Báo Công An Đà Nẵng

Câu hỏi tỷ “đô” đang bỏ ngỏ

Thứ hai, 30/06/2014 10:52

(Cadn.com.vn) - Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở TPHCM ngày 28-6, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cao su nhựa TPHCM đặt vấn đề: Hơn 3.000 doanh nghiệp nhựa cả nước đang gặp khó khăn khi chưa chủ động được đầu vào, mỗi năm phải nhập 6 tỷ USD nguyên liệu, giờ phải làm sao?

Câu hỏi của Trần Việt Anh nói đến, kỳ thực, không hề đơn giản. Theo một báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, từ năm 2008 ngành nhựa phải gồng mình hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu.

Hơn nữa, hạt nhựa sản xuất từ chế phẩm dầu mỏ nên chịu tác động trực tiếp của giá mặt hàng này nên rất khó lường, thường là tăng giá chứ ít khi giảm, có những thời điểm giá tăng theo tuần, khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay trong sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có hai nhà máy sản xuất hạt nhựa của Cty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina với tổng công suất mỗi năm khoảng 250.000 tấn PVC và Cty Liên doanh Hóa chất LG Vina mỗi năm cung cấp khoảng 150.000 tấn nguyên liệu DOP.

Hai nhà máy nói trên mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của các doanh nghiệp nhựa, nên mỗi năm ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu 2 - 2,5 triệu tấn các loại nguyên liệu khác.

Thế nhưng, vấn đề lớn nhất đặt ra không hẳn là những khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp nhựa mà là câu hỏi đặt ra từ lâu: Đến khi nào Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa?

Có thể ví von, đó là câu hỏi tỷ “đô” đối với một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước hiện nay. Thế nhưng, vế trả lời dường như đã bỏ ngỏ từ quá lâu rồi. Năm này qua năm khác, những con tàu chở hạt nhựa đều đặn cập cảng như một lẽ tự nhiên, hàng tỷ USD cứ thế rơi vào tay các nhà cung cấp nước ngoài.

Cách đây ít lâu, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) có nêu ra một sáng kiến nhằm cải thiện tình hình, kiến nghị các bộ, ngành liên quan cho phép ngành nhựa được nhập khẩu phế liệu nhựa sạch để tái chế ra nguyên liệu hạt nhựa, nhằm giảm giá thành và đáp ứng thêm một phần nhu cầu hạt nhựa trong nước.

Chưa rõ kiến nghị này giờ đã đi đến đâu, nhưng chắc chắn rằng, dù có được chấp thuận đi nữa thì cũng khó giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Bởi lẽ, nguyên liệu nhựa chế biến từ phế liệu chỉ có thể đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu hạt nhựa của toàn ngành, chưa kể, chế tạo phế liệu thành hạt nhựa đặt ra những vấn đề về bảo vệ môi trường.

Có thể, còn rất lâu nữa Việt Nam mới giải quyết được nhu cầu nguyên liệu nhựa trong nước bằng nguồn nguyên liệu nội địa; cũng có thể, sẽ vạch ra một chiến lược nhập khẩu (thực tế không nhất thiết thứ gì cũng phải ở nội địa); hoặc sẽ vạch ra được một chiến lược phát triển ngành nhựa giảm thiểu được tác động của biến động giá, chẳng hạn như tăng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm...

Tất cả đều có thể. Thế nhưng, có một điều “có thể” mà lâu lắm rồi doanh nghiệp vẫn âm thầm chờ đợi, đó là sự bắt đầu của những điều cần thiết ấy ở phạm vi toàn ngành một cách nghiêm túc.

Nguyễn Lê