Báo Công An Đà Nẵng

Charlie Hebdo và nỗi đau châm biếm

Thứ sáu, 09/01/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Trước khi hứng chịu vụ khủng bố kinh hoàng hôm 7-1, tạp chí châm biếm Charlie Hebdo từng nhiều lần trở thành mục tiêu đe dọa và bị tấn công của các chiến binh Hồi giáo.

Charlie Hebdo là tạp chí châm biếm nổi tiếng ở Pháp và khắp thế giới. Tuy nhiên, Charlie Hebdo cũng gây nhiều tranh cãi vì những nội dung châm biếm xoay quanh các tôn giáo tín ngưỡng, đặc biệt là đạo Hồi khi đăng nhiều biếm họa báng bổ nhà tiên tri Mohammad.

Ngay trước khi các tay súng bịt mặt xông vào tòa soạn Charlie Hebdo hôm 7-1, tạp chí này đăng ảnh châm biếm Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo tổ chức Hồi giáo cực đoan IS – vốn đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Đông. Bức tranh biếm họa miêu tả ông Abu Bakr al-Baghdadi đang nói “chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe” vào một microphone.

Một ấn phẩm của tạp chí Charlie Hebdo. Ảnh: AFP

Có phải “giọt nước làm tràn ly”?

Bức hình biếm họa mới nhất này được cho là “giọt nước làm tràn ly” khiến các tay súng khủng bố ra tay tàn độc trong bi kịch quốc gia chưa có tiền lệ. Chỉ trong vòng vài phút, những tiếng nói mạnh mẽ nhất trong ngành báo chí Pháp bị dập tắt - bao gồm Tổng biên tập Stephane Charbonnier và một số nhà báo hàng đầu của Pháp như Jean Cabut, Georges Wolinski và Bernard Verlhac.

Những bức biếm họa của Charlie Hebdo từng làm bùng nổ những cuộc biểu tình phản đối trên khắp thế giới Hồi giáo khiến các chiến binh liên tục cảnh báo tạp chí này sẽ phải trả giá đắt. Năm 2006, Charlie Hebdo là một trong số ít những tờ báo ở Châu Âu tái xuất bản biếm họa về nhà tiên tri Mohammad từ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch. Hình ảnh nhà tiên tri để quả bom dưới khăn xếp thật sự gây phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Năm 2007, một số tổ chức Hồi giáo ở Pháp kiện Charlie Hebdo vì xúc phạm tôn giáo nhưng bị tòa bác bỏ. Thừa thắng xông lên, tờ báo tiếp tục chiến dịch châm biếm Hồi giáo.

Năm 2011, Charlie Hebdo gây sóng gió khắp các sạp báo khi tuyên bố tạm đổi tên thành “Charia Hebdo” – một cách chơi chữ nhằm đả kích luật sharia nghiêm ngặt của người Hồi giáo. Hình ảnh nhà tiên tri Mohammad, nổi bật với cái mũi đỏ như chú hề, lại được lên trang bìa với câu nói: “Đánh 100 roi nếu các ngươi không chết vì cười”. Tòa soạn Charlie Hebdo hứng bom lửa ngay ngày hôm sau. Cuộc tấn công phá hủy tòa soạn nhưng không gây thương vong. Sau vụ đánh bom, Charlie Hebdo chuyển văn phòng đến trung tâm thủ đô Paris, được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát chống bạo động.

Cảnh sát bao vây 2 nghi phạm khủng bố Charlie Hebdo

Lực lượng cảnh sát Pháp ngày 9-1 bao vây xung quanh khu công nghiệp ở thị trấn Dammartin-en-Goele, phía đông bắc Paris, được cho là nơi 2 nghi can vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo hôm 7-1 đang ẩn náu.

CNN cho biết, cảnh sát được triển khai dày đặc ở đây trong khi hàng chục xe, trong đó có cả xe cứu thương, đang tiến ngay phía sau sân bay Charles de Gaulle này khiến các chuyến bay đến đây phải chuyển hướng. Một số nguồn tin cho biết, các tay súng đang bắt giữ khoảng 10 nhân viên xưởng in CTD làm con tin. Trong khi đó, CNN dẫn lời Yves Albarell, quan chức thị trấn Dammartin-en-Goele, cho biết, 2 nghi can đã nói chuyện qua điện thoại với cảnh sát và tuyên bố muốn “tử vì đạo”.

Trong khi đó, AFP dẫn lời giới chức Paris khẳng định, vụ nổ súng sát hại nữ cảnh sát tại Montrouge hôm 8-1 liên quan đến hành động khủng bố Charlie Hebdo sau khi cảnh sát nhận diện 1 nghi phạm và bắt giữ 2 đối tượng khác.

T.L


Cảnh sát bao vây quanh khu công nghiệp ở Dammartin-en-Goele. Ảnh: Reuters

Đâu là giới hạn "quyền được cười"?

“Đây là lần đầu tiên bị tấn công, nhưng chúng tôi sẽ không để bọn chúng đạt mục đích”, Tổng biên tập Charbonnier nhấn mạnh sau vụ tấn công.

Và đúng như tuyên bố, tháng 9-2012, Charlie Hebdo chọn thời điểm hành động tiếp theo sau khi một bộ phim chống đạo Hồi của Mỹ làm bùng nổ bạo loạn ở Trung Đông. Hình ảnh nhà tiên tri Mohammad khỏa thân xuất hiện trên trang bìa thật sự đổ thêm dầu vào lửa những căng thẳng đang âm ỉ. Cảnh sát Pháp triệu Tổng biên tập Charbonnier và yêu cầu tạp chí này xem xét lại việc xuất bản các hình ảnh biếm họa. Khi ông Charbonnier bác bỏ, giới chức Pháp lại một lần nữa triển khai cảnh sát chống bạo loạn bên ngoài tòa soạn Charlie Hebdo trong khi tạm thời đóng cửa gần 20 đại sứ quán trên toàn thế giới Hồi giáo.

Nhà Trắng cũng chỉ trích quyết định cho in những hình ảnh biếm họa này của Charlie Hebdo. Tuy nhiên, Tổng biên tập Charbonnier vẫn thách thức, gọi đây là vấn đề của nền dân chủ, tự do ngôn luận và trong ngắn hạn là quyền được cười. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, “quyền được cười” của Charlie Hebdo đang vượt ngưỡng cần và đủ.

Trên thực tế, nguyên nhân chính khiến Charlie Hebdo bị tấn công là do đăng ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammad, nhằm thỏa mãn cái mà họ gọi là “quyền được cười”. CNN dẫn lời các chuyên gia Hồi giáo cho rằng, người Hồi giáo không muốn thần tượng hóa hình ảnh nhà tiên tri Mohammad mà bỏ quên Thánh Allah. Theo Hồi giáo, nhà tiên tri Mohammad chỉ là người đưa tin có nhiệm vụ truyền đạt lại những lời dạy của Thượng đế cho loài người. Hơn nữa, đối với người Hồi giáo, bất kỳ mô tả nào về đấng tiên tri của họ đều là hành động báng bổ xấu xa.

Cảm giác kinh hoàng từ bi kịch ở Charlie Hebdo vẫn chưa nguôi. Tuy nhiên, các nhân viên còn sống sót Charlie Hebdo vẫn khẳng định sẽ tiếp tục in gần 1 triệu bản ra mắt vào tuần tới.

Khả Anh