Câu chuyện tháng tư
(Cadn.com.vn) - Dù đây là những câu chuyện diễn ra từ những thời điểm không phải là tháng Tư, nhưng lại được kể vào tháng Tư này như một cái kết có hậu về những người lính từ hai chiến tuyến- thậm chí từ hai quốc gia. Đó là Đại tá CCB Trần Văn Thà–nguyên Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 Trung đoàn 270 mặt trận B5 đường 9 Quảng Trị năm 1968, và Neil Hanman–một người lính Mỹ 19 tuổi thuộc đại đội A, lữ đoàn 197 Mỹ, một trong những đơn vị đồn trú của Mỹ tại xã Gio Thành, H.Gio Linh, Quảng Trị năm 1966.
1. Câu chuyện thứ nhất, diễn ra vào tháng 7-2007. Trong lần về Quảng Trị tìm những thông tin về quân nhân Mỹ tử trận và mất tích, những quan chức gốc lính thuộc phái đoàn MIA tình cờ gặp cựu đại tá Trần Văn Thà, một người chỉ huy dày dạn nhiều năm trên chiến trường Quảng Trị cũng đang trong cuộc trở về tìm kiếm, cất bốc di cốt các đồng đội của ông. Nhận thấy đây là một nguồn có thể cung cấp khá nhiều thông tin cần tìm kiếm, qua chính quyền địa phương, các quan chức MIA trong đoàn đã xin gặp, và họ đã không thất vọng khi được nghe chính người chỉ huy đối phương gần như tái hiện lại không gian, diễn tiến chi tiết từng trận đánh gần 40 năm trước với những thông tin giá trị liên quan đến việc tìm kiếm người mất tích của cả hai bên. Song chính ông lại làm những quan chức MIA hôm đó rất ấn tượng khi ông trầm giọng đặt câu hỏi:
- Tôi nhớ những ngày đó, sau trận đánh của chúng tôi vào đơn vị Mỹ tại xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị. Khi tiếp cận với xác những người lính Mỹ, có người còn nguyên chiếc thẻ bài đeo ở cổ, có người bị bứt ra, tôi đeo lại chiếc thẻ bài đó vào cổ người lính và dặn anh em nếu thấy thẻ bài rời ra thì buộc vào cho họ. Dù sao thì người lính đó cũng đã chết. Việc đeo lại thẻ bài cho họ sẽ là cơ hội để xác họ không bị thất lạc. Cho đến bây giờ, không biết xác những người lính đó khi được tìm thấy có còn chiếc thẻ bài kia không?
Dĩ nhiên ngay lúc đó, và nhiều ngày sau này, những quan chức MIA vẫn không thể có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi bất chợt này. Nhưng ấn tượng về một người chỉ huy đối phương, ngay trong trận mạc, giữa khét lẹt mùi thuốc súng vẫn nghĩ và làm một việc nhân đạo đến khó tin với cả những người lính đối phương mà trước đó, chính họ đã hướng mũi súng về phía ông. Hết đợt làm việc, những thành viên MIA trở về, mang theo câu chuyện khó quên về người cựu sĩ quan nhân dân quân đội Việt Nam. Để rồi tình cờ, câu chuyện được kể đến một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Gio Thành là Neil Hanman. Sau khi nghe chuyện, đặc biệt là câu chuyện về vị đại tá “Việt Cộng” này liên quan đến tên xã Gio Thành, Gio Linh, lại trùng vào thời điểm và nơi mà Neil từng đồn trú và tham chiến. Để rồi từ câu chuyện này, Neil nghĩ ngay đến việc tìm kiếm bằng được người chỉ huy trận đánh kinh hoàng, khiến đại đội của Neil gần như bị xóa sổ. Và trong những điều “đáng quên” về sự chết chóc đó, Neil cùng 3 tân binh khác bị mắc kẹt, đành núp vào một lùm cây, nín thở đợi cho các chiến binh Việt Nam lướt qua, rồi mới liều chạy thục mạng về căn cứ. Tuy nhiên trên đường chạy, cả nhóm đã bị phát hiện và như bị bắn theo, song có điều lạ, dù bị phơi lưng giữa cánh đồng, lại bị bắn ở cự ly rất gần nhưng có vẻ như những người lính đối phương không cố tình bắn tiêu diệt, nên cả ba người không hề bị sát thương?
2. Câu chuyện thứ hai, vào năm 2013, trong một chuyến trở về thăm quê, người phiên dịch cho chỉ huy lữ đoàn 196 Mỹ , tên là Nguyễn Hữu Cầu tình cờ thấy một nhóm người đang cùng xây dựng một nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh càn lịch sử ở Gio Thành... Sực nhớ một người quen của ông hiện định cư ở Mỹ kể lại chuyện nhóm quan chức MIA liên quan đến sự kiện xảy ra ở Gio Thành tháng 5-1966. Trong đó có Neil Hanman đang nuôi ý nguyện tìm kiếm danh tính, địa chỉ “ông Đại tá” mà các quan chức MIA từng tiếp xúc trong câu chuyện liên quan đến “sự kiện” Gio Thành. Dè dặt ướm hỏi, ông Cầu mới hay nhóm người xây bia đều là CCB, từng là chiến sỹ cũ của chính vị đại tá trong câu chuyện trên. Để rồi như là “cơ duyên”, một trong những CCB đó đã gọi điện thoại trực tiếp cho thủ trưởng cũ của mình và được đại tá Trần Văn Thà vui vẻ đáp lời. Đầu năm 2015, đại tá Trần Văn Thà nhận được cuộc gọi của ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết, Neil Hanman muốn được gặp trực tiếp ông để rõ thêm một số điều liên quan đến những sự kiện Gio Thành. Dĩ nhiên đại tá Trần Văn Thà đồng ý, với duy nhất một yêu cầu: cuộc gặp phải trên tinh thần thiện chí, chỉ bàn chuyện nhân đạo. Đầu tháng 4-2015, sau mấy cuộc hẹn như có phần dè dặt, một nhóm người Mỹ xuất hiện tại nhà cựu đại tá Trần Văn Thà ở Nha Trang. Dẫu chưa từng biết mặt nhau nhưng những cái bắt tay, những vòng ôm tự nhiên đã như xóa đi cái cảm giác xa lạ của những người từng là đối phương của nhau cách đây gần nửa thế kỷ. Cũng vẫn phong thái đĩnh đạc của người chỉ huy dày dạn, đại tá Trần Văn Thà sau khi được giới thiệu người cựu binh Mỹ tên là Neil, đã chủ động đặt ngay câu hỏi:
- Vào ngày 6-5-1968, khi hai bên giáp trận, ông ở đâu?
Nghe câu hỏi và cũng là câu trắc nghiệm, Neil lấy ngay trong ba lô cuốn Album, rồi lật từng trang ảnh cho ông Thà xem..., và thật bất ngờ, cả hai người lính đều ngay tức khắc nhận ra sự trùng khớp đến từng diễn tiến sự kiện mà cả hai người từng tham gia. Trong đó, như lời Neil kể, rằng hôm đó, hai bên đang nổ súng vào nhau, Neil cùng 3 tân binh khác bị mắc kẹt lại ở một nơi gần đó và khi bị cô lập, và từ chỗ lẫn trốn, khi thấy bộ đội Việt Nam xuất hiện cả nhóm đã sợ đến mức không dám thở mạnh. Cho đến khi bộ đội Việt Nam lướt qua, cả nhóm mới chạy thục mạng về căn cứ... "Có điều lạ, trên đường chạy, chúng tôi bị bộ đội Việt Nam phát hiện và nổ súng... song như thể những người nổ súng chỉ để cảnh cáo, xua đuổi nên dù ở cự ly gần, mà cả nhóm không một ai bị thương", Neil nói.
- Có điều gì khác thường ở câu chuyện này?
Neil đặt câu hỏi và được đại tá Trần Văn Thà hỏi lại: Ông có biết một người lính Mỹ bị chúng tôi bắt sống, và một người bị chúng tôi truy đuổi phải trốn dưới bờ kênh là ai?
Không phải nghĩ lâu, Neil nhớ ngay: người bị ông Thà bắt làm tù binh trận đánh đó là tân binh Bill Baird. Khi trận chiến kết thúc, Neil và một số binh sĩ muốn quay lại mang xác đồng đội về chôn cất nhưng chỉ huy không cho. 2 ngày sau, công việc này mới được thực hiện. Khi đó, ai cũng tưởng Bill Baird đã chết nhưng mấy ngày sau, Bill Baird được thả trở lại, còn người bị truy đuổi là Desmand. Sau trận chiến 1 ngày, Desmand chạy trở về đơn vị trong trạng thái hoảng loạn.
Trở lại câu hỏi của Neil , ông Thà cho biết: “Thấy một lính Mỹ bỏ súng chạy thục mạng về phía sông, chúng tôi đuổi theo, nhưng tìm không thấy. Còn việc tại sao chúng tôi bắn các ông mà không ai bị thương vong, đơn giản, vì lúc đó khi mấy anh em chĩa súng về phía mục tiêu gần... nhưng tôi không cho. Lúc đó mà anh em tập trung bắn thì những người lính đó không có cơ hội sống. Song tôi bảo các chiến sỹ của mình, rằng người ta bỏ súng chạy là biết sợ rồi, thôi cho họ con đường sống đi!”.
Neil quay sang ôm chầm lấy ông Thà nói với tâm trạng đầy xúc động: “Tất cả đối với tôi như một cơn ác mộng. Khi còn là học sinh cấp III, tôi đã được chọn đi lính. Chúng tôi ra chiến trường vì mệnh lệnh chứ không phải vì lý tưởng như những người lính Việt Nam. Khi lần đầu nhìn thấy những chiếc máy bay bị cháy rơi xuống đất, xác người nằm la liệt, tinh thần chúng tôi xuống dốc kinh khủng. Nhưng bây giờ mọi cái đã qua, chúng ta là bạn... mãi mãi là bạn!”.
Neil tiếp tục câu chuyện về mình. Sau cuộc chiến, Neil về Mỹ bắt đầu cuộc sống mới, nhưng trong tâm trí của mình, Neil không khi nào quên được Việt Nam, đặc biệt là vùng quê Gio Linh, Quảng Trị. Trong đó, một kỷ niệm không bao giờ quên của Neil. Đó là lần trên đường về căn cứ, Neil bắt gặp một phụ nữ Việt Nam bị thương rất nặng ở chân. Neil đã cõng cô này về doanh trại để chữa trị vết thương trước con mắt lạ lẫm của những đồng đội Neil. Lúc đó, tuy không mấy hiểu việc làm của Neil, nhưng nhìn thấy cô gái bị thương nặng thì ai cũng xúm tay vào cứu giúp. Năm 2010, Neil về Gio Linh và tìm lại được cô gái năm xưa tên là Phan Thị Sơn. Thấy hoàn cảnh cô khó khăn, ở với mẹ già trong căn nhà lụp xụp, Neil đã giúp cô xây một căn nhà mới. Cách đây 2 năm, cô Phan Thị Sơn qua đời, Neil đã hứa sẽ giúp đỡ mẹ cô đến hết đời. Neil tâm sự: “Chiến tranh luôn là điều không tốt, không ai muốn. Tôi muốn tìm lại chiến trường xưa, gặp lại những người Việt Nam dễ mến, để bằng tình cảm chân thành của mình với hy vọng góp một phần nhỏ chữa lành vết thương chiến tranh”. Tuy vậy, Neil cũng thú nhận rằng, để được gặp ông Thà, tôi đã rất hồi hộp và có phần căng thẳng. Đặc biệt, căng thẳng hơn, khi một số người khuyên tôi không nên gặp, nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm tìm đến, bởi tôi tin và thực tế chưa bao giờ tôi có ác cảm với bộ đội Việt Nam. Còn bây giờ, sau khi gặp ông, tôi đã nghĩ tôi đã đúng khi quyết định tìm gặp được người từng là đối phương trong chiến tranh. Càng đúng khi cuộc gặp diễn ra đúng như những gì tôi mong chờ. Ông đã rất tình cảm và thân thiện!"...
Vâng câu chuyện của hai người lính từ hai phía, nay hội thành câu chuyện tháng Tư với sự thân thiện. Và từ sự cảm phục người sĩ quan bộ đội Việt Nam trong trận mạc, càng cảm phục hơn khi được biết sau khi kết thúc chiến tranh, ông Thà dành phần lớn thời gian để đi tìm hài cốt đồng đội và làm thầy thuốc chữa bệnh miễn phí. Neil đã trao tặng đại tá Trần Văn Thà cuốn sách của một người Mỹ viết về cuộc chiến tranh ở Quảng Trị năm 1968 và nói với thái độ trân trọng:
- Xin tặng ông – một người chiến sĩ dũng cảm, một “kẻ thù” đáng kính của ngày xưa và một người bạn đáng quý của hôm nay!
Lê Bá Dương