Báo Công An Đà Nẵng

Câu chuyện vũ khí hạt nhân

Thứ ba, 19/08/2014 08:09

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên liên tục đưa ra những tuyên bố đe dọa sẽ “tấn công tàn nhẫn” hoặc “tấn công không thương tiếc” nhằm vào Hàn Quốc. Vì sao Bình Nhưỡng luôn có những lời lẽ đe dọa đầy máu lửa như thế?

Nhiều người cho rằng, có thể do Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân (VKHN) trong khi Hàn Quốc không có, mà chỉ dựa vào “chiếc ô hạt nhân” xa xôi từ Mỹ. Vì thế, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên thật sự đang khiến Hàn Quốc đau đầu. Một câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Xanh có nên tính đến chuyện tự phát triển VKHN của riêng mình?

Căng thẳng hạt nhân một lần nữa phủ bóng đen trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đang đe dọa thử nghiệm VKHN lần thứ 4. Đây là cách mà giới phân tích mô tả là “phản ứng dị ứng” mới của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đối với cuộc tập trận thường niên của Mỹ - Hàn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, diễn ra từ ngày 18 đến 21-8 nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, trong đó có sự xâm lược của Triều Tiên. Hàn-Mỹ khẳng định đây chỉ là tập trận bình thường trong khi Bình Nhưỡng cho rằng, cuộc tập trận này nhằm tiến đến việc xâm chiếm Triều Tiên.

Một cuộc thử nghiệm VKHN lần thứ 4 của Bình Nhưỡng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các cuộc tranh luận tại Seoul và Washington về việc liệu Hàn Quốc có nên trở thành quốc gia sở hữu thứ vũ khí hủy diệt này hay không.

Và câu chuyện “có VKHN” đang thực sự làm nóng Hàn Quốc. Còn nhớ, hồi năm 2013, ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 3, tờ Chosun Ilbo dẫn lời các nhà bình luận chính trị cho rằng, Seoul thực sự rất cần có VKHN. Theo nhiều cuộc khảo sát sau đó, hầu hết người dân Hàn  Quốc cùng cho rằng, đất nước rất cần VKHN.

Chính trị gia bảo thủ Chung Mong-joon và cựu nghị sĩ Song Young-sun... từ lâu kêu gọi Hàn Quốc phản ứng tốt với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên với một “quả bom Hàn Quốc”. Họ có các đồng minh trong giới chính trị Mỹ. Elbridge Colby, nhà báo thuộc tạp chí Chính sách đối ngoại bảo thủ National Interest, cho rằng, Mỹ đặt mình vào “vị trí địa chính trị không phổ biến VKHN” nếu Nhật - Hàn chọn cách phát triển VKHN”.

Năm ngoái, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ yêu cầu chính quyền Obama xem xét “kế hoạch khả thi” về chiến thuật tái triển khai VKHN trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng nhiều người phản đối cho rằng, việc tiếp cận bảo thủ sẽ khiến vị trí của Tổng thống Park Geun-Hye bị lung lay. Nó còn có tác dụng ngược ở Washington. Ngoài ra, việc phát triển VKHN này cũng giống như việc mở hộp Pandora vậy. Đầy rẫy những cạm bẫy. Và quan trọng hơn, nếu Hàn Quốc nghiêm túc xem xét việc này, xu hướng liên minh Hàn-Mỹ trong 60 năm qua có thể cũng sẽ bị đảo lộn với vấn đề “chiếc ô hạt nhân” của Washington.

Bởi nếu thần hạt nhân được cho ra khỏi chai sau hàng chục năm bị giam giữ, vị thần này chắc chắn sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế số 1 của Mỹ ở khu vực này cũng như toàn thế giới.

Thanh Văn