Cây trâm có trái...
Thế nên, thi thoảng bắt gặp đâu đó đôi chùm trái cây có màu tím sẫm, ký ức lại như gọi về cả một trời thương nhớ. Tuổi thơ cũng chẳng bởi vì đâu lại tụm năm, tụm ba, sau những cơn mưa đầu hè để chạy vụt lên đồi tranh phía có cây trâm cổ thụ mà tự khoản đãi cho mình bữa tiệc trâm chín mọng.
Lạ là cây trâm phía đồi tranh bên trên vườn nhà tôi ngày ấy ra trái quanh năm. Hoa trâm có màu trắng như hoa bưởi, khi nở có mùi thơm nhẹ. Trái trâm nhỏ tròn đầy như đầu ngón tay út, kết trái theo chùm. Trâm non xanh sau chuyển dần hồng, rồi sang tím sậm đó cũng là thời điểm trâm chín. Có lẽ quê nghèo ngày thơ ngoài món quà mẹ đi chợ về là chiếc kẹo ú, kẹo gừng…, họa hoằn đến mùa Trung thu mới có thêm cái bánh gói gạo tẻ, cây kẹo chanh bọc gấy kính…, nên thức ăn uống, kiểu cây nhà lá vườn miễn phí như món trâm thì những đứa trẻ như tôi ngày đó làm sao không thích thú, háo hức để có những buổi trưa trốn ngủ, vờ vịt đi đâu đó rồi rủ rê bạn bè thoắt cái đã trèo đến lưng chừng cây trâm, tìm thế chắc chắn cặp hai chân vào cây rồi “thưởng” thức món trâm chín. Thỏa thích nhất vẫn là sau những cơn mưa, từng chùm trâm chín vỏ ngoài như đẫy đà ra, thơm ngọt hơn trong đầu lưỡi và cả con mắt nhìn…
Ngày mưa đã vậy, những ngày nắng, mùa trâm chín, cả khu vườn phía trên nổng tranh nơi có cây trâm cứ xao lao, những bàn chân nhỏ, những tiếng cười nói, những cái miệng bé tẹo cười te những hàm răng, đôi môi tím ngắt… Có trưa đang đu mình trên cây trâm hay đang đánh chén thì cơn gió xoáy từ đâu cuộn thốc lên làm những cành trâm rung bần bật, tiếng con quạ bay ngang trời… làm tôi chợt rùng mình nhớ lời ba từng bảo, cây trâm ấy có ma đấy… Ông kể, thời ông cố rồi ông nội, khi gió bão chưa làm cây gãy đi rồi đâm tược mới, lâu năm lại tái thành cổ thụ như bây giờ…, trong thời chiến, cây trâm bị bom đạn thêm mấy lần, nhớ nhất là khi những du kích của ta về đây trú ẩn đã hy sinh không còn một ai. Sau trận bom đạn người dân địa phương đã lập áng thờ đưới gốc cây trâm để có chỗ trú ngụ cho những linh hồn không nơi nương tựa, không trọn xác thân. Sau này chiến tranh càng ác liệt, người dân cũng ly lán, tản cư hết nên cũng không còn ai thờ cúng. Đất nước thống nhất, từ Bắc trở về, trong buổi đầu khai hoang vở đất, lập vườn, ba đã kiên nhẫn lật từng viên đá đắp lại hàng rào đá, khơi lại dòng mương để thoát nước khi mưa lũ và cũng là để bảo vệ cây trâm. Theo ba những ngày thơ tôi còn nhớ tại gốc trâm còn có trái bom rất to đen trũi chưa nổ. Ba lật bom chôn sâu lòng đất rồi chất đá lên để bom tự hủy. Tôi biết ba không tin chuyện thần thánh ma quỷ, nhưng ông nói vậy để tôi và lũ trẻ sợ hãi mà ít leo trèo, bất cẩn dễ xảy ra tai nạn, vì cây trâm rất to và cao. Đã đôi ba lần có người đến hỏi mua cây trâm để làm cột nhà nhưng ba đều không bán. Ông bảo, cây trâm có vóc dáng cao, gốc và thân rất khỏe, tượng trưng sức sống mãnh liệt, nguồn năng lượng tích cực, ý chí kiên cường, không quản ngại khó khăn như con người vậy. Hơn nữa, tôi biết cây trâm với ba còn là chứng tích quê hương một thời và mãi mãi.
Tuổi thơ đi qua, sau này vào cấp ba rồi đại học, mỗi hè về tôi lại vù lên nổng tranh, thăm lại vườn xưa, ăn quả trâm chín nhưng sao trong lòng mình cảm giác khác lạ, khi tuổi thơ ngây hồn nhiên cứ dần dần xa đi mãi. Bao ưu tư như bủa vây khi nhận ra tuổi tác ba mẹ ngày càng già đi, mưa lũ ngày càng một dữ dội hơn, bạn bè ngày thơ cũng đâu còn ai nữa…Chung quanh bao trùm một nỗi trống vắng mênh mông, phảng phất nỗi buồn của kiếp nhân sinh. Màu trâm chín có gì đó giông giống màu trái sim trong câu hát man mác nỗi buồn của “Thu hát cho người” -Vũ Đức Sao Biển. “Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…”
Tôi nghe trong tôi, chiếc bóng loài chim có tên Hoàng hạc cũng đã bỏ tôi, bỏ cả bầu trời tuổi thơ quê nhà dấu yêu, thấp thoáng vầng mây màu lam chàm chiếc áo vá của mẹ, thấp thoáng màu nâu sẫm, bóng nhẵn chiếc cán cuốc trong tay ba bao năm tháng mưa nắng ruộng vườn. Nhớ những đêm ngủ lại quê với những thúng mủng, giần sàng, nong nia, và tiếng ếch từ vũng ngâm tre vẳng lên nhói vào lòng khắc khoải. Mùi tre ngâm ung ủng, thôi thối quyện theo cơn gió từ cánh đồng thổi lên rồi chạy về phía núi, xao xác cuốn theo những chiếc lá rì rầm bao câu chuyện kể…
Bẵng đi thời gian, tôi chẳng còn nhớ vì sao núi cứ lở, chỗ ở của người dân làng tôi cứ hẹp dần…, những quả đồi cứ trọc đi, cây cối chẳng còn, họ đốn trụi để trồng rừng thay thế. Cây trâm ký ức cũng mất đi từ lâu lắm rồi. Những đêm nằm ở phố mà tôi lại nghe như có tiếng đất lở ở quê nhà để rồi lòng mơ hồ một nỗi sợ hãi nào đó không thể đặt tên. Tôi nghe tiếng những cơn mưa phùn bay qua cây trâm tuổi thơ của tôi, nó ghé xuống thật thấp thay tôi lạy tạ ba mẹ tôi đang yên nghỉ ở đó. Tôi chợt nhớ về một cây khế nào đó đã trổ hết bông của một chiều thứ bảy muộn về, nhớ về những cây mồng tơi trong chậu, cây lá khổ sâm dùng chữa ghẻ lở, cây bồ kết ba trồng ngày mẹ tóc xanh…và cây trâm góc nổng tranh, bên bờ đá của ngày trời mưa lâm thâm rất buồn, đẹp và nhớ. Tôi nói với con gái, tuổi thơ ba biết có ngày nào trở lại nhưng ký ức sẽ ủ cho mùa sau những hơi thở nồng nàn trong đêm hoang vu và tĩnh mịch…
Tạp bút: Võ Văn Trường