Chàng trai 9x tìm cơ hội làm giàu bên bờ sông Thạnh Hãn
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Mạnh Tuấn ở làng Gia Độ, xã Triệu Độ, H. Triệu Phong, Quảng Trị. Đó là một cơ ngơi nhỏ nép bên dòng sông Thạch Hãn, nơi anh Nguyễn Mạnh Tuấn đang hằng ngày miệt mài với các loại nấm, mà anh tin rằng, nó sẽ giúp anh trở nên khá giả và có ích với cộng đồng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm tại TP Đà Nẵng, anh Tuấn quyết định về quê lập nghiệp bằng việc trồng nấm, mặc dù hiểu rõ những rủi ro tại nơi có khí hậu khá khắc nghiệt này. Anh Tuấn chia sẻ: “Hồi trước, khi ở trường, tôi thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và tiếp xúc nhiều với cây nấm trong ngành học và có hẳn một môn về quy trình sản xuất nấm. Bởi vậy, sau khi ra trường, tôi quyết định gắn bó với cây nấm”.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Tuấn đưa và trồng các loại nấm Mèo, nấm Sò thời gian thu hoạch xoay vòng khoảng 10 ngày, đồng thời, anh còn trồng nấm Linh Chi, loại nấm sinh trưởng chậm nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn đầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn vất vả, nhưng anh đã cố gắng khắc phục và đạt được thành quả. Anh đã tiến hành xây dựng các nhà nuôi cấy và trồng nấm có diện tích 250m2 trên mảnh đất vườn của gia đình; sử dụng các vật liệu như tre, mùn cưa, rơm... gần gũi với làng quê . Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, sau một năm, anh đã thu lại vốn và bây giờ đã có lãi. Trừ chi phí, mỗi tháng anh thu lợi từ 10 - 12 triệu đồng, tuy con số ban đầu không cao lắm, nhưng đây là động lực để tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô. Ngoài ra, anh tích cực tham gia hoạt động của hội trồng nấm tại địa phương, nhằm trau dồi kiến thức và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Anh Tuấn chia sẻ quy trình trồng nấm của mình. |
Nguyễn Mạnh Tuấn dự tính trong tương lai gần, anh mở rộng quy mô bằng việc xây dựng một lò hấp lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Anh cũng sẽ mở rộng diện tích sản xuất thêm 2 nhà nuôi cấy, nhằm cung ứng sản lượng nhiều, chất lượng tốt và đáp ứng thị trường tiêu thụ. Không chỉ lo kiếm tiền cho mình, anh Tuấn cho biết sẵn sàng hợp tác, chia sẻ để tạo ra các giá trị cho cộng đồng. Riêng về nghề trồng nấm, anh chia sẻ: Quy trình trồng nấm trải qua các công đoạn: Chuẩn bị nguyên liệu (mùn cưa, rơm...) đem đi ủ từ 2 - 4 ngày hoặc 3 – 6 ngày, tùy vào thời tiết, phối trộn với các phụ gia (bắp, đậu..) tiếp đến đem đi đóng bao và hấp, tiến hành nuôi sợi từ 20 ngày đến 1tháng tùy vào loại nấm. Công đoạn cuối cùng là đợi thu hoạch, tùy từng loại nấm sẽ cho ra từ 2 -3 vụ hoặc cho ra đến 5- 6 vụ.
Anh Trần Thanh Tùng, một người dân địa phương, cho biết: Tuấn là người khá tự lập, luôn chịu khó học hỏi và chăm chỉ. Mô hình trồng nấm của Tuấn là niềm khát khao cho thanh niên trong làng noi theo. Không những thế, Tuấn là một người con và một người anh trai mẫu mực trong gia đình. Nhờ trồng nấm, kinh tế gia đình khá giả hơn, nuôi hai em ăn học, một đứa nay đã ra trường còn một đứa đang học lớp 8. Thời gian tới, gia đình tôi cũng dự định sẽ mở mô hình trồng nấm như Tuấn. Tuấn sẵn sàng giúp đỡ về quy trình cũng như tìm kiếm nguồn giống tốt.
Có lẽ, câu chuyện rời phố về quê lập nghiệp của chàng trai 9X Nguyễn Mạnh Tuấn không có gì to tát, nhưng chí ít đó cũng là gợi ý cho hàng ngàn bạn trẻ mang tấm bằng cao đẳng, đại học, thậm chí sau đại học..., đang xếp hàng xin việc, tìm kiếm những cơ hội mong manh ở các đô thị. Chúng tôi tin rằng, với tri thức của mình, các bạn trẻ có thể làm nên nhiều điều ở tại quê hương mình – nơi đã nuôi sống các thế hệ trong suốt hàng nghìn năm qua.
Trần Chánh – Xuân Long