Báo Công An Đà Nẵng

Cầu thi công dang dở gây ngập, sạt lở khiến dân bức xúc

Thứ ba, 12/09/2023 09:15
Cầu Sách thi công dang dở, hằng ngày có rất đông người dân, học sinh lưu thông qua cầu Phố Thị đã xuống cấp.

Cầu Phố Thị tại tổ 15 (thôn Tú Phương) nằm trên con đường huyết mạch nối hai xã Bình Sa và Bình Đào và có hơn 500 hộ dân của thôn Tú Phương thường xuyên đi lại để lên trung trâm huyện, QL1A. Hằng ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông qua cầu này. Tuy nhiên, cầu Phố Thị nhỏ hẹp và thời gian sử dụng lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông, năm 2021, UBND huyện Thăng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Sách thay thế cầu Phố Thị, giao cho Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư. Cầu Sách bắt đầu thi công đầu năm 2022, tuy nhiên đến nay chỉ mới làm được một mố cầu. Công trình ngổn ngang gây nên tình trạng ngập nước trong diện rộng vào mùa mưa và xói lở nhiều đoạn đường, phương tiện lưu thông rất nguy hiểm.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 6-9, mặt cầu Phố Thị rộng khoảng 2m, hai đầu mố cầu và trụ cầu đã có xuống cấp. Khi người dân chở hàng hóa cồng kềnh, xe ô-tô đi qua thì phải nhường nhau do mặt cầu nhỏ hẹp. Trong khi đó, cầu Sách bên cạnh chỉ mới làm xong một mố cầu tạo hố sâu nguy hiểm, đất đổ ngổn ngang giữa dòng suối.

Gần 2 năm thi công, chủ thầu thi công chỉ mới làm được một mố cầu Sách.

Căn nhà của gia đình bà Võ Thị Thu (78 tuổi) nằm ngay đầu cầu Phố Thị. Trò chuyện với phóng viên, bà Thu phân trần, khi UBND huyện Thăng Bình đầu tư xây dựng cầu Sách thay thế cầu Phố Thị đã xuống cấp, người dân nơi đây rất vui mừng. Tháng 2-2021 cầu bắt đầu thi công, nhưng chủ thầu chỉ múc đất dưới lòng suối làm móng cầu 2 tháng rồi dừng. Từ tháng 3 đến tháng 7-2023, họ đến thi công một mố cầu rồi "lặn mất tăm". Việc cầu Sách thi công dang dở gây ngập, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đi lại của người dân.

"Chủ thầu múc đất đổ tại suối làm ngăn cản một phần dòng chảy con suối. Mùa mưa năm ngoái nước dâng vào nhà tôi 20cm, mặt đường khu vực cầu ngập hơn 30cm phương tiện không thể lưu thông. Dòng nước chảy xiết làm sạt lở bờ kè, xâm thực vào nhà tôi hơn 3m. Chủ thầu thi công mố cầu múc đất đổ chắn gần nửa con suối, tôi lo lắng mùa mưa năm nay căn nhà của mình sẽ tiếp tục bị dòng nước làm xói lở", bà Thu tâm sự.

Cùng tâm trạng bức xúc, ông Phan Hòa Hiệp - Bí thư Chi bộ thôn Tú Phương giãi bày, đơn vị thi công múc đất làm cầu đổ trên con suối dẫn đến cản trở dòng chảy tự nhiên. Đến mùa mưa, đập Phố Thị xả nước đến đoạn này không thoát kịp nên con đường bị ngập. Lúc đó, người dân, học sinh phải đi đường vòng lên trung tâm xã, QL1A mất hơn 2km, rất bất tiện. Nước thoát chậm, dâng cao trên diện rộng khiến gần 100 hộ dân xung quanh cầu bị nước dâng vào nhà, ngập hoa màu. Dòng nước xoáy còn gây sạt lở hơn 70m đất sát con đường, có đoạn lòng đường bị lở sâu vào gần 2m, phương tiện lưu thông rất nguy hiểm. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương và người dân kiến nghị lên lãnh đạo huyện sớm hoàn thành cầu Sách và kè những đoạn đường bị xói lở, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Người dân dùng cọc tre kè, chống tạm bợ những đoạn bê-tông đường bị sạt lở.

Liên quan đến phản ánh của người dân thôn Tú Phương, ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết, theo chủ trương, cầu này không bố trí kinh phí bồi thường mặt bằng, chỉ vận động người dân hiến đất. Hộ ông Võ Đức Thông bị ảnh hưởng 70m2 đất ở mố cầu, do diện tích đất lớn nên ông Thông không đồng ý hiến, yêu cầu phải bồi thường. Địa phương đã nhiều lần vận động, tuy nhiên gia đình ông Thông vẫn không đồng thuận. Để tháo gỡ vướng mắc, UBND xã đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Thăng Bình kiểm tra và đã thống nhất sẽ bố trí thêm kinh phí để bồi thường cho hộ dân này. Hiện tại, các đơn vị liên quan sẽ sớm tiến hành lập phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng để chủ thầu thi công hoàn thiện cầu Sách.

Về những đoạn đường bị xói lở, ông Nguyễn Đình Yến thông tin, năm 2022, UBND huyện đã phê duyệt kinh phí dự án kè những đoạn đường bị xói lở, giao cho Phòng NN&PTNT huyện thực hiện. Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc triển khai thi công nên nguồn vốn bố trí cho dự án đã bị huyện thu hồi.

"Trước phản ánh của người dân, UBND xã Bình Tú đã kiến nghị lên UBND huyện sớm thực hiện dự án kè các đoạn đường nguy cơ sạt lở. Trường hợp đến mùa mưa năm nay vẫn chưa được thực hiện, địa phương phải dùng cọc tre kè tạm thời để hạn chế xói lở vào con đường", ông Yến nói.

Thiết nghĩ, cầu Sách dang dở suốt 2 năm là do UBND huyện Thăng Bình chưa tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng. Trước những bức xúc của người dân, UBND huyện Thăng Bình cần sớm tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng để hoàn thiện cầu Sách, khẩn trương thực hiện dự án kè những đoạn đường bị sạt lở để người dân đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn.

LÊ VƯƠNG