Báo Công An Đà Nẵng

Chào xuân Quý Mão

Chủ nhật, 22/01/2023 11:52
Ngày 22/1/2023

0h10

Trong lời chúc Tết đúng thời khắc giao thừa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, năm Nhâm Dần 2022 vừa đi qua có đầy ắp các sự kiện đáng nhớ. Một năm nhiều khó khăn bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật. Đó là vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết đêm giao thừa xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TTXVN

Bước sang năm mới Quý Mão - 2023, Tổng bí thư mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Điều này sẽ tạo đà và là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

"Trong không khí hân hoan chào đón năm mới Quý Mão, một lần nữa, tôi xin chúc toàn thể đồng bào, đồng chí, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam sang năm mới có nhiều sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc và thành công", Tổng bí thư nói.

Biển người xem pháo hoa tại Hà Nội, TP HCM

Pháo hoa bung nở trên bầu trời Hà Nội

Pháo hoa nhìn từ Bưu điện Hà Nội.
Những bông pháo hoa rực rỡ trên mặt hồ Gươm.
Pháo hoa rực rỡ trên cầu Thê Húc.

0h00

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời TP HCM

Đúng thời khắc giao thừa, pháo hoa tầm cao được bắn từ nóc hầm Thủ Thiêm, TP Thủ Đức trong tiếng reo hò, chúc mừng năm mới của hàng chục nghìn người ở bến Bạch Đằng, giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng.

Pháo hoa rực sáng nhìn từ bến Bạch Đằng, quận 1.
Người dân, du khách tranh thủ ghi lại hình ảnh pháo hoa mừng năm mới Quý Mão 2023.

Ngày 21/1/2023

23h55

Pháo hoa rực rỡ ở Huế, Đà Nẵng

Pháo hoa trên cầu Nguyễn Văn Trỗi nối quận Hải Châu và các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Pháo hoa bung nở bên trên cầu Trường Tiền, Thừa Thiên Huế.

23h50

Công binh Việt Nam đốt lửa trại đón giao thừa ở Abyei

Tối giao thừa, các thành viên của Đội Công binh số 1 đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ an ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở Abyei tập trung xem chương trình truyền hình trực tiếp từ Việt Nam và nghe Tổng Bí thư chúc Tết.
Sau khi xem những màn bắn pháo hoa mãn nhãn, các phân đội ra sân của đơn vị đốt lửa trại mừng năm mới Quý Mão.

23h40

Chốt biên giới xuyên đêm tiếp nhận công dân nhập cảnh trái phép

Chốt kiểm soát thôn Khưa Thoang (Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng) vừa hoàn thành thủ tục tiếp nhận 9 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua mốc giới. Nhà xe đưa các lao động ra TP Cao Bằng để tìm cách về quê ngay trong đêm. "Công dân có thể không kịp về mà đón giao thừa dọc đường đi. Anh em đang dọn dẹp chuẩn bị đón lãnh đạo Đồn biên phòng và địa phương xuống chúc Tết, song luôn sẵn sàng túc trực vì đêm nay có thể thêm người về", thiếu tá Vũ Văn Kiên, Trưởng chốt kiểm soát cho biết.

Chốt kiểm soát thôn Khưa Thoang, Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng.

Chốt trực nằm cạnh đường vành đai biên giới, điện sáng thâu đêm. Bộ đội lấy thêm chè, bánh kẹo và chuẩn bị một chậu củi to để công dân về có thể đốt lửa sưởi khi nhiệt độ vùng biên dưới 10 độ C. Thiếu tá Kiên cho hay, việc xử phạt vi phạm hành chính nhập cảnh trái phép vẫn theo quy định song đêm giao thừa, bộ đội cũng muốn để bà con về nhà để đón năm mới.

Ngày 30 Tết, chốt kiểm soát tiếp nhận hai đợt với 30 người về nước. Công việc bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 22h. Cán bộ chiến sĩ từ chối mọi lời mời ăn tất niên từ người dân trong xóm Khưa Thoang để hoàn thành nhiệm vụ. Mâm cơm chiều 30 tháng Chạp đơn sơ như ngày thường.

Thượng tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, cho hay một tháng giáp Tết, đơn vị tiếp nhận khoảng 600 công dân trở về qua đường mòn, lối mở. Ngày nào cũng có người về và chốt kiểm soát thôn Khưa Thoang là nơi tiếp nhận chính. Giáp Tết, Đồn Lý Vạn vẫn duy trì 5 chốt bán kiên cố quản lý 33,3 km đường biên tiếp giáp Trung Quốc. Sau giao thừa, các tổ tuần tra lưu động vẫn làm nhiệm vụ kiểm soát địa bàn.

"Năm Quý Mão đến bên thềm, cán bộ chiến sĩ Đồn Lý Vạn hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới để nhân dân đón mùa xuân an lành", thượng tá Bạc nhắn gửi từ biên cương Cao Bằng.

23h20

Biển người chờ pháo hoa ở giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1 ngưng đón khách tham quan từ 22h nên người dân, du khách tập trung ở giao lộ với đường Tôn Đức Thắng, gần bến Bạch Đằng để chờ xem pháo hoa. Ảnh: Đình Văn


23h15

Cầu sông Hàn quay sớm đêm giao thừa

Cầu sông Hàn (Đà Nẵng) quay 90 độ lúc 23h15, sớm hơn thường ngày hơn một giờ để phục vụ người dân và du khách thưởng lãm trước giao thừa.

Bình thường, khoảng 1h, cầu sông Hàn quay với nhịp giữa 90 độ để lộ ra 2 con đường cho tàu thủy qua lại.

22h45

Người dân ngồi quanh hồ Hoàn Kiếm chờ bắn pháo hoa

Còn 1 tiếng nữa mới đến giao thừa nhưng người dân đã ngồi kín quanh hồ Hoàn Kiếm để chờ xem pháo hoa.
Khách du lịch vui vẻ hòa vào không khí giao thừa ở Hồ Gươm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm Quỹ Mão nên các bé được bố mẹ mua tặng bóng bay con mèo.

22h40

Người dân tập trung ở bến Bạch Đằng chờ xem pháo hoa

Còn hơn một giờ nữa mới đến thời điểm bắn pháo hoa ở nóc hầm Thủ Thiêm, phía TP Thủ Đức, song nhiều người đã tập trung chờ ở bến Bạch Đằng, quận 1. Đây là điểm ngắm pháo hoa rõ nhất từ phía trung tâm thành phố nên nhiều người đến từ sớm ăn uống, thậm chí trải bạt nằm nghỉ để "xí chỗ".

Người dân tập trung ở bến Bạch Đằng chờ xem pháo hoa.

Công an Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn

Tại phố Lý Thái Tổ giao với Trần Nguyên Hãn, tổ Y1/141 gồm hơn 10 chiến sĩ thuộc các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự kiểm tra nồng độ cồn của lái xe, chủ yếu là người lái xe ôtô. Một nam tài xế xe bảy chỗ trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa có chỉ số nồng độ cồn là 0,089 mg/lít khí thở. Tài xế thừa nhận sang gia đình ngoại ăn tất niên và có uống rượu.

Đại diện tổ Y1/141 cho biết, hôm nay lực lượng sẽ làm qua giao thừa, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định. "Năm mới chúng tôi hy vọng người tham gia giao thông sẽ tự giác hơn trong chấp hành luật giao thông, đặc biệt là các lỗi nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như nồng độ cồn", chỉ huy tổ 141 nói.

22h20

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Đồng Tháp

Pháo hoa bung nở trên bầu trời thành phố Hồng Ngự.
Người dân Đồng Tháp xem pháo hoa từ tầng thượng một quán cà phê trước quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự.
Pháo hoa tầm thấp được bắn trên quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) kéo dài 15 phút.

Đảm bảo người dân đón giao thừa an toàn

Theo Công an TP HCM, các loại tội phạm sẽ gia tăng hoạt động vào cuối năm nên đơn vị đã đặt nhiệm vụ phải thực hiện 5 mục tiêu để bảo đảm an ninh trật tự, giữ bình yên cho người dân vui Tết. Thời gian qua, đơn vị đã mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm.

Cảnh sát cơ động TP HCM tuần tra trên đường.

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM, cho biết dịp Tết này sẽ có rất nhiều người đến các khu vui chơi trên địa bàn thành phố nên lực lượng cảnh sát hình sự sẽ được triển khai theo kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên cho người dân vui xuân. Tình trạng cờ bạc trên đường phố cũng được lưu ý, Công an TP HCM sẽ phối hợp địa phương xử lý quyết liệt.

"Lực lượng cảnh sát hình sự sẽ phối hợp các tổ 363 ngày đêm tuần tra khắp các tuyến đường, đảm bảo tội phạm không lộng hành, đặc biệt là loại tội phạm xâm hại tài sản như trộm, cướp, cướp giật...", đại tá Hiếu nói.

Tương tự, Trung đoàn Cảnh sát cơ động TP HCM cũng xây dựng kế hoạch tuần tra, trực chiến 24/24 nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối an toàn dịp Tết cho người dân. Các địa bàn trọng điểm như sân bay, đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân... có rất đông người vui chơi, cảnh sát cơ động sẽ thường xuyên có các tổ tuần tra để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động hỗ trợ, tuần tra trên địa bàn TP HCM và các tỉnh giáp ranh. Các tổ công tác sẽ tập trung đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm giết người, cướp của, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, các nhóm thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí...

Về việc ra quân truy quét tội phạm lần này, thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết đơn vị không chỉ có kế hoạch tại địa bàn thành phố, mà phối hợp các tỉnh thành giáp ranh để chủ động hỗ trợ đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, hoạt động tín dụng đen; tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; xâm phạm sở hữu tài sản, đánh bạc; các băng nhóm mua bán ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao...

22h03

Nông dân còn hàng trăm chậu hoa chưa bán hết

Chị Quỳnh Hoa cùng 11 người bà con vẫn còn hàng trăm chậu mai cảnh trưng bày ở đường Lê Lợi (TP Vũng Tàu) chưa bán hết. Đây là năm đầu tiên chị thuê xe chở mai từ Bến Tre đến thành phố biển bán tết với giá dao động từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng mỗi chậu.

Hàng trăm chậu mai chưa bán hết.

"Sức tiêu thụ năm nay quá tệ. Nhiều người chờ đến phút chót đến hỏi mua với giá rẻ mạt, tôi chấp nhận lỗ lớn chứ không bán", chị Hoa nói. Sắp hết ngày cuối năm âm lịch, chị Hoa và mọi người tất bật thu dọn đồ đạc, chuyển hoa lên chiếc xe tải lớn đang chờ sẵn để trở về đến nhà vào sáng mai.

22h00

Thừa Thiên Huế bắn pháo hoa tầm thấp trong 9 phút

22h, tỉnh Thừa Thiên Huế bắn 9 phút pháo hoa tầm thấp. Theo kế hoạch, 24h, địa phương sẽ bắn 15 phút pháo tầm cao trên 150 m.

Pháo hoa tầm thấp được bắn lúc 22h ở Thừa Thiên Huế.

21h50

Người Công giáo đến nhà thờ dự lễ tạ ơn năm cũ

Từ 20h, hơn 1.000 giáo dân đã tập trung về nhà thờ Giáo xứ Chính Trạch (số 68 đường Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để tham dự thánh lễ Giao thừa. Đây là thánh lễ được tổ chức ở tất cả các nhà thờ Công giáo trên cả nước, giờ lễ tuỳ thuộc vào từng giáo xứ, nhằm tạ ơn Thiên Chúa đã ban bình an cho năm qua.

Giáo dân đến nhà thờ Chính trạch dự thánh lễ Giao thừa.

Đến nhà thờ từ sớm, ông Gioan Baotixita Hoàng Văn Lệ, 59 tuổi, quỳ gối cầu nguyện, trước khi nhà thờ đổ chuông và bước vào thánh lễ. Ông Lệ nói năm qua luôn mạnh khoẻ nên ông đến tạ ơn Chúa. "Năm mới tôi cũng cầu nguyện cho bản thân, gia đình và mọi người luôn dồi dào sức khoẻ và bình an", ông Lệ chia sẻ.

Thánh lễ diễn ra trong 1 giờ. Trước khi ra về, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn cầu chúc bà con giáo dân trong giáo xứ luôn tràn đầy ơn lành của Chúa. Ngài cũng dặn dò giáo dân đón năm mới lành mạnh, dành nhiều thời gian bên gia đình.

Sáng mùng 1 Tết, các nhà thờ Công giáo sẽ có thánh lễ cầu bình an cho năm mới. Mùng 2 Tết là thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên. Mùng 3 Tết là thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm.

21h45

Người dân Nha Trang ra biển đón giao thừa

Thời tiết tại TP Nha Trang khô ráo trong ngày cuối năm âm lịch. Gần thời khắc giao thừa, người dân và du khách từ đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn đổ về quảng trường 2 tháng 4 (đường Trần Phú, gần tháp Trầm Hương) vui xuân ngày càng đông.

Người dân tập trung ở quảng trường 2 tháng 4 đón giao thừa.

Nhiều tốp cảnh sát túc trực trên đường Trần Phú phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn. "Năm nay không khí xuân có một chút khởi sắc so với năm ngoái", anh Nguyễn Thành, 26 tuổi, nói.

21h35

Bộ đội Việt Nam tổ chức hội chợ xuân ở Nam Sudan

Bệnh viện dã chiến 2.4 tổ chức hội chợ xuân tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) trong đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023. Chương trình gồm lễ hội thả diều, hội thi ẩm thực, trang trí Tết, tiệc buffet và đốt lửa trại. Các khoa ban của Bệnh viện được chia thành 4 đội thi tài nấu những món ăn truyền thống, trang trí các gian hàng tết, thi thả diều và nhảy quanh lửa trại.

Cán bộ, chiến sĩ bệnh viện dã chiến 2.4 chụp ảnh kỷ niệm cùng khách mời từ Phái bộ.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó giám đốc quân sự bệnh viện dã chiến 2.4, cho biết thông qua chuỗi hoạt động của chương trình, bệnh viện dã chiến mong muốn đem hình ảnh gần gũi, thân thuộc của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Bà Hiroko Hirahara, Trưởng phòng thực địa Phái bộ, bày tỏ vui mừng khi tham gia lễ hội của văn hóa Tết Việt. Bà nói 63 chiến sĩ mũ nồi xanh của bệnh viện dã chiến 2.4 đã thực sự đem không khí Tết đoàn viên về với mảnh đất Nam Sudan.

21h25

Người dân quê thưởng thức mai nở đêm giao thừa

Tại miền quê Trà Tân, huyện Đức Linh (Bình Thuận) từ xa xưa người dân ở đây có phong tục thắp đèn ngắm hoa mai bung nở vào đêm 30 tết, đón xuân sang.

Khoảng 21h, sau khi chuẩn bị xong các món ăn để cúng Giao thừa, anh Phạm Ngọc Thành, 55 tuổi, thảnh thơi ra cây mai trước nhà ngắm cảnh. Cây mai đã nở bung vàng rực, đều đặn, anh cảm thấy vui sướng vì thành quả chăm sóc cả năm đạt thành ý nguyện.

Anh Phạm Ngọc Thành (xã Trà Tân, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) xem mai nở đêm giao thừa.

"Năm nay cây mai này nở đều, đến đêm 30 Tết như vậy là quá đẹp", anh Thành nói và cho biết người nông dân không có các thú vui giải trí như thành phố, nên thưởng lãm mai nở trong giờ khắc chuẩn bị đón giao thừa là sự tinh tế trong đời sống tinh thần của bà con nơi đây.

Anh Nguyễn Việt Toản, 32 tuổi, nhà ở kề bên cũng ra xem cây mai đã ra đầy nụ trước ngõ. Trên cành đã có vài nụ hé vàng. Anh cho biết, miền núi Đức Linh và Tánh Linh từng là vùng núi rừng nổi tiếng với các loài mai vàng, một thời cung cấp cành mai tết cho miền Nam. Mai ở đây đẹp và lâu tàn, nhất là loài mai có hoa năm cánh mà nhà anh đang trồn rất thanh tao.

"Vài nụ đã hé, sáng mai nở bung rất đẹp, dù thời tiết năm qua thất thường, nhưng được như vậy thì thật sự mừng", anh Toản nói.

Mấy ngày qua, bà Đào Thị Kim Xuyến (71 tuổi, mặc áo dài) ở thôn 5, xã Trà Tân (huyện Đức Linh) do bận nhiều việc nhà, không thể ra chợ mua hoa để trang trí không gian Tết trong nhà, nên bà đặt mua hoa qua mạng.

Chủ vườn hoa dù ở cách đó chừng 2 km, nhưng không giao cho bà ngay do cả ngày đứng bán hàng trăm chậu hoa ở ngoài chợ xã. Đến tối mới có thể giao tận nhà cho bà. Dù giao trễ, nhưng bà vẫn cười vui.

"Năm cũ đã qua, dù giàu hay nghèo mình cũng cần vài chậu hoa trang trí trước hiên cho mới mẻ, tạo khí thế cho năm mới", bà Xuyến cho hay.

Bà cho biết, lấy hoa xong, bà chuẩn bị đi lễ ở nhà thờ Khiết Tâm ở cách đó vài trăm mét, bởi bà theo đạo Công giáo. Sau khi dự lễ về, bà sẽ bày mâm cơm hoa quả cúng ông bà gia tiên, đón chào chúa xuân theo phong tục cổ truyền của dân tộc.

"Năm mới Quý Mão tôi xin chúc tất cả mọi người luôn bình an, vui khỏe, làm ăn kinh tế thuận lợi hơn năm vừa qua", bà Xuyến nói.

21h20

Nhiều lớp bảo đảm an ninh khu vực trận địa bắn pháo hoa tầm cao

Thủ đô Hà Nội thời tiết đẹp, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi giải trí chào đón năm mới. Lúc 21h nhiệt độ khoảng 20 độ C, gió nhẹ. Khu vực xung quanh Hồ Gươm, nơi có hai trận địa bắn pháo hoa tầm cao, lực lượng chức năng đã cấm phương tiện đi vào từ 20h.

Ở trận địa pháo hoa đối diện Bưu điện Hà Nội và phía trước trụ sở Báo Hà Nội mới, lực lượng công an, quân đội và dân phòng tạo thành nhiều lớp bảo đảm an ninh trật tự. Các phương tiện cứu hỏa, cứu thương cũng túc trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần.

21h20

Nhiều người chụp ảnh kỷ niệm trước chợ Bến Thành

Nhiều người tập trung trước cổng chợ Bến Thành, quận 1 để chụp ảnh, thưởng ngoạn. Mặt bằng trước chợ Bến Thành đã bị rào chắn nhiều năm qua để phục vụ thi công Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới được hoàn trả năm nay.

Trong khi chờ tái lập lại vòng xoay như trước, khu vực này vừa được lắp thêm đèn xanh đèn đỏ, tổ chức lại giao thông theo dạng ngã tư. Với phương án này, trước cổng chợ không cho xe chạy nên có nhiều khoảng trống cho người dân chụp ảnh với một trong những công trình biểu tượng của TP HCM.

21h15

Chiến sĩ biên phòng nấu bánh chưng đón giao thừa

Tại biên giới Đồng Tháp, Binh nhất Nguyễn Hoàng Hiệp, Đồn biên phòng cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự) đang trông nồi bánh tét chín. Những đòn bánh do chính tay chiến sĩ gói dưới sự hướng dẫn của các chị hội phụ nữ địa phương. Năm đầu tiên đón tết xa nhà, Hoàng Hiệp có một chút nhớ gia đình song cảm thấy tự hào khi thực hiện nghĩa vụ với đất nước.

Cũng tại Đồng Tháp, đông đảo người tập trung về Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Hồng Ngự để chờ xem bắn pháo hoa.

21h10

Người Việt ở nước ngoài đón Tết

Đây là lần thứ 5 chị Nguyễn Thị Vân, 26 tuổi, đón Tết Nguyên Đán tại Canada. Khoảng hơn một ngày trước thời khắc giao thừa, chị cùng nhóm bạn tranh thủ đi hội chợ Tết để mua thịt heo, lá dong, cùng nhiều gia vị để làm bánh chưng. Để có không khí Tết, cả nhóm cũng mua cành đào, một ít đồ trang trí trong phòng khách.

Gia đình chị Vân gói bánh chưng đón Tết.

"Hàng năm, tôi vẫn duy trì mâm cơm tất niên truyền thống với bánh chưng xanh, bát miến, đĩa giò... để cả gia đình và một số bạn bè thân thiết quây quần", Vân nói, cho biết dịp này trời lạnh, và những ngày lễ vẫn đúng ngày đi làm nên không thể đi du xuân được.

Hội đồng hương người Việt ở Phần Lan cũng tổ chức đón Tết Quý Mão với hơn 200 người tham gia. Chị Rose Hồ, 40 tuổi cho biết, bà con đã tổ chức các trò chơi dân gian, gói bánh chưng, bánh tét để các em nhỏ hiểu rõ hơn về Tết truyền thống ở Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, từ đầu giờ tối, nhóm lao động quê Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn hải sản, thịt gà, hoa quả, xôi, tập trung tại phòng trọ để đón năm mới. Nguyễn Thảo cho biết, đây là năm thứ hai đón Tết ở xứ người. "Gần đến giao thừa, xem qua mạng xã hội thấy người thân chia sẻ cảnh chúc mừng năm mới, em rơm rớm nước mắt vì nhớ nhà. Sau đó động viên nhau, cầu mong có sức khoẻ để làm việc, tích lũy được ít vốn để sớm trở về quê lo cho tương lai", Thảo nói.

21h05

Người Đà Nẵng tập trung ở đường hoa ven sông Hàn

Từ chập tối, người dân Đà Nẵng đã đến vui chơi tại các đường hoa ven sông Hàn, đông nhất là trước Công viên APEC, đường Bạch Đằng (quận Hải Châu). Nhiều du khách nước ngoài cũng xuống đường, thưởng lãm các điểm trang trí Tết. 0h đêm nay, thành phố sẽ bắn pháo hoa tầm cao trong 15 phút tại khu vực cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Nhiều người cho biết sẽ tản bộ ở ven sông, chờ đón Giao thừa và ngắm pháo hoa.

Là người Quảng Nam ở lại Đà Nẵng làm việc, anh Nguyễn Hoài (25 tuổi), cho biết dù đón giao thừa xa nhà nhưng tâm trạng tươi vui vì thành phố đã dần nhộn nhịp trở lại sau hơn hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. "Đà Nẵng là thành phố du lịch nên tôi cầu mong năm mới sẽ ngày càng đông du khách để kinh tế phục hồi, người lao động có việc làm", anh Hoài nói, cho biết đến thời khắc giao thừa sẽ gọi điện về chúc Tết cha mẹ và người thân. Sáng mai, sau khi hết ca trực, anh sẽ về nhà đón Tết đoàn viên.

Người dân ở Đà Nẵng đi chợ Tết tại đường hoa Xuân phía Tây cầu Rồng và trước Công viên APEC.

Tại các khu vực chợ hoa trên đường 2/9, nhiều chủ sạp tiếp tục giảm giá. Trong đó một giỏ hoa treo chỉ còn giá 20.000 đồng; cây quất có giá 100.000-300.000 đồng. Nhiều người tranh thủ đi mua vào giờ chót để về trang trí nhà cửa. Từ khoảng 19h, khu vực trung tâm thành phố đã xuất hiện nhiều điểm bắn pháo hoa tự phát. Đứng trên các trục đường Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám có thể nhìn thấy các loạt pháo tầm cao, kéo dài khoảng 1 phút; phát tiếng nổ lớn.

Công nhân miệt mài làm việc

Tại ga Hà Nội, 11 nhân viên vệ sinh tất tả dọn dẹp tàu SE1 để kịp khởi hành lúc 20h20, chạy xuyên giao thừa vào TP HCM. Các công nhân phải làm việc từ 5h sáng đến đêm để toàn tàu sạch sẽ trong và ngoài.

Trong dòng người hối hả chạy xe về trung tâm thủ đô để chờ đón giao thừa, những nữ công nhân môi trường vẫn còng lưng đẩy xe rác chất cao quá đầu. Chị Võ Thị Hậu, 50 tuổi, Xí nghiệp môi trường đô thị số 4 quận Đống Đa cho biết, gần 30 năm theo nghề thì từng đó năm chị phải đi làm đêm giao thừa.

"Ai cũng muốn ở bên gia đình nhưng sáng mùng 1 Tết phố phường phải sạch đẹp nên chúng tôi động viên nhau, vui vẻ làm việc", chị Hậu nói, cho biết mong muốn năm mới sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc, chăm lo được cho gia đình.

Chị Phạm Thị Minh Tuyết bên phải và đồng nghiệp ăn tối.

Tại Hải Phòng, nhóm công nhân vệ sinh môi trường đang ăn bữa cơm tất niên trên vỉa hè, cạnh xe rác vẫn đang thu gom ở đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân. Bà Trần Thị Nhở, 55 tuổi, cho biết tổ có 17 người, thay nhau làm từ 4h ngày 30 Tết đến 5h ngày mùng 1 tết. Bà Nhở đã có hơn 10 năm ăn cơm tất niên trên vỉa hè cùng đồng nghiệp.

20h45

Mong năm mới kinh doanh kết quả tốt hơn

Hàng nghìn người đổ về Quảng trường TP Bà Rịa tham gia chương trình nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu dấu ấn 2022 do UBND tỉnh tổ chức được bắt đầu từ 20h kéo dài đến giao thừa với sự góp mặt của các nghệ sỹ địa phương và TP HCM. Năm nay, toàn tỉnh có 7 điểm bắn pháo hoa ở TP Vũng Tàu, Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, Côn Đảo...

Cùng người thân dạo chơi ở đường hoa TP Bà Rịa, anh Phạm Phi Sơn cho biết công việc kinh doanh dịch vụ ăn uống của mình trong năm vừa qua khá suông sẻ. Hai cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi khiến vợ chồng anh rất vui.

"Mặc dù quán khá đông, nhưng từ 28 Tết tôi nghỉ bán và dự định phải hết Tết mới mở cửa trở lại. Cả năm đầu tắt mặt tối, tôi dành hết quãng thời gian này cho gia đình, lo chu toàn cho tổ tiên ông bà", anh Sơn nói. Anh Sơn cho hay Quý Mão có thể sẽ là một năm khó khăn, song đặt mục tiêu kết quả kinh doanh tốt hơn năm cũ.

Cách đó chừng cây số, chị Phạm Thị Minh Tuyết, nhân viên Công ty cổ phần đô thị Bà Rịa cùng hai nữ đồng nghiệp ăn tối bên lề đường trước khi hoàn tất công việc trong năm. Bữa tối của họ là món mỳ xào thịt, kẹo.

Sau khi quét sạch rác các tuyến đường, chị sẽ trở về nhà trước giao thừa vài phút. "Năm nào cũng vậy, mọi người mặc đẹp đi chơi thì chúng tôi làm bạn với đường, lá cây, rác. Cuộc sống mình khổ thì phải ráng làm thôi", chị Tuyết nói và cho biết, được nghỉ Tết hai ngày sẽ dành thời gian thăm bạn bè, chúc tết người thân.

20h40

Người Việt đón giao thừa ở Nhật

Đây là năm thứ 6 chị Phạm Thị Kim Yến đón Tết cổ truyền ở Nhật Bản. Do Nhật đã bỏ Tết âm lịch nên người lao động không còn được nghỉ dài ngày. Tuy nhiên, năm nay ngày tất niên và Mùng Một Tết Quý Mão rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên Yến và nhóm bạn ở cùng ký túc xá có được hai ngày để liên hoan và đi chùa cầu may mắn vào đầu năm mới.

Yến và các bạn chụp ảnh kỷ niệm ở ký túc xá tại Nagano, Nhật Bản.

Từ mấy hôm trước cô gái 34 tuổi cùng bạn bè người Việt mua đồ trang trí Tết, bánh mứt ở cửa hàng đồng giá 100 yen. Hôm nay nhóm bạn cùng liên hoan, chụp hình kỷ niệm và chờ đúng giao thừa sẽ gọi điện về nhà chúc Tết gia đình. "Giao thừa ở Nhật đến sớm hơn Việt Nam hai giờ nhưng chỉ cần được gọi đúng ngày là bố mẹ tôi đủ vui", Yến nói.

Mấy năm trước, do Tết không trùng ngày cuối tuần, những lao động Việt xa quê thường sắp xếp một ngày nghỉ chung để trang trí phòng và liên hoan mừng năm mới trước hoặc sau ba ngày Tết. Ngày mai, Yến đi chùa cầu mong sức khỏe cho gia đình và bản thân để làm việc tốt. Ngoài ra, cô gái Việt cũng mong năm mới kinh tế ổn định, công việc đều, tăng ca và giá yen lên cao, lạm phát giảm để lao động xa xứ có tiền để dành, nhanh về nước để sớm có những cái Tết đoàn viên bên gia đình.

20h35

Người dân Cần Thơ đổ về quảng trường xem pháo hoa

Người dân tập trung ra đường ở trung tâm quận Ninh Kiều. "Tôi ở huyện Vình Thạnh, cách trung tâm TP Cần Thơ 70 km tranh thỉ đưa vợ con đến quận trung tâm coi bắn pháo bông" ông Phạm Thanh Hảo nói.

20h25

Kỳ đài Huế sẽ bắn 1.000 quả pháo hoa

Thượng tá Phan Thắng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra và giao nhiệm vụ cho tổ bắn pháo hoa trên Kỳ đài Huế. Chào đón Tết Quý Mão, khu vực Kỳ Đài sẽ bắn 1.000 quả pháo hoa, toàn tỉnh bắn 2.000 quả (gồm cả huyện Phú Lộc, Phong Điền).

Mặc dù thời tiết se lạnh song nhiều người dân ở TP Huế đã tập trung về Quảng trường Ngọ Môn xem văn nghệ và công viên Lý Tự Trọng bên dòng sông Hương vui chơi, chụp ảnh linh vật gia đình mèo.

20h20

Nhiều người tập trung ở hoa viên có đặt tượng Đức Mẹ Maria trước nhà thờ Đức Bà để cầu nguyện, hóng mát chờ đón năm mới. Từ 20h, lượng xe đổ về các tuyến đường ngày càng đông. Nhiều tốp cảnh sát cơ động, cơ động chia ra nhiều khu vực trước nhà thờ Đức Bà, giao lộ Nguyễn Du - Đồng Khởi, quận để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh.

Bà Hương, 60 tuổi đứng chụp ảnh trước nhà thờ Đức Bà cho biết, trong lúc chờ đến giờ xem pháo hoa bà sẽ tranh thủ đi một số nơi nổi tiếng của thành phố để chụp ảnh kỷ niệm. "Hy vọng năm mới tôi sẽ gặp nhiều may mắn, sức khoẻ tốt", bà nói.

20h15

Người Việt ở Australia nhớ giao thừa ở quê

Mâm cơm cúng tất niên của gia đình anh Kỳ ở Australia.

Ngày cuối năm, gia đình anh Nguyễn Bá Kỳ, 33 tuổi, quê Thừa Thiên Huế đang sống tại Australia tất bật chuẩn bị đồ cúng tất niên cuối năm. Anh cho biết đã 7 năm đón Tết xa quê nên rất nhớ không khí đón xuân ở quê nhà. "Tất niên năm nào gia đình mình cùng vài gia đình bạn bè sống gần nhau cùng tụ tập lại ăn uống mừng năm mới, ôn lại những kí ức đón xuân xưa", anh Kỳ nói và cho biết thêm phút giây giao thừa thì hay gọi điện về cho người thân ở Việt Nam chúc mừng năm mới, hẹn ngày về đoàn viên.

20h10

Bà Bích Vân, 40 tuổi, quản lý một toà nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM cúng giao thừa. "Vì toà nhà sắp đóng cửa nên tôi làm lễ sớm để cho nhân viên còn kịp về đoàn viên đêm giao thừa. Mong năm mới các công ty ở đây sẽ làm ăn tốt hơn, mọi người gặp nhiều may mắn", bà Vân nói.

Bà Bích Vân thực hiện nghi thúc cúng giao thừa sớm.

20h05

Dọc đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), nhiều người vẫn miệt mài bán đào quất. Một người buôn quất cho biết, năm nay nhu cầu của người dân lớn hơn nên lượng tiêu thụ hơn năm trước. Tuy nhiên, do nguồn cung lớn nên đến tối 30 Tết, nhiều hộ buôn vẫn tồn hàng. Hôm qua, những cây quất nhỏ bán giá 200.000-300.000 đồng thì giờ được rao đồng giá 80.000 đồng. Một số cành đào nhỏ cũng được người dân làng Vạn Phúc (Hà Đông) chặt bán giá 20.0000 đồng phục vụ những người mua khi đi xem pháo hoa giao thừa.

20h00

Người dân TP HCM đổ về khu trung tâm

Trên đường Tôn Đức Thắng dòng người nhích từng chút một ở đoạn gần Bến Bạch Đằng, quận 1.

Trước giao thừa, lượng người đổ về khu trung tâm du xuân, tham quan khiến các địa điểm đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Lê Lợi, Hội hoa xuân công viên Tao Đàn, phố ông đồ ngày càng đông. Nhiều tuyến đường Lê Duẩn, Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng bị ùn tắc nghiêm trọng.

Sau hai năm dừng do Covid-19, giao thừa năm nay TP HCM sẽ bắn pháo hoa giao thừa Tết Nguyên đán ở 6 điểm để mừng Tết Quý Mão 2023. Trong đó, một điểm bắn tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức). 5 điểm tầm thấp tại: Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), và Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh.

Sân khấu chính của hoạt động văn nghệ và countdown đặt trên Bến Bạch Đằng.

Theo Vnexpress