Báo Công An Đà Nẵng

Cây gậy và củ cà rốt

Thứ năm, 01/06/2017 09:20

(Cadn.com.vn) - Liên minh Châu Âu (EU) xem ra đã sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, nhưng tất nhiên phải có sự trấn an một cách nghiêm túc về thương mại công bằng từ Bắc Kinh. Cho đến lúc đó, Brussels chắc chắn sẽ tiếp tục khua “cây gậy” công cụ bảo vệ thương mại của họ.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 19, bắt đầu vào ngày 2-6 tới, hai cường quốc kinh tế dường như vẫn giữ vững các lập trường lâu dài của mình. Nhiều người cho rằng, dù Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu gây chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Trung Quốc vẫn còn xa nền kinh tế thị trường.

EU nhiều lần thúc ép việc tiếp cận tốt hơn thị trường Trung Quốc và lập luận, những cải cách thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không đạt được như mong đợi, đặc biệt là về nhôm và thép, nơi nhà nước đã can thiệp dẫn đến tình trạng dư thừa, đe dọa các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Trung Quốc đứng thứ 84 trên toàn cầu - sau Saudi Arabia và Ukraine - trong chỉ số kinh doanh dễ dàng của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2016, và đứng thứ hai trong báo cáo về hạn chế đầu tư nước ngoài của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tỷ trọng GDP toàn cầu và thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001. Khi Trung Quốc phát triển, các Cty Châu Âu chắc chắn cũng đi theo chiều hướng này.

EU lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không công bằng với việc bán phá giá và trợ cấp. EU cũng lo Trung Quốc đang làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các Cty nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ ô-tô đến tài chính, trong khi trợ cấp cho các Cty trong nước. Trước thềm hội nghị, Bắc Kinh làm giảm mối lo ngại này.

Trong khi Brussels đáp trả những lo ngại bằng cách áp dụng một số trợ cấp và biện pháp phòng vệ thương mại, Trung Quốc đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về cách tiếp cận mà EU và Mỹ sử dụng để tính các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại thứ hai của EU sau Mỹ, với thị phần nhập khẩu là 20% và 10% xuất khẩu. Ngoài các hạn chế về tiếp cận thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nêu ra một số thách thức trong việc thành lập và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Nhưng vẫn còn đó là rất nhiều tiềm năng. Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc trong tuần này sẽ là cơ sở thử nghiệm cho một khởi đầu mới, nếu hai bên thực sự nghiêm túc muốn tạo ra sự khác biệt.

Thanh Văn