Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm bậc Tiểu học
(Cadn.com.vn) - Thực hiện Chỉ thị 5105 của Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với bậc Tiểu học, tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn chấn chỉnh việc dạy thêm trái quy định. Sở GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu dạy thêm, học thêm ở Tiểu học. Cụ thể, mỗi nhà trường, giáo viên có cam kết bằng văn bản về thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 5105 của Bộ và phải chấp nhận các hình thức xử lý nếu cố tình vi phạm.
Các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (kể cả loại hình 30 tiết/tuần) thì Hiệu trưởng xây dựng chương trình giáo dục, thời khóa biểu hợp lý để học sinh có thời gian tự học ở trường có hướng dẫn của giáo viên vào cuối mỗi ngày học. Giáo viên không được ra thêm bài tập về nhà để học sinh có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư và gia đình.
Các trường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoại khóa nhằm giảm áp lực phải học thêm trong những ngày nghỉ, ngày lễ; tổ chức các sân chơi, giao lưu nhằm khơi dậy lòng đam mê, sáng tạo và tự khẳng định khả năng của mỗi học sinh. Ngoài ra, không tổ chức các cuộc thi, giao lưu, các sân chơi trí tuệ ở cấp huyện, cấp tỉnh đối với giáo dục tiểu học, trừ giao lưu “Em yêu tiếng Việt” dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh.
Sở GD-ĐT cũng xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vi phạm; không xem xét thi đua đối với Phòng GD-ĐT, trường tiểu học có giáo viên vi phạm; tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ dân phố và các lực lượng xã hội, phát hiện và kiểm tra xử lý kịp thời đối với giáo viên vi phạm quy định dạy thêm.
Đối với giáo viên vi phạm, ngoài xử phạt hành chính ở mức cao nhất theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cần áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế cơ hội tổ chức hoặc tham gia dạy thêm của giáo viên vi phạm như không bố trí làm giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp dạy môn Toán, Tiếng Việt trong 2 năm học liên tục, luân chuyển đến vùng không có nhu cầu học thêm.
B.H