“Chảo lửa” liên Triều chưa hạ nhiệt
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày 21-6 tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch rải truyền đơn vào Hàn Quốc và nước này không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận liên Triều nào.
Hình ảnh được chụp vào ngày 19-6, cho thấy an ninh thắt chặt tại một đồn bảo vệ biên giới của Triều Tiên tại huyện Gaepung, tỉnh Bắc HwangHae. Ảnh: Yonhap |
Triều Tiên cảnh báo hủy diệt nước Mỹ Trong thông điệp kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Đại sứ quán nước này tại Nga đã đe dọa sẽ hủy diệt Mỹ trong trường hợp nối lại chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đại sứ quán cũng cảnh báo, Triều Tiên sở hữu các tên lửa hạt nhân có thể trừng trị bất cứ ai “dám chống lại Triều Tiên”. Theo đại sứ, trong năm nay quân đội Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau ở Hàn Quốc, mục đích chính là triển khai lực lượng trên Bán đảo để nhanh chóng tấn công Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ 25-6-1950 đến 27-7-1953. Trong 3 năm, khoảng 1,3 triệu người Triều Tiên đã thiệt mạng và bị thương. Chiến tranh kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, có hiệu lực cho đến ngày nay. |
Triều Tiên quyết rải truyền đơn...
Căng thẳng liên Triều bùng nổ sau khi Bình Nhưỡng cho nổ tung văn phòng liên lạc chung và đe dọa hành động quân sự sau vụ những người đào tẩu ở miền Nam rải truyền đơn chống phá miền Bắc qua biên giới.
Sau khi hãng tin KCNA của Triều Tiên đưa tin nhiều người dân nước này giận dữ đang chuẩn bị chiến dịch rải truyền đơn “quy mô lớn đáp trả”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc - chuyên xử lý các vấn đề xuyên biên giới - hồi cuối tuần đã thúc giục Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch vì việc này vi phạm các thỏa thuận hòa bình. Đáp trả, Bộ Mặt trận Thống nhất Triều Tiên (UFD) đã bác bỏ lời kêu gọi của Seoul, nhấn mạnh, đây là một “điều vô lý”. “Với những hành động sai trái của mình, vì sao họ dám chỉ trích những tuyên bố đó là đáng tiếc hay vi phạm? Khi rơi vào cùng cảnh ngộ, chính quyền Hàn Quốc sẽ có thể hiểu được, dù chỉ chút ít, là chúng ta cảm thấy bị xúc phạm ra sao”, KCNA dẫn lời người phát ngôn của UFD tuyên bố.
Bình Nhưỡng cũng cho rằng thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đạt được 2 năm trước đã không còn ý nghĩa. “Chúng tôi nhận thức rõ rằng việc rải truyền đơn là vi phạm thỏa thuận giữa hai miền nhưng không có ý định xem xét lại hoặc thay đổi kế hoạch này vào thời điểm quan hệ hai miền đã bị phá vỡ. Chính quyền Hàn Quốc không phải nói về thỏa thuận đã trở thành một văn bản chết này”, người phát ngôn UFD nhấn mạnh thêm.
Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn thường tổ chức các chiến dịch rải truyền đơn chống phá nhau, phát loa lớn tuyên truyền qua biên giới. Tuy nhiên, cả hai đã thỏa thuận ngừng các hành động thù địch này trong một thỏa thuận hòa bình năm 2018. Nhưng một số tổ chức của người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc vẫn thường xuyên gửi tờ rơi, thực phẩm, tiền, thuốc men, các USB chứa tin tức và phim Hàn Quốc... sang phía bên kia biên giới bằng bóng bay hoặc chai nhựa thả trôi. Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực hợp pháp hóa lệnh cấm rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng và yêu cầu truy tố hình sự 2 nhóm người đào tẩu Triều Tiên tham gia hoạt động này. Một trong những tổ chức này đã ngừng các hoạt động này hôm 20-6. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng việc làm này là quá muộn.
... điều các nhóm binh sĩ tới trạm gác biên giới
Không chỉ tuyên bố về kế hoạch rải truyền đơn quy mô lớn, Triều Tiên cũng được cho là đã điều các nhóm nhỏ binh sĩ đến các trạm gác biên giới để phát quang bụi rậm và bảo trì đường sá, trong bối cảnh có những quan ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện lời đe dọa đưa ra hành động quân sự chống Hàn Quốc.
Yonhap dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết, Triều Tiên đã điều các nhóm lên tới 5 binh sĩ cầm theo xẻng và liềm tới các chòi quan sát ở Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul không coi động thái này là một bước đi nhằm thực hiện lời đe dọa hành động quân sự của Bình Nhưỡng. Nguồn tin nêu rõ: “Các trạm gác và chòi quan sát rõ ràng là cơ sở quân sự. Vì vậy, dĩ nhiên sẽ có những hoạt động quân sự. Dù vậy, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ những địa điểm này”.
Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự tin rằng, một hoạt động với một lực lượng ít nhất cấp trung đội có thể được coi là một dấu hiệu bất thường cần được đặc biệt lưu tâm. Cũng theo nguồn tin, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ hoạt động nào bị phát hiện liên quan tới việc khôi phục lại các trạm gác được dỡ bỏ theo Thỏa thuận quân sự toàn diện giữa hai miền Triều Tiên, được ký hồi tháng 9-2018 nhằm xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và giảm căng thẳng biên giới.
KHẢ ANH