Báo Công An Đà Nẵng

Chật vật sản xuất với “ba tại chỗ”

Thứ hai, 16/08/2021 10:57

Một số nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng cho biết đang phải chật vật xoay xở với mô hình sản xuất “ba tại chỗ” và không thể cầm cự thêm nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát.

Công nhân ăn tại nhà máy thực hiện mô hình sản xuất “ba tại chỗ”.

Nhà máy chế biến thủy sản Thuận Phước tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang bình thường có 2500 công nhân, nhưng gần 1 tháng qua chỉ còn chưa đầy 400 công nhân làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”. Ông Trần Văn Lĩnh- Tổng giám đốc Cty dịch vụ thủy sản Thuận Phước cho biết, khi nhà máy vừa thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” thì xuất hiện 1 ca dương tính, cả dây chuyền gần 30 công nhân phải cách ly. Cũng đúng lúc đó, một số phường của quận Sơn Trà phải phong tỏa, nhà máy rơi vào tình trạng bị phong tỏa trong vùng phong tỏa. Việc phải gấp rút lo điều kiện ăn ở, làm việc của gần 400 công nhân, chủ yếu là nữ gặp không ít trở ngại. Ngoài phát sinh thêm chi phí thì cung ứng thực phẩm cũng gặp khó. “Năm ngoái, Công ty chúng tôi tăng trưởng 20% còn 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tới 45%. Đơn hàng của chúng tôi đã ký từ cuối năm ngoái đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp, Đà Nẵng liên tục phải giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất phải chuyển sang mô hình ba tại chỗ. Nhưng nói thật, với chi phí phát sinh quá lớn khi thực hiện sản xuất ba tại chỗ, rồi chi phí vận chuyển, mỗi container đã tăng phí tới 8 lần, trong khi giá xuất hàng đã cố định từ cuối năm trước. Điều này khiến  việc sản xuất gần như không có lãi, thậm chí lỗ”- ông Lĩnh bọc bạch.

Công nhân ngủ tại nhà máy.

Sở dĩ mô hình “ba tại chỗ” phát sinh chi phí lớn nhưng nhiều nhà máy vẫn phải duy trì. Bởi lẽ, theo ông Lĩnh do các đơn hàng đã ký, phải giữ uy tín thương hiệu với bạn hàng. Mặt khác, nếu ai cũng chống dịch thì ai sản xuất, phải duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, ông Lĩnh cho rằng, lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp, việc duy trì sản xuất dù phát sinh chi phí nhưng đảm bảo việc làm, giữ chân người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nên vẫn phải tiếp tục.

Tại nhà máy cơ khí Hà Giang-Phước Tường ở KCN Hòa Cầm các công nhân cũng đang thực hiện làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”. Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc nhà máy cho biết, trong 140 công nhân của nhà máy thì có 35 người làm việc “ba tại chỗ”. Dù việc sản xuất theo phương thức này phát sinh thêm chi phí, song ông Hùng cho biết nhà máy chấp nhận để đảm bảo đơn hàng đã chốt với khách. “Chúng tôi có văn hóa nói sao làm vậy, một lời nói ra cũng đã như hợp đồng, do vậy dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện đúng cam kết. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước tất cả các rủi ro” - ông Hùng chia sẻ

Sản xuất tại nhà máy cơ khí Hà Giang Phước Tường.

Cũng theo ông Hùng, nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài, doanh nghiệp chấp thuận theo quy định của TP để cùng với TP chống dịch.  Tuy nhiên giải pháp đóng cửa TP trong 7 ngày chưa chắc xử lý hết dịch bệnh vì hiện nay cả nước đang có ca bệnh chứ không chỉ riêng Đà Nẵng. TP không thể đóng cửa lâu dài mà phải mở cửa để còn giao nhận hang hóa, thông thương. Giải pháp lâu dài là cần tiêm văc xin và sớm đưa thuốc chữa bệnh về để điều trị, chấp nhận 1 tỉ lệ dân số mắc bệnh dưới mức an toàn của ngành y tế để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nếu áp dụng 3 tại chỗ nhiều lần thì DN sẽ bị thiệt hại quá nặng dẫn đến phá sản, các nhà đầu tư sẽ không đến như chủ trương kêu gọi của TP lâu nay.

Công nhân chế biến thủy sang làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”.

Hiện nay, theo qui định của TP, các nhà máy sản xuất chỉ được hoạt động với tối đa 30% công nhân, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện theo mô hình “ba tại chỗ”. Các nhà máy sản xuất đều kỳ vọng sau 7 ngày tới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát để sớm trở về trạng thái sản xuất bình thường. Hiện Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho công nhân trong các KCN, đợt 1 đã tiêm 1500 công nhân, đợt 2 dự kiến tiêm cho 17 ngàn công nhân toàn TP.

HẢI QUỲNH