Báo Công An Đà Nẵng

Câu chuyện giáo dục: Lời nói thiện

Thứ bảy, 31/12/2022 16:40
Gieo vào lòng trẻ những yêu thương. (Ảnh minh họa)

Chuyện kể về hai người mẹ có hai người con trai, nhà ở cạnh nhau. Bên này tường rào là nhà của người mẹ có cậu con trai năng lực yếu kém. Bà luôn tìm cách động viên, ủng hộ con bằng những lời nói tốt đẹp. Người con của bà vì thế luôn cảm thấy có động lực và không ngừng cố gắng. Sau này, cậu đã trở thành ông chủ của một công ty lớn. Bên kia tường rào là nhà của người mẹ có đứa con trai thông minh. Mỗi khi thấy cậu mắc sai lầm, bà thường gắt gỏng, chê bai và trừng phạt con thay vì bao dung, tha thứ. Càng lớn, cậu càng cảm thấy chán nản, bỏ học và gia nhập vào băng cướp rồi gây ra nhiều trọng án.

Tôi kể cho con nghe câu chuyện trên vì muốn con hiểu rằng, ban đầu, hai cậu bé ấy chẳng có gì khác nhau, nhưng rồi cuối cùng tính cách, số phận của hai người lại rất khác biệt bởi cách giáo dục khác nhau từ hai người mẹ. Qua câu chuyện, tôi muốn con nhận ra giá trị của những lời nói thiện. Tặng lời nói thiện cho người khác đúng cách, đúng lúc, đôi khi chẳng khác nào tặng châu báu, vàng ngọc. Lời nói thiện sẽ biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có. Lời nói thiện sẽ dẹp bỏ mọi oán hận, vun đắp nên sự hòa thuận, đoàn kết. Lời nói thiện giúp ta thấy được ưu điểm và xóa đi nhược điểm của người khác. Cũng chính lời nói thiện sẽ khiến cho người khác được dẫn dắt, được khơi dậy sự tự tin, sức mạnh, đứng dậy bước tiếp sau vấp ngã, sai lầm. Cổ Nhân nói “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng” quả là chí lí.

Cuộc sống có muôn vàn những câu chuyện cảm động minh chứng cho giá trị và sức mạnh của những lời nói thiện. Một câu nói khích lệ đối với một cậu bé thường xuyên mắc lỗi đã trở thành động lực để sau này cậu trở thành một nhà văn nổi tiếng. Một câu nói thuận miệng của một nhà văn trẻ đã khiến cho tên trộm khét tiếng bỗng chốc hoàn lương, và trở thành ông chủ của một trung tâm bảo trợ dành cho người khuyết tật sau 20 năm. Rồi câu chuyện của nhà bác học vĩ đại Edison một lần nữa đã cho ta thấy sức mạnh của những ngôn từ đẹp đẽ. Từ một cậu bé kém cỏi, thường xuyên khiến thầy cô phiền lòng và tưởng như không thể dạy dỗ, qua những lời nói khích lệ cùng sự dìu dắt của mẹ, sau này, Edison đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng thế giới...

Tôi làm nghề dạy học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên. Học trò của tôi đa phần có hoàn cảnh rất đặc biệt. Có những em vì nông nổi, vì chán nản, buông xuôi nên đã hết lần này đến lần khác vi phạm nội quy của trường, của lớp. Thay vì chỉ trích, trách phạt, kiểm điểm thường xuyên,... tôi thường chọn cách gặp riêng từng em để trò chuyện. Những câu chuyện rất bình thường được góp nhặt từ sách vở, từ cuộc sống, từ chính bản thân tôi đã gặp, đã trải qua. Tôi nói với các em bằng sự chân thành, với mục đích hướng thiện của một người làm nghề dạy học. Để rồi 5, 10 năm sau, tôi đã nhiều lần vỡ òa trước những cuộc điện thoại của học trò cũ gọi về nói lời cảm ơn tôi đa phần là những cậu học trò đã từng mang danh “cá biệt” ấy. Có em giờ đã là kỹ sư, là giám đốc, thậm chí là đồng nghiệp với tôi. Và rồi tôi càng nhận ra rằng, những lời nói thiện không bao giờ là dư thừa, hoài phí.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn nhiều người quen nói những lời thiếu thiện ý. Đó là những lời nói phát ra từ miệng lưỡi cay độc nhằm cười nhạo, châm biếm, gây tổn thương nặng nề cho người khác. Tôn Tử từng nói: “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. Những lời nói ác ý giống như kiếm đâm vào tim người nghe, làm cho người nghe nghẹn ngào, đau đớn, có khi là tuyệt vọng. Những người hay nói lời ác ý sẽ tự đánh mất dần đi giá trị của bản thân, biến mình trở thành người thiếu văn hóa, và bị mọi người xa lánh.

Lời nói thiện giống như mặt trời tỏa sáng, khiến mọi người luôn cảm thấy ấm áp, tràn đầy hi vọng và niềm tin yêu đối với cuộc sống. “Lời nói chẳng mất tiền mua”, bởi vậy mọi người nên “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”!

Lê Thị Xuyên