Báo Công An Đà Nẵng

Chàng trai đến từ hôm qua

Thứ sáu, 30/06/2023 10:01
Hoàn thực hành lễ tế tại đình làng Trung Lương (Hòa Xuân, Hòa Vang).

Chàng trai ấy là Lê Văn Hoàn ở P. Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ), là một kiến trúc sư, giảng viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng. Hoàn kể, anh may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven Đà Nẵng có nhiều lễ hội, lại may mắn hơn khi còn bé được sống với ông cố là người cao niên trong làng có nhiều kiến thức về Hán Nôm, nhiều hiểu biết về nghi lễ. Thông qua ông cố, Hoàn được tiếp xúc với nhiều vị bô lão, từ đó được chứng kiến, quan sát các cao niên thực hành nghi lễ, là nền tảng hình thành sở thích trong anh. Đến năm 12 tuổi, Hoàn trở thành thành viên đội học trò dâng lễ cúng tại Lễ tế nghĩa sĩ ở Nghĩa trủng Hòa Vang và Hội làng Khuê Trung. Nhờ tư chất sẵn có, Hoàn được ông Trần Quang Chánh, học trò của cố Nghệ nhân dân gian Tư Châu truyền dạy nhạc lễ, tế lễ…

Những nỗ lực không ngừng giúp Hoàn sớm trở thành nghệ nhân trẻ được tham gia nhiều lễ tế tại các lễ hội lớn như Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung (Cẩm Lệ), chương trình Lễ tế và tri ân Anh hùng liệt sĩ (Hòa Vang), các lễ hội đình làng Cổ Mân, Nhơn Hòa, Lỗ Giáng, Gò Thị (Cẩm Lệ), Miếu Bông, Cồn Mong, An Thới, Phú Hòa (Hòa Vang), Quảng Lăng, Hà Dừa (Điện Bàn)…

Hoàn chia sẻ, tế lễ là một nghi thức tín ngưỡng dân gian bao gồm hệ thống về nhạc lễ, chiêng trống, các nghi lễ kèm theo, nằm trong các trương trình lễ hội. Trước đây tế lễ được trọng vọng, nhiều người làm, nhưng hiện nay theo xu hướng đời sống hiện đại và ảnh hưởng của cơ chế thị trường, ở đâu đó, giá trị truyền thống này bị mai một, những người am tường, hiểu thực sự về tế lễ ngày càng ít. Trong khi, một số người lại biến tế lễ thành dịch vụ, không có am tường, sự thấu hiểu về nghi lễ nên tổ chức các chương trình tế lễ bị sai lệch về mặt nội dung, hình thức, ý nghĩa. Cũng theo Hoàn, trước đây quan niệm việc tế lễ dành cho người già vì vậy các bạn trẻ không mặn mà, nên tế lễ cùng với một số nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

Nghệ nhân văn hóa tiêu biểu Lê Văn Hoàn đang sưu tầm, hiệu đính, chỉnh sửa, tổng hợp các nghi lễ về văn tế để xuất bản thành sách.

Ở độ tuổi khá trẻ nhưng lại đi làm việc của người già, vì thế ban đầu khi tiếp xúc với các bô lão, khoảng cách về thế hệ cũng tạo trở ngại nhất định cho Hoàn. Tuy nhiên, khi các vị cao niên chứng kiến Hoàn thực hành các giá trị văn hóa dân gian thì có sự quý mến, hỗ trợ, tôn trọng, ghi nhận. Cụ Trần Thiên, chủ bái lễ hội Đình làng Trung Lương (Hòa Xuân) nói: Hoàn rất am hiểu về văn tế các bậc tiền nhân, văn tế của Hoàn rõ ràng, rành mạch, khi xướng lên đi vào lòng người. Thế hệ chúng tôi rồi cũng qua, nhưng có các cháu trẻ tuổi tiếp nối, duy trì nét văn hóa truyền thống với sự am tường, chuẩn chỉ như Hoàn là rất tự hào. Ông Nguyễn Văn Trưng, Tổ trưởng tại Gò Thị phường Hòa Thọ Đông chia sẻ, các bài văn tế của Hoàn không chỉ sâu sắc, đi vào lòng người mà Hoàn rất am tường khi thực hành tế lễ. Vì thế, lễ tế Gò Thị những năm gần đây đều do Hoàn chủ trì.

Hoàn từng nhận Bảng vàng nghệ nhân văn hóa tiêu biểu năm 2020, đồng thời đang trong quá trình thu thập, sưu tầm, hiệu đính, chỉnh sửa, tổng hợp các nghi lễ về văn tế làm cơ sở nền. Đây là đứa con tinh thần Hoàn rất tâm huyết. Bởi lẽ, như giải thích của Hoàn, tế lễ tuy là một nghi lễ cổ truyền nhưng trong quá trình truyền bá, phổ biến tới các địa phương thì mỗi nơi ứng dụng một kiểu, mỗi người hiểu theo mỗi cách, nên trong quá trình thực hiện khó có tiếng nói chung, khó đạt sự chuẩn mực, am tường trong lễ tế này. Bản thân Hoàn từ nhỏ đã theo dõi các cụ cao niên, thông qua đó học hỏi từ thực tế, tiếp cận hỏi ý nghĩa từng nghi lễ, sau lớn lên tìm hiểu sách vở, làm sao thực hành nghi lễ thật chuẩn mực. Hoàn hy vọng, với đứa con tinh thần này sẽ đóng góp nho nhỏ vào xây dựng hệ thống nghi lễ cũng như văn hóa truyền thống nói chung.

Chàng kiến trúc sư cũng chia sẻ, việc biết chữ Hán Nôm là lợi thế rất lớn trong quá trình thực hành nghi lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống này. Bởi vì, trong các văn tế cổ, hương ước, quy định về nghi lễ truyền từ xưa đến nay, rất nhiều văn tự cổ được ghi bằng chữ Hán Nôm. Khi hiểu về chữ Hán Nôm mới có thể đọc được từng câu, từng chữ để từ đó biên dịch nó từ phiên âm thành dịch nghĩa dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó trong việc hô xướng của tế lễ, hay trong mộ điệu, quy thức của tế lễ hiện nay đều đang đọc bằng chữ Hán Nôm. Nếu hiểu chữ Hán Nôm sẽ hiểu ý nghĩa am tường, thực hiện sát quy chuẩn.

Trong khi những nét văn hóa truyền thống đang dần mai một thì có những bạn trẻ say mê lưu giữ, thực hành, gìn giữ giá trị truyền thống cha ông để lại như Hoàn rất đáng trân quý, tự hào. Như tâm sự của Hoàn: “Mọi người đùa tôi là người trẻ làm việc của người già, một số bạn lại kỳ thị, họ không hiểu hết ý nghĩa công việc mình đang làm. Vì thế, trong quá trình thực hành nghi lễ truyền thống này tôi cũng lồng ghép những yếu tố mang tính chất hiện đại để lôi cuốn bạn trẻ. Để các bạn trẻ nhìn nhận việc tế lễ này không chỉ dành cho người già, mà dành cho mọi người. Hơn ai hết, mỗi bạn trẻ đều có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc”.

HẢI QUỲNH