Báo Công An Đà Nẵng

Cây cao bóng cả của buôn làng

Thứ tư, 20/03/2019 16:00

10 năm trước, Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên ra đời khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với Đảng, với Tổ quốc và bày tỏ lòng quyết tâm đồng sức, đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện,  góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như những bóng cả giữa đại ngàn, nhiều già làng đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong công cuộc bảo vệ, xây dựng vùng đất Tây Nguyên ngày càng ổn định và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu tại Hội nghị.

Ngày 19-3, tại TP Pleiku (Gia Lai), Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên (2009-2019). Dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc Nguyễn Thị Kim Ngân; đại diện Ủy ban TƯMTTQVN; các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận cùng 224 già làng tiêu biểu đại diện cho hơn 3.000 già làng đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng với 47 dân tộc anh em, nhân dân nơi đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, luôn nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng Tây Nguyên ngày càng ổn định và phát triển. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, 10 năm trước, tình hình ANTT-XH ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không ngừng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Ở những buôn làng, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đói nghèo, một bộ phận đồng bào luôn bị chúng kích động, lôi kéo để gây rối, gây bạo loạn, chống phá chính quyền, vượt biên trái phép. Một số nơi, đồng bào nghe theo kẻ xấu xúi giục bỏ ruộng nương, buôn làng, bỏ sản xuất... khiến đời sống vô cùng khó khăn. Nhận thức rõ vị trí vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản, những người có uy tín lớn trong cộng đồng buôn làng, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban TƯMTTQVN và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên vào tháng 3-2009 tại TP Pleiku. Tại Hội nghị, những già làng tiêu biểu thay mặt già làng các dân tộc Tây Nguyên nhất trí thông qua Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban TWMTTQVN, khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ, với Đảng, Tổ quốc và bày tỏ quyết tâm đồng sức đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên: thực hiện 5 lời hứa trong Quyết tâm thư, già làng các dân tộc Tây Nguyên đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng. Nhiều già làng thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào định canh định cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng buôn làng giàu mạnh. 10 năm qua, các già làng Tây Nguyên đã tổ chức hơn 10.500 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào về đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Các già làng Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy với mọi công việc của buôn làng; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo; các già làng đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc gìn giữ, phát huy giá trị phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình...

  Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao, vai trò vị trí; ghi nhận những đóng góp to lớn của các già làng Tây Nguyên trong việc thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946, gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. 

 "Tôi tin tưởng rằng khối đại đoàn kết cả dân tộc Tây Nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện, phát huy được truyền thống văn hoá tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đúng với tâm niệm của các Già làng Tây Nguyên đã ghi trong Quyết tâm thư đó là: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đất Tây Nguyên là đất của đất Việt Nam, người Tây Nguyên là người của người Việt Nam, Tây Nguyên vì cả nước, cả nước vì Tây Nguyên"-Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

MINH TÂN