuần tra yêu cầu mở khóa kiểm tra xăng thì người này không có khóa. Đã rõ, đối tượng sau đó bị bắt vì trộm xe máy. Tương tự, có lần mới 4 giờ sáng mà đã có người chở cây cảnh đi ngoài đường, Thắng phán đoán không ai đi mua  cây cảnh giờ này cả, nên giữ lại kiểm tra thì phát hiện đây chính là đối tượng chuyên đi trộm cây cảnh.

Thường thì ca trực của Thắng kéo dài từ nửa đêm đến 5 giờ sáng. Đã thành quen, khi về nhà Thắng chẳng thể nào chợp mắt được, chỉ uống ly cà-phê rồi bắt đầu công việc bộn bề ngày mới. Thắng làm thợ hàn cho một doanh nghiệp tư nhân chuyên xây lắp nhà kho trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Thắng bảo cũng không dễ để xin việc làm. Thắng kể, 5 năm trước, khi mới đi tù về, chú Cung (Trung tá Nguyễn Đông Cung- Phó CAP Tam Thuận-P.V) thường xuống nhà động viên, hỏi han xem mong muốn làm công việc gì? Thắng nói đã học thợ hàn nên mong có công việc thợ hàn. Một thời gian ngắn sau đó Trung tá Cung đã dẫn Thắng tới cơ sở Hoàng Tửu trên đường Nguyễn Hữu Thọ để giới thiệu việc làm. Khi ông chủ cơ sở hỏi về tính cách, lý lịch  của Thắng, Trung tá Cung trả lời Thắng mới đi tù về. Ông chủ tỏ vẻ nghi ngại, bèn viện lý do bảo "Anh nóng tính vào làm sợ đánh lộn nhân viên của tôi". Trung tá Cung phải lấy uy tín của mình ra đảm bảo để thuyết phục ông chủ nhận Thắng vào làm việc. Vậy là, suốt từ đó đến nay Thắng có việc làm ổn định, mỗi tháng thu nhập gần 5 triệu đồng.

Căn nhà chừng 30m2, nằm sâu trong hẻm đường Đinh Tiên Hoàng là nơi vợ chồng Thắng, mẹ già cùng 3 con nhỏ sinh sống. Vợ Thắng chưa có việc làm nên mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ đồng lương làm công ít ỏi của Thắng. Khó khăn, nhưng không làm gia đình nhỏ ấy vơi bớt yêu thương. Với Thắng, niềm mong ước, hạnh phúc lớn nhất sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc là được trở về tổ ấm nhỏ của mình với những đứa con. Một tổ ấm, một nơi đi về, đó vừa là điểm tựa, vừa là "tài sản" lớn nhất Thắng có lúc này.

Nhìn tổ ấm bây giờ và nghĩ về quá khứ lầm lỗi, Thắng bảo mình từng có những lúc phải quyết tâm đến vật vã mới bước qua khỏi mặc cảm và nghịch cảnh để làm lại cuộc đời. Hồi đó, gia đình khó khăn, ba mẹ Thắng thì tất bật mưu sinh, chẳng có thời gian chăm sóc cho 3 đứa con, bởi vậy mới học lớp 5 Thắng đã bỏ dở, theo đám bạn lêu lổng tối ngày "chui" vào các quán Internet chơi game. Hết tiền, nhưng không cai được cơn nghiện game, vậy là Thắng cùng 20 đứa bạn bất hảo lập nhóm chuyên đi cướp giật tài sản. Ở tuổi 20 nông nổi, Thắng đã tham gia 13 vụ cướp giật tài sản gồm túi xách và điện thoại di động. Tất nhiên, bản án mà Thắng phải gánh nhận cho lỗi lầm của mình là 4 năm tù tại trại giam Bình Điền (TT-Huế). Lúc Thắng đi tù, người vợ ở nhà đang nuôi đứa con gái đầu lòng 7 tháng tuổi đã khóc ngất. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong đầu Thắng suốt những tháng ngày trong tù. Thắng đặt quyết tâm phải cải tạo tốt để sớm trở về gia đình, bù đắp những đau thương đã gieo cho vợ con.

Cuối năm 2010, Thắng ra tù, trở về nhà trong cảnh ba chết, mẹ phiêu dạt đi làm thuê, vợ thất nghiệp, con nheo nhóc, lại thêm nỗi mặc cảm nặng trĩu trong lòng. Nghịch cảnh ấy, phải đủ quyết tâm, bản lĩnh và tình yêu gia đình lớn lắm Thắng mới có thể vượt qua được. Và, còn cả bởi lòng bao dung của con người. "Khi ra tù em cứ nghĩ bà con hàng xóm sẽ xa lánh mình, nhưng không phải vậy, gặp em, ai cũng hỏi han, động viên, điều đó tạo động lực để em quyết tâm làm lại cuộc đời"- Thắng kể. Bên cạnh nguồn động viên, an ủi của mọi người, Thắng còn nhận được sự sẻ chia của chính quyền, nhất là Trung tá Cung đã đứng ra xin việc để giúp Thắng có điều kiện tái hòa nhập xã hội tốt hơn. Sau khi có việc làm, bù đắp yêu thương cho tổ ấm nhỏ của mình, Thắng nghĩ mình được như vậy cũng nhờ xã hội dang tay nâng đỡ nên quyết định tham gia dân phòng với lý do được "trả nợ lầm lỗi". Khi hỏi đi làm thợ hàn cả ngày đã mệt, về lại thức trắng đêm làm dân phòng mà chẳng có một đồng lương, có thấy quá sức không, Thắng cười trả lời, mình vượt qua lầm lỗi được cũng nhờ bà con nâng đỡ nên mong muốn được thức để canh giấc ngủ cho bà con. Nhờ nhiệt tình, có trách nhiệm, sau 4 năm tham gia dân phòng, Thắng được tín nhiệm bầu làm Đội phó dân phòng cơ động của P. Tam Thuận.

Nếu không có tình yêu thương, sự sẻ chia, nâng đỡ của cộng đồng, thật khó để hình dung với mặc cảm tội lỗi và nghịch cảnh gia đình như Thắng có thể vượt qua, trở thành người có ích cho xã hội. Hơn hết, những người từng lầm lỗi, họ cần biết bao bàn tay bao dung của cộng đồng nâng đỡ để hòa nhập.

Hải Hậu