Chân dung nhà văn trong "Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh"
Bộ sách "Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh" của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, phát hành cuối quý II-2017 vừa qua gồm 2 quyển, tập hợp 40 bài viết của nhà nghiên cứu-phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, về thân thế và sự nghiệp của 40 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh tính từ đợt đầu tiên năm 1996 đến đợt thứ năm xét năm 2016 và được tổ chức trao tặng ngày 20-5-2017 vừa qua.
Trong "Lời mở sách", nhà nghiên cứu-phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên tâm sự: "Trong quá trình phục dựng chân dung các nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh tôi đã gặp không ít khó khăn, vì phần lớn họ đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngay có nhà văn mới được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, năm 2012 mà cũng đã ra đi như Lê Văn Thảo, khi cuốn sách chưa kịp ra mắt để biếu tặng ông. Hiện tại có không nhiều các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh còn sống. Nhưng ngay cả những người ấy, tôi cũng không có nhiều điều kiện để trực tiếp trao đổi, tiếp nhận thông tin từ phía họ...".
Bằng tâm huyết cùng năng lực của bản thân, bộ sách đã chứng tỏ tinh thần và thái độ lao động nhiệt tình, nghiêm cẩn, khách quan của tác giả. Trước hết, tác giả đã chọn cho tập sách một hình thức đa thể loại. Có bài như một bút ký chân dung văn học, có bài đậm chất báo chí thông tấn, có bài nghiêng về nghiên cứu-phê bình, lại có bài chia làm nhiều phần và mỗi phần là một thể loại khác nhau; tất cả chỉ nhằm làm nổi bật chân dung những nhà văn đã có một gia tài văn chương đáng kể, cùng những nét ấn tượng trong sinh hoạt đời sống cũng như những chuyện "bếp núc" văn chương của họ. Với lối viết khá linh hoạt và uyển chuyển ấy, Đỗ Ngọc Yên đã trình bày những cảm nhận, những quan sát theo cách của mình về đời sống và tác phẩm của các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh; qua đó đã "vẽ" ra được những nét riêng tạo nên các phẩm cách chủ yếu về cuộc đời và những giá trị cốt lõi của các tác phẩm văn chương của các nhà văn.
Hình thức thì là "kể chuyện" nhưng thực ra trong đó đã bao hàm mục đích đề cao một cá tính hay phẩm chất nào đó của nhà văn; hoặc giá trị tác phẩm của họ. Nhờ thế mà bạn đọc "nhận ra" chân dung của nhà văn. Chẳng hạn: Nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ trước hết là một nhà văn có gia tài tác phẩm đáng kể mà hầu hết đã được ông cùng đồng nghiệp đưa lên màn ảnh suốt gần nửa thế kỷ. Hoặc: Tác phẩm "Cỏ non" nổi tiếng của Hồ Phương chẳng phải viết về Anh hùng Hồ Giáo như lâu nay nhiều người vẫn tưởng và cái sự nhầm ấy chính là lời khen về năng lực quan sát và trí tưởng tượng hư cấu của một nhà văn giàu vốn sống...
40 nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh được giới thiệu trong 2 quyển sách, có tác giả được Đỗ Ngọc Yên viết khá dài, công phu như một chuyên luận nghiên cứu. Đó là những bài viết về các nhà văn: Hữu Thỉnh, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Tứ, Tế Hanh, Nguyễn Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Sáng... Cũng có những nhà văn được tác giả giới thiệu hơi "mỏng" nếu căn cứ theo số trang viết. Tuy nhiên, "mỏng" mà không hề "nhẹ", bởi sức nặng nằm ở những lời nhận định, đánh giá đôi khi chỉ dăm dòng. Viết về nhà thơ Chính Hữu, Đỗ Ngọc Yên chỉ chọn phân tích bình phẩm 3 bài thơ "Đồng chí", "Ngọn đèn đứng gác" và "Người bộ hành lặng lẽ" là đủ dựng chân dung một nhà thơ tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một người thơ "lặng lẽ đi, lặng lẽ đến" mà di sản để lại tuy không nhiều nhưng sống mãi với thời gian. Giới thiệu về nhà văn Đỗ Chu, một cây bút từng được nhà văn khả kính Nguyễn Minh Châu nhận xét "như cây quế thơm từ vỏ thơm vào", sau khi khẳng định trong văn nghiệp của Đỗ Chu thì phần tùy bút là phần nổi trội hơn cả, Đỗ Ngọc Yên chỉ cần dăm dòng cảm nhận chủ quan đã đủ gợi cho bạn đọc nét độc đáo tài hoa của tùy bút Đỗ Chu: "Sau khi đọc hết hơn ba trăm trang Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, tôi lại còn muốn đọc nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa ông với những người khác"... Người đọc cũng bắt gặp khá nhiều những nhận định sắc sảo như thế khi đọc các bài viết về các nhà văn: Hà Xuân Trường, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Công Hoan...
N.T