Báo Công An Đà Nẵng

Chàng trai 8x làm giàu từ… dế!

Thứ năm, 21/09/2017 10:40

Đang giữ chức vụ trưởng phòng với mức lương hàng chục triệu đồng nơi đô thị phồn hoa, anh Phạm Duy Phong (1984, trú TT Đăk Đoa, H. Đăk Đoa, Gia Lai) xin nghỉ việc về quê tìm tòi các mô hình kinh tế và đi đến quyết định “chơi” với... dế với ước mơ làm giàu trên quê hương mình.

Anh Phong chăm sóc dế trong trang trại.

33 năm trước, gia đình Phong thuộc diện kinh tế mới vào ngã ba Sông Ba–H. Ayun Pa (nay là TX Ayun Pa, Gia Lai) lập nghiệp. Bao năm đèn sách, Phong đã thi đỗ Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngành Quản trị Kinh doanh. Tốt nghiệp năm 2005, Phong ở lại thành phố, tìm được công việc tại một Cty nước ngoài. Giữ chức trưởng phòng với mức lương 20 triệu đồng/ tháng là ước mơ của bao người. Thế nhưng, cuộc sống và công việc ở thành phố dường như không giữ chân được chàng trai lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên này. Nhất là sau khi cưới vợ, công việc khiến Phong phải xa gia đình càng khiến anh thêm nung nấu ý định về quê khởi nghiệp. Năm 2011, khi nghe tin Phong xin nghỉ việc về quê, bạn bè, người thân khá bất ngờ. “Lúc đó mình cũng chưa định hình về quê sẽ làm gì nhưng trong tâm khảm mình vẫn muốn về làm giàu trên chính quê hương. Bởi còn trẻ nên mình không ngại khó, ngại khổ”, Phong tâm sự. Thời gian đầu mới về quê, Phong xin vào làm nhân viên tại cửa hàng Honda của Cty TNHH Đức Dung tại H. Đăk Đoa. Ban ngày đi làm, đêm về, Phong lên mạng tìm hiểu thông tin trên Internet, trăn trở tìm kiếm cách làm kinh tế phù hợp với thực tế bản thân và địa phương. Sau thời gian nghiên cứu, anh nhận thấy mô hình nuôi dế Thái Lan còn khá mới mẻ trên đất Gia Lai. Sau nhiều lần tìm hiểu, anh đã mạnh dạn đầu tư. Bởi không chỉ làm thức ăn cho các loài vật nuôi khác, dế Thái còn trở thành món ẩm thực khá khoái khẩu của các quán nhậu, nhà hàng.

Ngày bắt tay vào việc nuôi dế, dù đã tìm hiểu khá kỹ từ trước nhưng Phong không ít lần gặp thất bại khi đặc điểm khí hậu vùng đất Gia Lai khá khác biệt. “Có lúc mình thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng, khiến gia đình, bạn bè nghi ngờ, không ủng hộ về hướng làm giàu của mình”, Phong kể. Thế nhưng, điều đó không làm nản chí bởi mỗi lần thất bại Phong đều tự rút ra cho bản thân mình từng bài học về kỹ thuật, cách chăm sóc... Dần dần, anh đã có được kết quả chăn nuôi như ý khi đàn dế Thái ngày càng sinh trưởng mạnh và sinh sôi nảy nở. Đến nay, trang trại dế của Phạm Duy Phong là một trong những trang trại dế lớn tỉnh Gia Lai. Với diện tích hơn 200m2 chuồng trại cùng hệ thống làm mát, ánh sáng phù hợp, đàn dế luôn khỏe mạnh, phát triển tốt và được xuất đi nhiều nơi trong nước.  Ước tính, mỗi năm trại dế Thái Lan của Phong xuất bán khoảng 600 thùng dế thành phẩm, mỗi thùng khoảng 1 triệu đồng, trừ chi phí mang về cho anh nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng. Phong bảo,  ban đầu dù chỉ cần khoảng vài triệu đồng tiền vốn đầu tư mua con giống và dụng cụ nuôi dế nhưng để đàn dế đạt tiêu chuẩn xuất đi bán các nơi khác thì đòi hỏi các kỹ thuật và đầu tư khá nhiều. Sau đó, người nuôi sẽ tự tạo giống bằng cách cho dế đẻ trứng và để trứng tự nở. “Dế Thái Lan rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn có thể tận dụng được ngay trong vườn nhà hoặc mua thì cũng giá rất rẻ vì dế chỉ ăn cám gạo, cám bắp và các loại rau. Tuy nhiên, để dế phát triển tốt, ngoài việc tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên thì cần phải đa dạng hóa nguồn thức ăn (chủ yếu là rau, cỏ). Với thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ cần 2 tháng là có thể cho xuất chuồng, trừ những lúc thời tiết biến đổi đột ngột”-Phong cho biết.

  Nghe “tiếng thơm” từ mô hình của Phong, nhiều người tìm đến nơi tìm hiểu, Phong đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ từ cách chăm sóc đến các kỹ thuật mà anh đã tích cóp được bấy lâu nay. Không chỉ thế, anh còn bao tiêu sản phẩm, giúp người nuôi dế trên địa bàn tỉnh có đầu ra. Phong chia sẻ: “Khi bắt đầu bỏ việc về nhà, với đồng lương làm nhân viên cửa hàng xe máy không đủ chi tiêu cho gia đình, mọi khó khăn cứ theo đó ập đến. Được gia đình, bạn bè động viên cũng như với bàn tay và khối óc của mình, điều quan trọng là không sợ khó, sợ khổ để vững vàng bước qua thử thách. Tuy có chút thành công ban đầu nhưng mình vẫn luôn tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức. Và sau bao mồ hôi, công sức của mình thì cũng đến ngày hái “quả ngọt”.

M.T