Cầu tình yêu, tại sao không?
(Cadn.com.vn) - Ý tưởng tạo dựng trên Sông Hàn cây cầu tình yêu của bà Lê Thị Nam Phương, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng là một ý tưởng không tệ một chút nào và rất đáng để "mổ xẻ" kỹ càng từ nhiều chiều. Xin nhấn mạnh ngay mà chẳng hề có một chút băn khoăn rằng dẫu có đa chiều và bất đồng, trái ý đến đâu đi nữa thì cũng rất nên làm...
Lâu nay, trên đất nước ta có một bất cập mà dường như ít người để ý. Chẳng hạn, khi lần đầu tiên tôi đến Huế, rủ bạn gái đi thăm Chùa Thiên Mụ thì được người Huế cảnh báo rằng, nếu đi cả đôi lên chùa Thiên Mụ, thế nào cũng xa nhau(?). Hàng chục năm trôi qua, bao giờ nghĩ về chuyện đó, thực sự là một nỗi buồn. Cái gọi là truyền thuyết, truyền miệng trong dân gian đó đã làm cho bao lứa đôi chẳng thể cùng nhau đến với một trong những ngôi chùa giàu biểu tượng và linh thiêng nhất nước?
Một câu chuyện khác: Khi đến Di Hòa Viên (Trung Quốc), người ta chỉ vào một tảng đá bên bờ hồ bị mòn đến trơn bóng và nói rằng “khi xưa”, Từ Hy Thái Hậu chiều nào cũng đến ngồi đó để trầm tư về những uẩn ức không thể giãi bày. “Hệ lụy” mà ai cũng biết là du khách nào cũng cố một lần vuốt ve cái vết mòn đó khiến cho nó ngày một lung linh, hấp dẫn hơn. Thêm một câu chuyện nữa: Khi đến Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc, du khách được kể về cây cầu, nơi mà Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài đã chia tay. Họ “chia tay” thế nào chỉ có trời mới biết nhưng ngay sau đó, tôi đã thầm phục người Trung Hoa quá giỏi qua cách nói diệu tuyệt đến không ngờ. Hướng dẫn viên tiếng Việt nói với chúng tôi rằng nàng công chúa ở thiên đình, con gái Ngọc Hoàng Thượng Đế soi gương, lỡ tay, một mảnh rơi xuống đây thành Tây Hồ, mảnh kia rơi xuống Việt Nam thành Hồ Tây. Chừng một tiếng sau, tình cờ trở lại chỗ đó, tôi nghe hướng dẫn viên nói bằng tiếng Nga (nghe lõm bõm thôi) với du khách Nga rằng một mảnh “vẫn”... rơi xuống để thành Tây Hồ, còn mảnh kia là Hồ Bai Kan nổi tiếng của nước Nga(!)...
Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có (nên có) những câu chuyện như thế. Cái hay cái dở mọi người sẽ ngẫm sẽ bàn, riêng người viết bài này tin rằng câu chuyện theo cách đó nghe trong hôm nay, ngày mai là chuyện vui nhưng mươi năm nữa, chắc chắn sẽ trở thành huyền thoại lung linh, quyến rũ vô cùng...
Một câu chuyện tình thật đẹp đã có rồi: Khi tôi viết lịch sử xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam (1982) – quê hương Anh Trỗi, tôi đã nghe kể thật nhiều câu chuyện xúc động về chuyện tình Anh Trỗi – Chị Quyên. Câu chuyện tình trong chiến tranh diệu tuyệt ấy, tự nó, đã có nhiều huyền thoại. Bây giờ cây cầu để nối tình yêu ấy, đã có – chúng ta chỉ cần làm mới, làm đẹp, để tăng lên gấp bội ý nghĩa và giá trị của cây cầu.
Sống ở Đà Nẵng, có ai để ý bên này Sông Hàn phát âm nhẹ và thanh, người Đà Nẵng tự gọi là tiếng Đà Nẵng; vậy mà bên kia sông, cũng dòng sông ấy nhưng giọng nói lại đậm đà hương vị Quảng Nam? Cái khác biệt âm – dương ấy giống như khác biệt bờ bắc – bờ nam, phía đất liền – phía biển; quả là không gian – môi trường lý tưởng cho tình yêu thăng hoa, cho các đôi lứa từ khắp mọi miền tìm đến. Tình yêu đó còn mãi dẫu bị chiến tranh cắt lìa nhưng thời của hòa bình thì sẽ khác, phải khác...
Đà Nẵng là thành phố độc đáo, đẹp và gợi mở với một môi trường trời, biển, cát, nắng, con người đầm ấm, thân thiện, quả là lý tưởng lắm cho tình yêu thăng hoa, diễm tuyệt. Rồi các kiến trúc sư, các chuyên gia đô thị, du lịch sẽ bàn xem có nên xây cầu hai tầng không; rằng có nên xây hẳn một “vườn treo Babylone” nho nhỏ với nhiều loại hoa hay không, có nên có một vài quán café chỉ dành riêng cho lứa đôi hay cho các cặp vợ chồng kỷ niệm đám cưới vàng, đám cưới bạc hay không... Những ý tưởng sẽ tiếp nối cho Đà Nẵng đẹp hơn, cho huyền thoại Sông Hàn lấp lánh hơn. Thật là vui khi đến một ngày nào đó, nhắc đến Đà Nẵng là được nhắc đến một duyên danh mới – thành phố tình yêu...
Huế, 15-12-2014
Hà Văn Thịnh