Chảo lửa Armenia - Azerbaijan và nguy cơ xung đột lan rộng
60 giờ qua đã chứng kiến Nagorno-Karabakh, một vùng đất nhỏ được Armenia hậu thuẫn nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan, trở thành tâm điểm của một trong số những cuộc xung đột quân sự khốc liệt nhất trên thế giới.
Tiếp tục giao tranh dữ dội
Những người bên trong và xung quanh khu vực đang chứng kiến một sân khấu chiến tranh gần như hoàn chỉnh.
Theo tờ Drive.com, cuộc giao tranh nổ ra sáng 27-9 (giờ địa phương), đã sử dụng sức mạnh không quân, pháo hạng nặng, súng cối và xe tăng. Cả hai bên đều báo cáo về số người chết và bị thương trong số quân dân và dân sự - từ hàng chục đến hàng trăm, tùy thuộc vào các báo cáo. Các đoạn băng cho thấy những quả đạn găm vào đất từ tên lửa dẫn đường, xe tăng bốc cháy và hàng chục thi thể cháy đen. Cũng có báo cáo về tên lửa Grad, một hệ thống tên lửa nổi tiếng bắn phá bừa bãi, được sử dụng nhằm vào dân thường. Rốt cuộc, xung đột giữa hai quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ là một cuộc xung đột kéo dài.
Cuộc giao tranh tiếp diễn dữ dội trong ngày 29-9. Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, lực lượng ly khai tại khu vực Nagorny-Karabakh đang chống lại cuộc tấn công mới của Azerbaijan, trước cuộc họp của HĐBA LHQ về cuộc khủng hoảng này. Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo giao tranh dữ dội tiếp tục qua đêm khi cuộc phản công của Armenia nhằm giành lại các vị trí bị mất vào tay lực lượng Azerbaijan bị đẩy lùi. Một đoàn xe cơ giới Armenia và một đơn vị pháo bị vô hiệu hóa.
Trước tình hình xung đột leo thang giữa Armenia và Azerbaijan, HĐBA LHQ dự kiến sẽ họp kín chiều 29-9 (sáng 30-9, giờ Việt Nam) nhằm thảo luận khẩn cấp về tình hình Nagorny-Karabakh.
Lo ngại cho cả khu vực
Vòng xung đột mới nhất không có gì bất ngờ. Nhưng với việc cả hai bên đều tham chiến, khả năng xảy ra cuộc chiến kéo dài và thảm khốc đang hiển hiện. Và lần này, cuộc giao tranh cũng có những khía cạnh địa chính trị rộng lớn hơn nhiều.
Rõ ràng, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy xung đột là nhân tố mới chính. Siêu cường khu vực này từ lâu đã đứng về phía Azerbaijan trong cuộc xung đột - điều đó chắc chắn không phải là mới. Nhưng các cuộc tiếp xúc đã gia tăng kể từ lần bùng phát cuối cùng vào tháng 7, với bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của Ankara đã mang đến một khía cạnh quân sự rõ ràng hơn nhiều. Trong những tháng gần đây, Ankara đã cung cấp cho Baku các máy bay không người lái tinh vi và đạn thông minh. Chúng đã được sử dụng để gây ra tác động tàn phá trong 48 giờ qua. Cũng có những báo cáo đáng tin cậy về việc hàng trăm chiến binh đánh thuê, được Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ ở Syria, đang được triển khai trong khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thẳng thắn ủng hộ công khai chiến dịch quân sự của Azerbaijan. Amernia cũng thẳng thắn không kém khi lên án cái mà họ mô tả là “liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan diệt chủng”. Sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ trái ngược hẳn với lập trường trung lập của các quốc gia quyền lực truyền thống khác trong khu vực. “Chúng tôi đang xem liệu có thể ngăn chặn cuộc xung đột này hay không” là những gì mà Tổng thống Donald Trump có thể làm hôm 28-9.
Và điều đáng nói hơn là chính Nga cũng giữ khoảng cách, hạn chế can thiệp trực tiếp vào vấn đề và chỉ kêu gọi ngừng bắn. Trên lý thuyết, Nga vẫn là nước bảo lãnh quân sự cho Armenia, từ lâu được coi là đồng minh thân cận nhất trong khu vực. Nhưng Moscow cũng có mối liên hệ kinh tế và quân sự cực kỳ chặt chẽ với quốc gia dầu mỏ giàu có hơn là Azerbaijan. Hôm 28-9, người phát ngôn của Tổng thống Dmitry Peskov cho biết, ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin đang theo dõi tình hình “rất chặt chẽ”. Và ông Dubnov cho rằng, khả năng Nga có thể sẽ tiếp tục “ngồi ngoài”. Iran, một cường quốc lớn khác trong khu vực, có biên giới với cả hai nước, lo ngại trước cuộc giao tranh bùng nổ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trước đó đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch và đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai nước khi đạn pháo từ cuộc giao tranh tấn công một số ngôi làng ở phía tây bắc của nước này.
Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã xảy ra hơn một thế kỷ nhưng đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến 5-1994. Xung đột đã nổ ra liên tục kể từ đó. Lần này, sự hiện diện huyên náo của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tạo thêm khía cạnh mới và Nga khó có thể hoan nghênh. Ở mức tối thiểu, nó làm phức tạp thêm một mối quan hệ vốn đã mơ hồ và dễ “bay hơi” giữa hai nước. Một kịch bản ác mộng khác - về mặt lý thuyết là có thể xảy ra thông qua các nghĩa vụ hiệp ước - sẽ là sự đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Ankara.