Báo Công An Đà Nẵng

Châu Á trong cuộc đua đến Nhà Trắng

Thứ sáu, 06/02/2015 12:17

(Cadn.com.vn) - Cuộc đua giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bắt đầu đặt nền móng cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Không nghi ngờ gì, chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách Châu Á, sẽ là vấn đề tối quan trọng trong cuộc đua này. 

Châu Á nắm giữ các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống mà chính quyền kế tiếp - Dân chủ hay đảng Cộng hòa - phải quản lý hiệu quả và phù hợp với lợi ích quốc gia. Và dĩ nhiên, ứng viên Tổng thống Mỹ cần có quan điểm rõ ràng về các chiến lược quan trọng.

Kiến trúc an ninh - Mỹ sẽ duy trì xoay trục Châu Á?

Trong thời kỳ hậu 11-9-2001, an ninh ngày càng quan trọng. Nhiều thách thức xuyên biên giới - chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, an ninh mạng, tranh chấp lãnh thổ và hàng hải... - bộc lộ nhiều mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của Châu Á. Các nhóm Hồi giáo cực đoan nhận thấy Châu Á là khu vực phù hợp để “sinh sản”.

Các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên làm căng thẳng trong khu vực. Tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông về chủ quyền lãnh thổ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các tuyến đường biển chiến lược trong tương lai. Hợp tác có hiệu quả giữa Mỹ và Châu Á trên những thách thức này là bước tiến mang tính xây dựng hướng tới xây dựng khuôn khổ an ninh khu vực.

Bà Hillary Clinton là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Diplomat

Thương mại và đầu tư - Vai trò Mỹ trong tăng trưởng kinh tế và hội nhập Châu Á?

Hiệp định các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trung tâm của chiến lược xoay trục đến Châu Á hiện nay của Nhà Trắng và cũng là phép thử của lãnh đạo Mỹ về thương mại và đầu tư trong khu vực. Việc Tổng thống Barack Obama yêu cầu Quốc hội đẩy mạnh thương mại trong thông điệp liên bang gần đây là tín hiệu cho thấy, tổng thống ưu tiên hoàn thành TPP vào cuối năm 2015.

Xã hội dân sự - Làm thế nào Mỹ sẽ dẫn đầu hoạt động từ thiện, giáo dục và truyền thông xã hội góp phần vào sự phát triển của xã hội dân sự ở Châu Á?

Vai trò của xã hội dân sự là quan trọng hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong các mối quan hệ của xã hội Châu Á. Là sự pha trộn của các chuyên gia từ thiện của Mỹ và các giá trị Châu Á, hoạt động từ thiện tại lục địa này là một lực lượng mới nổi trong sự phát triển của xã hội dân sự.

Tác động trong đầu tư vào giáo dục, môi trường, sức khỏe và nghệ thuật, cho phép Mỹ mạnh hơn trong lĩnh vực mà chính phủ bị hạn chế. Ngoài ra, ngày càng nhiều sinh viên Châu Á tìm kiếm nền giáo dục ở Mỹ.

Nhân tố Trung Quốc - Nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ đóng khung các mối quan hệ song phương và chính sách Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc đang định hình lại chiến lược Châu Á của Mỹ ở điểm nóng toàn cầu khác. Trên mặt trận an ninh và kinh tế, Trung Quốc đang là lực lượng đối trọng với Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khái niệm an ninh Châu Á mới hướng đến hợp tác an ninh, cho rằng, “Châu Á dành cho người Châu Á” cho thấy vai trò của Mỹ trong cấu trúc an ninh Châu Á giảm mạnh. Sự ra đời của Quỹ Con đường Tơ lụa - cơ sở hạ tầng và tài trợ thương mại trị giá 40 tỷ USD-  và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á - tổ chức đầu tư trong khu vực do Trung Quốc dẫn đầu nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) – là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng lãnh đạo khu vực và toàn cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ưu tiên và phương pháp tiếp cận hướng tới Châu Á của chính quyền kế tiếp có thể khác của Nhà Trắng hiện nay. Trong bối cảnh các ứng cử viên chính thức nộp hồ sơ tranh cử tổng thống trong những tháng tới, các bên liên quan chủ chốt của Châu Á có thể giúp tổng thống Mỹ tiếp theo đưa ra qua điểm với châu lục đang phát triển này.

An Bình
(Theo Diplomat)