Báo Công An Đà Nẵng

Câu chuyện giáo dục ý thức, thái độ sống

Thứ hai, 27/03/2017 11:36

(Cadn.com.vn) - Kiến thức và kỹ năng có thể trau dồi, bồi dưỡng trong quá trình làm việc, nhưng ý thức, thái độ ứng xử thì cần phải được giáo dục, rèn luyện ngay từ tấm bé. Quan điểm giáo dục vốn rất được ông cha ta coi trọng ít nhiều đang bị xã hội hiện đại xem nhẹ.

1. Tại ngày hội tư vấn mùa thi 2017 do Báo Thanh niên phối hợp Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức giữa tháng 3 vừa qua tại hội trường Trường THCS N., trong khi các chuyên gia giáo dục đang tư vấn, hướng dẫn và lưu ý HS một số vấn đề liên quan đến việc cân nhắc, chọn lựa tổ hợp môn phù hợp với năng lực, ngành nghề để làm hồ sơ đăng ký dự thi, có không ít HS đứng dậy ra về. BTC phải yêu cầu các em trở lại chỗ ngồi trong trật tự. Thế là, có không ít HS tỏ ra khó chịu, kháo nhau: “Bắt đi rồi không cho về!”.

Nghe những câu trao đổi trên, chúng tôi không khỏi buồn lòng về ý thức, thái độ, nhận thức của các em. Rõ ràng, ngày hội tổ chức nhằm tư vấn, cung cấp cho các em rất nhiều thông tin quan trọng liên quan đến kỳ thi, định hướng cho các em trong việc cân nhắc, chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực, tránh để xảy ra sai sót trong quá trình làm hồ sơ dẫn đến việc mất đi cơ hội trúng tuyển của mình. Thế nhưng, nhiều HS chỉ xem đây như là một cơ hội để đi chơi, để tụ tập “tám” chuyện... Đó là chưa kể có không ít HS thiếu ý thức, vất luôn tờ rơi liên quan đến thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2017.

Cựu binh Mỹ Mike Boehm và đoàn nhà báo Nhật Bản thành kính dâng hương tại lễ tưởng niệm 49 năm xảy ra vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (ảnh có tính chất minh họa)Ảnh: P.T

2. Mới đây, tại Lễ tưởng niệm 49 năm thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi, 16-3),  chúng tôi chứng kiến một hình ảnh không hay khác của các em HS. Buổi sáng hôm ấy trời có mưa nhỏ. Ngoài lãnh đạo tỉnh, thành phố, huyện, các ban ngành đoàn thể, còn có đông đảo các đoàn khách trong, ngoài nước về dự. Trong đó, có đoàn cựu binh Mỹ, đoàn nhà báo đến từ đất nước Nhật Bản. HS cùng các quan khách đều được bố trí ghế ngồi trước đài tưởng niệm. Buổi tưởng niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Chỉ có một điều đáng tiếc, trong suốt quá trình diễn ra buổi tưởng niệm, nhiều HS ngồi phía dưới lễ đài nói chuyện. Khi trời mưa đổ hơi nặng hạt, trong khi nhiều HS và cả người lớn dời vị trí, túm tụm để trú mưa, thì các phóng viên Nhật Bản vẫn đứng xếp thành hàng trong yên lặng, lặng lẽ chuyền tay nhau chiếc áo mưa tiện lợi đã chuẩn bị trước để mặc nhưng không trùm đầu, mắt hướng về lễ đài với gương mặt đầy vẻ trang nghiêm, thành kính. Suốt quá trình diễn ra buổi tưởng niệm, họ chỉ trao đổi bằng dấu hiệu, cử chỉ. Đáng nói hơn, cuối buổi lễ tưởng niệm, trong khi cựu binh Mỹ Mike Boehm kéo đàn vĩ cầm để tưởng nhớ các nạn nhân bị thảm sát 49 năm về trước, dưới khán đài, có không ít HS lẫn người lớn di tản trú mưa hoặc ra về trong ồn ào... Chứng kiến những hình ảnh đó, chúng tôi cảm thấy buồn xen lẫn chút xấu hổ với các bạn khách nước ngoài.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều câu chuyện liên quan đến ý thức, thái độ ứng xử chưa được đẹp, chưa được hay của các em HS. Trước sự thiếu ý thức, thái độ ứng xử chưa được đẹp đó, người lớn thường bao dung bỏ qua với câu nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng nếu cứ bỏ qua mãi điều này e sẽ tạo trong các em những thói quen xấu.

3. Trong chương trình giao lưu văn hóa Việt- Nhật do VTV1 thực hiện vào cuối tháng 2 vừa qua với chủ đề “Trải nghiệm nền giáo dục của Nhật Bản”, dẫn chương trình Hồng Hạnh dẫn câu nói rất hay của người Nhật rằng: “Ba tuổi là linh hồn của 100 năm”. Người Việt Nam cũng có câu: “Dạy con từ thuở lên ba”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục nền tảng đối với cuộc đời của một con người phải được bắt đầu từ thuở bé thơ. Cũng tại chương trình này, những ai chưa một lần đến nước Nhật, chưa tìm hiểu kỹ về nền giáo dục xứ sở hoa anh đào này sẽ không khỏi ngỡ ngàng với cách rèn luyện, giáo dục, hình thành nhân cách HS ngay khi còn ở bậc mầm non. Trẻ em Nhật Bản được rèn tính kỷ luật, ý thức sống biết sẻ chia, tinh thần tập thể, làm việc theo nhóm rất cao. HS bậc tiểu học, THCS được làm quen với lao động chân tay thông qua việc dọn vệ sinh, lau chùi lớp học. Thậm chí, việc lau dọn nhà vệ sinh cũng do nhưng HS bậc THCS đảm trách... Giáo dục đạo đức, ý thức và thái độ sống được ngành giáo dục Nhật Bản chú trọng, đặt lên hàng đầu chứ không phải là kiến thức. Trong quá trình giáo dục, người Nhật rất chú trọng đến sự tương tác, phối hợp giữa gia đình với nhà trường.

Một nhà quản lý giáo dục ở Nhật Bản cho biết, bất kỳ một vấn đề nào liên quan đến giáo dục, hoạt động của nhà trường cũng đều được đưa ra tham khảo ý kiến phụ huynh. Và khi vấn đề đó đã được thông qua, phụ huynh không được có ý kiến nữa mà phải đồng hành cùng nhà trường trong quá trình giáo dục con cái.

4. Thiết nghĩ, kiến thức cũng như các kỹ năng có thể bồi dưỡng và trau dồi trong suốt quá trình của một đời người, nhưng thói quen, ý thức, thái độ sống của một con người cần phải được hình thành từ tấm bé. Từ xa xưa, ông cha ta đúc kết quan điểm dạy dỗ con cái bằng câu: “Uốn khi măng còn non”. Bác Hồ kính yêu cũng đã từng nói:  “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thế nên, để nuôi dưỡng tâm hồn cho 100 năm, hãy bắt đầu từ việc uốn nắn, hình thành cho con trẻ ý thức cùng những thói quen tốt. Và việc giáo dục này cần có sự đồng hành, đồng thuận từ gia đình, nhà trường và xã hội. Có như thế mới không nhận lãnh những hậu quả xấu trong tương lai.

P. Thủy