Cây cầu hòa bình
(Cadn.com.vn) - Một tòa án quốc tế - Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) - chuẩn bị đưa ra phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông. Phán quyết của PCA rõ ràng sẽ là thách thức đối với tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp này. Phán quyết này cũng là cơ hội cho Châu Á để khẳng định nguyên tắc của pháp luật và quy tắc ứng xử cho nhiều vụ tranh chấp đảo.
Liệu Trung Quốc có bị tuyên án vi phạm luật hàng hải bằng cách tuyên bố chủ quyền - và cải tạo đất tại một số hòn đảo ở biển Đông- hay không? Hiện hầu hết dư luận quốc tế đều nghiêng về khả năng, Philippines sẽ thắng trong vụ kiện này, tức là tòa án quốc tế sẽ phán quyết Trung Quốc không được quyền tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông đang tranh chấp. Nhưng Trung Quốc đã khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của PCA và cho rằng, PCA không có thẩm quyền trong vấn đề biển Đông.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và kinh tế đã thách thức trật tự quốc tế vốn được thành lập sau Thế chiến II. Nhiều người chỉ trích Bắc Kinh không những tìm cách thay đổi các nguyên tắc trật tự này mà còn bằng nhiều cách, phá vỡ chúng. Bây giờ, Trung Quốc có thể sẽ bất chấp tất cả để không chấp thuận phán quyết của PCA - một phán quyết dự kiến sẽ đứng về phía Philippines. Bởi trên thực tế, lập luận pháp lý của Trung Quốc cho tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là rất yếu khi chủ yếu dựa trên một tuyến đường thương mại cổ đại và là một bản đồ vẽ tay được gọi là "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò".
Nhiều hòn đảo ở biển Đông có giá trị chiến lược. Nơi đây không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới mà còn là khu vực giàu tài nguyên, từ cá cho đến dầu mỏ. Nhưng trên cả những mối quan tâm vật chất, tranh chấp lãnh thổ cho thấy "sự cần thiết phải chấm dứt nỗi sợ hãi rằng, việc cưỡng chế và đe dọa sẽ chiếm chỗ của các quy định và pháp luật", như tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trong bài phát biểu gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo, tác động của hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông "phản ánh quá khứ xa xôi của khu vực, chứ không phải là tương lai có nguyên tắc mà tất cả chúng ta muốn cho Châu Á-Thái Bình Dương". Đó là lý do tại sao Mỹ, kể từ Thế chiến II, đã cam kết bảo vệ nhiều quốc gia ở Châu Á, từ Hàn Quốc đến Philippines. Nhiều người cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục "ăn hiếp" đồng minh của Mỹ như Philippines, Washington chắc chắn sẽ không thể ngồi yên được nữa.
Điều người ta chờ đợi lúc này là phán quyết của PCA và cả thái độ chấp thuận hay không chấp thuận bản án của Trung Quốc.
Thanh Văn