Cầu Giao Thủy - nối nhịp bờ vui
(Cadn.com.vn) - Nững ngày này, đến các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc (Quảng Nam), ở đâu cũng nghe người dân bàn tán rộn ràng về cây cầu Giao Thủy sẽ khánh thành vào ngày mai (24-3). Không mừng vui sao được khi ước mơ bao đời của người dân nơi đây về nhịp cầu nối đôi bờ sông Thu Bồn nay đã thành hiện thực. Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, H.Duy Xuyên) đạp xe xuống tận nơi để nhìn tận mắt cây cầu mới, vui mừng: "Vui quá chú ơi, thỏa niềm mơ ước rồi!"...
Quê tôi ở làng Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc), nên tôi hiểu được sự vui sướng của người dân khi nhịp cầu đã nối đôi bờ sông Thu Bồn. Từ bao đời, việc đi lại, giao thương của người dân ở ngã ba sông Thu Bồn này đều phụ thuộc vào những chuyến đò ngang chòng chành, nguy hiểm. Quê nội ở xã Duy Trinh (H. Duy Xuyên) nên cha tôi thường về quê lo việc tộc họ, mỗi lần qua đò, ông lại ước ao có cây cầu để đi lại cho tiện... Trước đây, tại bến sông này từng tồn tại một chiếc cầu tạm do quân đội Mỹ dựng lên để vận chuyển vũ khí, đánh phá các vùng căn cứ cách mạng ở Duy Xuyên. Sau năm 1975, cầu bị gãy vì quá cũ nát, từ đó, qua sông phải bằng đò ngang.
Cầu Giao Thủy đã hoàn thành. |
Giờ đây, bên tàn tích của chiếc cầu tạm ngày trước, cầu Giao Thủy vững chãi nối đôi bờ sông Thu đã hoàn thành. Chị Vân cho biết: "Không có cầu, người dân như ở vùng sâu, vùng xa vậy, khổ đủ đường. Cực nhất là mỗi lần sinh nở, đau ốm phải đi đò qua Đại Lộc để ra Đà Nẵng chữa trị, mùa mưa lũ là bị cô lập. Bây giờ có cây cầu ni sướng rồi, chạy xe một hơi là đến". Ông Dương Văn Lâm (xã Đại Hòa) kể, từ khi cầu hợp long, ngày nào ông cũng cùng với nhiều người dân trong làng lại đi bộ lên đây ngắm cảnh, hóng gió mát sông Thu Bồn. "Đi trên cầu mà tôi tưởng giống như mơ. Mong ước của người dân chúng tôi đã trở thành hiện thực rồi", ông Lâm tâm sự.
Ngồi trên chuyến đò cuối cùng qua sông Thu Bồn, tôi hỏi ông Lê Trung, (thôn Quảng Huế, xã Đại Hòa) có buồn không khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ chấm dứt việc đưa đò? Ông Trung cười hiền, bảo đã gắn với bến đò Giao Thủy này hơn 10 năm, cuộc sống của vợ chồng già đều dựa vào việc đưa khách qua sông, bây giờ không làm nữa thì cũng khó khăn. "Nhưng không vì thế mà tôi buồn mà ngược lại rất vui mừng khi có cây cầu Giao Thủy. Đò ngang tiềm ẩn nguy hiểm, dẫu mình có cẩn trọng đến mấy nhưng không biết tai nạn xảy ra lúc nào. Bây giờ có cây cầu, người dân hai bên bờ sông sẽ qua lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông cũng dễ dàng, đời sống người dân quê tôi chắc sẽ khấm khá hơn. Tôi dự tính sẽ mở quán nước nhỏ ở đầu cầu, bởi có cầu rồi thì nhiều người sẽ qua lại tuyến đường này để đến Mỹ Sơn du lịch", ông Trung tiết lộ dự tính của mình.
Những chuyến đò cuối cùng trước khi cầu Giao Thủy khánh thành. |
Cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn ngay ngã ba hợp lưu giữa 2 con sông Vu Gia và Thu Bồn. Cầu rộng 12m, dài hơn 1km, đường dẫn phía Nam tới đường ĐT 610 thuộc H. Duy Xuyên nối với TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc qua đường ĐT 609B. Thế nên khi cầu Giao Thủy đi vào hoạt động, sẽ rút ngắn được gần 10km từ Đà Nẵng lên Thánh địa Mỹ Sơn, tạo điều kiện cho du khách tham quan cũng như du lịch vùng phía Tây Quảng Nam phát triển. Không những thế, chiếc cầu sẽ trở thành động lực phát triển cho các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và huyện Đại Lộc, kết nối với tỉnh Kon Tum.
Ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Nam cho rằng, cầu Giao Thủy là cơ sở hạ tầng chiến lược nối các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn ra với bên ngoài. "Thời gian đến, tuyến đường này sẽ trở thành tuyến đường du lịch, từ Đà Nẵng du khách sẽ đến thánh địa Mỹ Sơn gần hơn, giao thương của người dân ở các xã tây Duy Xuyên và huyện Nông Sơn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Cầu Giao Thủy hoàn thành đã hiện thực mong ước của người dân bao năm qua và đánh dấu bước đổi thay đáng mừng của Quảng Nam sau 20 năm tách tỉnh. Trong những năm đến, tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực xây dựng thêm nhiều cây cầu nối đôi bờ sông Thu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương", ông Cường nói.
Hoàng Anh