Báo Công An Đà Nẵng

"Chào đón" năm 2017

Thứ bảy, 31/12/2016 12:16

(Cadn.com.vn) - Những ồn ào của năm 2016 cho thấy trạng thái thực sự khó lường của tình hình thế giới. Và 2017 cũng sẽ là một năm đầy bất ngờ, với việc Châu Âu sẽ vẫn chia rẽ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong khi Mỹ, Nga và Trung Quốc đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Và trong khi IS suy yếu, Al-Qaeda âm thầm xây dựng lại và sẽ trỗi dậy vào năm tới.

Mỹ sẽ "trở về nhà"

Siêu cường số 1 thế giới này dường như quá mệt mỏi với các nhiệm vụ trong thế giới Hồi giáo và bây giờ muốn "quay về nhà". Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục cảnh báo ông sẽ giảm các nghĩa vụ ở nước ngoài.

Nước Mỹ cũng sẽ khác dưới thời ông Trump - vốn được xem là một "nhân vật nổi loạn" và được cho là không thích hợp với vị trí tổng thống. Có lẽ, Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ phải thay đổi bản thân theo hướng "ôn hòa" hơn trong các cuộc tranh luận chính trị. Tuy nhiên, vấn đề thương mại thì không như vậy. Ông Trump sẽ mạnh tay áp đặt các rào cản thương mại đối với Trung Quốc và các vụ tranh cãi thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể được cảm nhận trên toàn cầu. Ông cũng sẽ quyết liệt đặt câu hỏi về chính sách "một Trung Quốc". Động thái này chắc chắn sẽ làm bùng nổ những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này.

Châu Âu phải đấu tranh nhiều hơn

2017 là năm quan trọng đối với các quốc gia Châu Âu. Liên minh Châu Âu (EU), vốn phải vật lộn với vấn đề nhập cư và khủng hoảng kinh tế, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm 2017.

Các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn - Đức, Pháp và Italia - có khả năng "ảnh hưởng đến nhau và đe dọa sự tồn tại của khu vực đồng EUR". Stratfor dự đoán EU sẽ tan rã, nhưng không phải ngay lập tức. "Kết quả các cuộc bầu cử này ảnh hưởng đến khả năng giải thể của EU. Cho dù phe ôn hòa hay cực đoan giành chiến thắng, Châu Âu vẫn sẽ chia thành những khối khu vực", Stratfor cho biết. Trong khi đó, các nước Đông Âu sẽ đoàn kết hơn trong bối cảnh Nga ngày càng mạnh lên và sự không chắc chắn trong các chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền Trump.

Nga tiếp tục giành nhiều lợi thế

Một nước Nga đang phát triển mạnh mẽ sẽ củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực. Chính quyền ông Trump có khuynh hướng giảm xung đột với Moscow. Chính phủ Syria sẽ giành lại Aleppo từ tay phe nổi dậy và quyền lực của Tổng thống Bashar Assad sẽ được khôi phục. Nga sẽ xích lại gần hơn với Tehran một khi quan hệ Mỹ-Iran xấu đi. OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng dầu, dẫn đến giá dầu tăng, và đó là lợi thế của Nga. Một lợi thế khác là các ứng viên có khả năng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Italia, đều có khuynh hướng ủng hộ Nga.

Trung Đông căng thẳng hơn

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ đối đầu nhiều hơn, đặc biệt là ở miền bắc Syria và Iraq. IS có xu hướng yếu đi và điều đó sẽ tiếp tục trong năm 2017. Mosul sẽ trở lại trong tay của quân đội Iraq vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự tiếp theo chống IS sẽ gây hậu quả khôn lường. Các bên sẽ "tranh giành lãnh thổ, tài nguyên và sức ảnh hưởng" và những tác động của việc IS yếu đi sẽ được cảm nhận ở nhiều nơi khác. Một IS suy yếu cũng cho phép Al-Qaeda bùng nổ.

Trung Đông vẫn căng thẳng trong năm 2017 khi cuộc chiến ở Syria và nhiều nước khác
chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AFP

Trung Quốc sẽ rất "bận rộn"

Trung Quốc không chỉ mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2017 mà còn tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Nga trên các dự án năng lượng, hợp tác quân sự và công nghệ mạng. Trung Quốc vẫn là một "cầu thủ lớn" trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mặc dù nền kinh tế sẽ suy thoái sau 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh. Bắc Kinh cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ chính quyền của ông Trump.

Kinh tế toàn cầu chật vật

Lạm phát sẽ tăng trên thị trường toàn cầu, buộc "các ngân hàng trung ương phải từ bỏ nhiều chính sách và sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ". Chi tiêu chính phủ được dự đoán là động cơ chính của tăng trưởng kinh tế. Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ gây "rung chuyển nền kinh tế toàn cầu" trong những tháng đầu năm 2017.

Thị trường cũng biến động nhiều hơn với nhiều mối đe dọa nhằm vào khu vực đồng EUR và các tranh chấp thương mại khiến các nhà đầu tư lo lắng và phản ứng đáng kể.

An Bình