Báo Công An Đà Nẵng

Chảo lửa trên biên giới Trung-Ấn

Thứ hai, 24/07/2017 13:44

Những lo ngại về khả năng nổ ra cuộc chiến tranh năm 1962 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang bùng lên, trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới tranh chấp hai bên đang lên cao nguy hiểm.

Trung-Ấn đang bùng lên những tranh cãi gay gắt quanh cao nguyên Doklam. Ảnh: Reuters

“Mỹ không công nhận chúng ta là những cường quốc”, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói điều này với ông Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ vào năm 1954 khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Bắc Kinh.

CNN cho biết, theo các tài liệu lưu trữ hiện được giải mật và được Trung tâm Wilson công bố, ông Nehru sau đó trả lời rằng: “Hai nước chúng ta nên đóng vai trò quan trọng hơn ở Châu Á. Trong mọi trường hợp, dân số của hai nước đều đạt tới 1 tỷ người. Điều này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng to lớn”. Hơn 60 năm sau, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 36% dân số thế giới và là hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Ông Nehru đã đoán đúng về ảnh hưởng mà cả hai nước sẽ nắm giữ nhưng hoàn toàn đánh giá sai sự hợp tác của họ. Cả hai từng xảy ra xung đột đẫm máu vào năm 1962 khi không thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề biên giới. Và hiện nay, bóng ma chiến tranh đang đến gần hơn bao giờ hết.

Tâm chấn Doklam

Tâm chấn của cuộc khủng hoảng lần này là cao nguyên Doklam - nằm ở ngã ba của Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.

Khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với cả 3 nước. Trung Quốc tuyên bố Doklam là vùng lãnh thổ của mình nhưng Ấn Độ và Bhutan đều coi đây là lãnh thổ của Bhutan, đồng minh thân cận với New Delhi. Tháng 6, Bhutan phản đối việc Trung Quốc xây dựng một con đường trong lãnh thổ mà nước này khẳng định nằm trong vùng lãnh thổ chủ quyền của họ. Bhutan nhờ quân đội Ấn Độ giúp đỡ để chống Trung Quốc, và quân đội Ấn Độ đã tiến vào khu vực này. Hiện binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đang trong tình trạng giáp mặt nhau ở Doklam.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đe dọa Ấn Độ “sẽ bị thiệt hại lớn hơn năm 1962”. “Ấn Độ cần phải sẵn sàng cho một cuộc đối đầu toàn diện dọc theo toàn bộ ranh giới tranh chấp với Trung Quốc”, các phương tiện truyền thông Trung Quốc tuyên bố, đe dọa mở ra những mâu thuẫn mới của cuộc xung đột trên biên giới không phân định 3.488km giữa hai bên. Có thông tin từ cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc rằng, quân đội nước này chuyển hàng chục ngàn tấn trang thiết bị quân sự để hỗ trợ cuộc tập trận ở Tây Tạng hoặc vì các lý do khác. Tuy nhiên, hãng PTI của Ấn Độ dẫn các nguồn tin cấp cao của chính quyền New Delhi cho rằng, chưa có sự tăng quân lớn của phía Trung Quốc ở dọc đường biên giới Ấn - Trung và cuộc tập trận gần đây ở khu vực Tây Tạng không nên bị gán với tình trạng đối đầu hiện nay giữa quân đội hai nước ở Doklam.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley mới đây cũng đáp trả những cảnh báo từ truyền thông Trung Quốc với tuyên bố, “Ấn Độ năm 2017 rất khác” so với Ấn Độ năm 1962.

Kêu gọi đàm phán

Các nhà phân tích Ấn Độ cho rằng, các cảnh báo của giới truyền thông Trung Quốc không thể bỏ qua. Năm 1962, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc - Tân Hoa Xã - cảnh báo, Ấn Độ nên “rút lui trước khi bùng nổ chiến tranh”. Và chiến tranh đã nổ ra. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, dù mọi chuyện đang “căng như dây đàn” nhưng vẫn rất khó đứt.

Mỹ ngày 23-7 kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc nên tham gia đối thoại trực tiếp mà không có bất kỳ “khía cạnh mang tính ép buộc nào” nhằm giảm căng thẳng xung quanh tình trạng đối đầu quân sự ở khu vực Doklam. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross cho hay: “Chúng tôi khuyến khích Ấn Độ và Trung Quốc đối thoại trực tiếp nhằm giảm căng thẳng”. Tuy nhiên, người phát ngôn này từ chối đưa ra quan điểm đứng về bên nào trong vấn đề này.

Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc cùng với việc hai bên rút lực lượng nhằm chấm dứt cuộc xung đột dọc theo một khu vực biên giới tranh chấp tại vùng núi Himalaya. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn nhắc lại quan điểm sẽ không đàm phán với Ấn Độ cho đến khi New Delhi rút quân khỏi Doklam. Trong bối cảnh này, Cố vấn an ninh quốc gia (NSA) Ấn Độ Ajit Doval sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 27 và 28-7 tới, tham dự cuộc họp các NSA của nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông dự kiến sẽ thảo luận vấn đề trên với quan chức phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì.

KHẢ ANH