Báo Công An Đà Nẵng

Chàng trai 9X với sáng tạo máy thu gom rác thải

Thứ sáu, 12/04/2019 13:50

Mong muốn chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường biển, môi trường sông hồ, chàng sinh viên (SV)  năm thứ 5 khoa Cơ khí giao thông ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) Võ Anh Khoa (1996) đã có ý tưởng thiết kế Mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước và được nhóm bạn hưởng ứng nhiệt tình. Sau thời gian thực hiện, mô hình đoạt giải nhì hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho SV cấp trường, được chọn triển lãm tại Festival Khoa học công nghệ trong SV ĐH Đà Nẵng năm 2019 và đã được Thành đoàn Đà Nẵng đặt hàng.

Võ Anh Khoa (người ngồi bên trái) cùng các thành viên  điều khiển mô hình hoạt động tại Festival Khoa học công nghệ trong SV ĐH Đà Nẵng năm 2019 . Ảnh: P.T 

Là con trai cả trong gia đình 2 anh em ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam), từ nhỏ Khoa đã mơ ước sẽ theo học chuyên ngành về kỹ thuật tàu thủy. Đấy là lý do để em đăng ký dự thi và trúng tuyển vào khoa Cơ khí giao thông ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Khoa thổ lộ cơ duyên sự ra đời của ý tưởng này: "Trong thời gian học tại khoa Cơ khí Giao thông chuyên ngành kỹ thuật tàu thủy, em hay đi dọc các bãi biển, sông, hồ ở Đà Nẵng, thấy rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường nước, nhất là sau mỗi trận mưa lớn. Hay tham gia các hoạt động tình nguyện nên em rất hiểu cảm giác khi phải nhặt rác hàng giờ ngoài trời nắng nóng vất vả như thế nào cũng như khi vớt rác ở trên sông, hồ nguy hiểm ra sao. Từ đó, em ấp ủ ý tưởng thiết kế chiếc máy thu gom rác thải trên bãi biển, trên mặt nước để giúp lực lượng lao động lĩnh vực vệ sinh môi trường tiết kiệm sức lực, làm việc hiệu quả, an toàn hơn, góp phần gìn giữ và cải thiện không gian, môi trường sống xanh, sạch đẹp cho TP. Sau một năm ấp ủ, tìm tòi nghiên cứu, em phác thảo kế hoạch ban đầu rồi đưa ý tưởng này ra bàn với 2 bạn cùng lớp là Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật cùng 3 em khóa dưới là Võ Văn Khoa (em trai), Lê Thanh Hải, Đinh Văn Hiệp. Tất cả đều hưởng ứng nhiệt tình. Sau khi tính toán phần thiết kế, tính toán sự ổn định của mô hình, chúng em bắt tay vào việc hoàn thành mô hình".

Trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm nghiên cứu của Khoa gặp không ít khó khăn về tài chính. Đã thế, do chưa có mối quan hệ nên khi tìm mua các linh kiện, thiết bị, nhóm Khoa thường mua đắt hơn so với mặt bằng chung. Ngoài tài chính, nhóm gặp không ít khó khăn về trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để hàn, chế tạo hoặc gia công các chi tiết của linh kiện. Khó khăn nhất là việc thiết kế làm sao để khi chế tạo các trục dẫn động và trục đỡ cho băng tải phải được đồng tâm, nếu không thiết bị sẽ bị rơ, rung lắc. Không có máy khoan chuyên dụng, nhóm của Khoa đành dùng máy khoan thường rồi tự canh cho thẳng để khoan nên không tránh khỏi sai số dẫn đến có độ rung lắc trên mô hình.

Cũng theo Khoa, để hoàn chỉnh mô hình này cần phải kết hợp nhiều chuyên ngành, nhất là ngành điện tử. Vì thế, nhóm thường xuyên trao đổi, học hỏi các bạn ở những chuyên ngành khác; đặc biệt là tranh thủ sự hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ từ các thầy cô. "Vì là phương tiện thủy bộ, nên không chỉ dùng những kiến thức về tàu thủy mà phải kết hợp kiến thức về chuyên ngành ô-tô, máy công trình cho hệ thống khung gầm bánh xích, điện tử cho hệ thống điều khiển và cơ khí đối với các kết cấu gia cường và khung gầm. Vì thế phải tính toán kỹ tất cả các khâu khi thực hiện nó. Điều này đồng nghĩa với việc phải học hỏi, nghiên cứu, tham khảo ý kiến của nhiều ngành"-Khoa bộc bạch. Tổng chi phí hoàn thiện mô hình dự thi và tham gia triển lãm khoảng 10 triệu đồng.

Khoa cho biết, nếu mô hình này được các DN đầu tư, các linh kiện sẽ được sản xuất theo quy trình công nghệ, việc gia công sẽ chính xác, ít sai sót, chi phí sẽ thấp hơn. Hoặc nếu công ty không trực tiếp sản xuất các linh kiện thì vẫn tìm được nguồn hàng phù hợp với chất lượng và giá cả phải chăng. Tùy thuộc vào kích thước và tính năng đi kèm, chi phí để hoàn thiện một chiếc máy hút rác thải trên mặt nước này sẽ có giá khác nhau. Nếu được sản xuất đại trà, máy hút rác thải trên bãi biển, mặt nước sẽ có kích thước to nhất cỡ bằng chiếc ô-tô bán tải, chi phí tầm 200- 350 triệu đồng. Thành đoàn Đà Nẵng cùng Hội Doanh nghiệp trẻ TP sẽ có buổi làm việc với nhóm để bàn hướng chế tạo 1 chiếc thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Hy vọng thành công bước đầu từ đơn đặt hàng của Thành Đoàn Đà Nẵng sẽ tạo thêm động lực để Khoa và nhóm nghiên cứu kiên trì theo đuổi ước mơ, khát vọng được đem trí tuệ cống hiến, phục vụ cuộc sống.

P.Thủy