Báo Công An Đà Nẵng

Châu Á ứng phó với nắng nóng gay gắt

Thứ bảy, 27/04/2024 15:00
Người dân chờ đợi trong thời tiết nắng nóng tại một trạm xe buýt ở Quezon, Philippines, ngày 15-4. Ảnh: AP

Nắng nóng thiêu đốt

Một đợt nắng nóng "đổ lửa" đã tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Á và Nam Á trong tuần này, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động người dân.

Theo báo cáo của Cơ quan khí tượng Myanmar, nhiều khu vực trên cả nước ghi nhận nền nhiệt tăng đột biến, trong đó không ít địa phương báo cáo mức nhiệt trên 40 độ C. Theo Cục Khí tượng thủy văn Myanmar, nhiệt độ ở miền Trung và vùng đồng bằng nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong hai ngày 28, 29-4. Thái Lan cũng đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt trong tuần này. Chính quyền thành phố Bangkok đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ dự kiến sẽ vượt ngưỡng 52 độ C. Ít nhất 30 người đã tử vong do sốc nhiệt kể từ đầu năm đến nay. Tại Philippines, cảnh báo chỉ số nắng nóng đạt mức "nguy hiểm" với nhiệt độ vượt quá 42 độ C, được đưa ra đối với nhiều khu vực bao gồm vùng thủ đô Manila. Bộ Y tế Philippines ngày 24-4 cho biết từ đầu năm cho đến ngày 18-4, nước này đã ghi nhận ít nhất 34 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng, trong đó đã có 6 ca tử vong.

Ở khu vực Nam Á, nắng nóng cũng đang làm không ít người dân Nepal khốn khổ. Dự báo, nền nhiệt trong ngày 25-4 tại hai tỉnh miền Nam Nepal sẽ vượt 40 độ C. Nền nhiệt trong ngày 24-4 tại tỉnh Lumbini ở miền Nam nước này lên mức 43 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân với một số trường hợp báo cáo hiện tượng rối loạn tiêu hóa, mất nước và đau đầu. Bộ Y tế nước này đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Bangladesh đang hứng chịu một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 4-5 độ C. Nhiệt độ trên cả nước Bangladesh đã lên tới hơn 42 độ C trong tuần này và dự báo nắng nóng kéo dài đến cuối tuần.

Trường học đóng cửa

Trong tuần này, 33 triệu trẻ em ở Bangladesh phải nghỉ học khi các trường học đóng cửa do nắng nóng quá mức. Các trường bậc phổ thông và cả đại học sẽ đóng cửa cho đến ngày 27-4. Rất ít trường học ở thủ đô Dhaka có điều hòa và việc cố gắng cho học sinh đến trường trong điều kiện nắng nóng như vậy sẽ không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều học sinh cho biết kể cả khi ở nhà cũng không thể làm bài tập do nhiệt độ quá cao và còn bị cắt điện.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Bangladesh áp dụng biện pháp đóng cửa trường học do thời tiết khắc nghiệt. Nó diễn ra sau khi các trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng rơi vào tình cảnh tương tự trong bối cảnh đợt nắng nóng dai dẳng quét qua châu Á. Chính quyền bang Odisha (Ấn Độ) hôm 21-4 đã thông báo về kỳ nghỉ hè cho học sinh từ ngày 25-4 do nắng nóng gay gắt. Trong một thông cáo báo chí, chính quyền bang cho biết tất cả các trường học, bao gồm cả trường công và trường tư, sẽ đóng cửa từ ngày 25-4.

Trong khi đó, học sinh tại 7.000 trường công lập ở Philippines đã phải nghỉ học từ tuần trước do thời tiết nắng nóng bất thường ở nhiều khu vực. Với việc hầu hết các trường công lập ở đất nước 115 triệu dân không được trang bị đầy đủ để đối phó với nhiệt độ tăng cao và các tình trạng thời tiết khắc nghiệt khác, lớp học trực tuyến đã trở thành lựa chọn an toàn nhất trong các đợt nắng nóng hiện nay. Trong một cuộc khảo sát do hiệp hội giảng dạy ACT-NCR thực hiện, hơn 3/4 giáo viên Philippines tham gia khảo sát mô tả nắng nóng "vượt ngoài sức chịu đựng". 46% giáo viên cho biết lớp học chỉ có một hoặc hai quạt điện, và các biện pháp thông gió không đủ để đối phó với nhiệt độ tăng cao.

Lời cảnh báo về biến đổi khí hậu

Các quốc gia ở châu Á đã phải hứng chịu gánh nặng của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) trong một báo cáo mới cho biết: "Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt tình trạng khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão". Tổng thư ký Celeste Saulo của WMO phân tích: "Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những tình trạng như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống".

Nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, và WMO lưu ý, châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng, với tác động của các đợt sóng nhiệt trong khu vực trở nên nghiêm trọng hơn. Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Á năm 2023 của WMO cho thấy, châu Á đang nóng lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm ngoái cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1961 - 1990. Giám đốc WMO Celeste Saulo nhận định: "Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng nhất từng được ghi nhận vào năm 2023, cùng với hàng loạt các điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, sóng nhiệt cho đến lũ lụt và bão".

AN BÌNH