Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19

Thứ hai, 28/12/2020 17:00

 Ngày 27-12, hầu hết các quốc gia Châu Âu phát động chương trình tiêm vaccine phòng covid-19 xuyên biên giới với quy mô lớn chưa từng có. Đây là bước tiến quan trọng nhằm chấm dứt đại dịch đã giết chết hơn 1,7 triệu người trên khắp thế giới, làm tê liệt kinh tế, phá hủy doanh nghiệp và việc làm.

 Cụ Edith Kwoizalla, 101 tuổi là người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Đức. Ảnh: DW

 Theo Reuters, ngày 26-12, Hungary và Slovakia là hai trong số những quốc gia Châu Âu đầu tiên khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.

Hungary đã tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho nhân viên tuyến đầu tại các bệnh viện ở thủ đô Budapest, sau khi nhận được lô hàng đầu tiên đủ dùng cho 4.875 người.  Người đầu tiên nhận được mũi tiêm là Adrienne Kertesz, bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Del-Pest. Đến nay, Hungary ghi nhận 315.362 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 8.951 ca tử vong. Hơn 6.000 người nhiễm virus vẫn đang nằm viện gây căng thẳng hệ thống y tế quốc gia. "Chúng tôi rất vui vì vaccine đã có", Zsuzsa và Antal Takacs, đôi vợ chồng 68 và 75 tuổi, cho biết khi chơi bóng bàn trong công viên Budapest.

 Trong khi đó, tại Slovakia, anh Krcmery - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là thành viên của Ủy ban Đại dịch của chính phủ - trở thành người đầu tiên tại quốc gia này được tiêm vaccine. Một ngày sau đó, các quốc gia khác gồm Pháp, Italia, Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng tại nước mình. Tại Bồ Đào Nha, một chiếc xe tải được cảnh sát hộ tống đã dỡ những thùng vaccine Covid-19 đầu tiên lưu trữ ở một nhà kho thuộc miền trung đất nước. Từ đó, gần 10.000 liều sẽ được chuyển đến 5 bệnh viện lớn. "Đây là cột mốc lịch sử đối với tất cả chúng ta, một ngày quan trọng sau một năm khó khăn. Cánh cửa hy vọng đã mở ra, nhưng đừng quên phía trước vẫn là cuộc chiến cực kỳ gian khó", Bộ trưởng Y tế Marta Temido nói.

Pháp - quốc gia đã nhận lô vaccine của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào ngày 26-12, sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng tại khu vực Paris mở rộng và vùng Burgundy-Franche-Comte. “Chúng tôi có tổng cộng 19.500 liều, tương đương 3.900 lọ. Những liều thuốc này sẽ được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -80 độ C và sau đó sẽ được phân phối đến các viện dưỡng lão và bệnh viện khác nhau”, ông Franck Huet - trưởng bộ phận dược phẩm của hệ thống bệnh viện công Paris - cho biết. Chính phủ Pháp hy vọng trong hai tháng đầu năm 2021, khoảng 1 triệu người tại các viện dưỡng lão sẽ được tiêm vaccine. Sau đó, từ tháng 3 đến tháng 6, con số sẽ được nâng lên thành 14-15 triệu người.

Pháp không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa cả nước lần thứ 3 nếu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục tăng. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã đưa ra tuyên bố khi trả lời báo Journal du Dimanche ngày 27-12 trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại quốc gia Châu Âu này đối mặt với đợt bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.  Ông Olivier Veran nhấn mạnh Pháp không loại trừ bất cứ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ người dân nước này. Ông cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Ở thời điểm hiện tại, Pháp ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tính đến ngày 27-12, Pháp ghi nhận tổng cộng trên 2,5 triệu người mắc Covid-19, đứng thứ 5 trên thế giới về tổng số ca mắc. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa thông báo trên Twitter: “Ngày 28-12, chương trình tiêm chủng sẽ được tiến hành tại Tây Ban Nha. Đây là khởi đầu cho sự chấm dứt đại dịch”. Những lô vaccine đầu tiên sẽ được đưa bằng đường hàng không đến các hòn đảo Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Ceuta và Melilla ở Bắc Phi.

Ở Đức, một số lượng nhỏ người cao tuổi tại một viện dưỡng lão đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 26-12 – một ngày trước khi quốc gia chính thức khởi động chương trình tiêm chủng. Một cụ bà 101 tuổi sống tại viện dưỡng lão Halberstadt trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của quốc gia này. Đức báo cáo 18.411 ca nhiễm và 287 ca tử vong mới trong ngày 24-12, nâng tổng số lên lần lượt 1.614.326 và 29.681 kể từ khi dịch bùng phát. Chính phủ liên bang có kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều vaccine cho các cơ quan y tế địa phương vào cuối 2020 và khoảng 700.000 liều mỗi tuần kể từ tháng 1-2021. Bộ trưởng Y tế Jensen Spahn nói: "Có thể phát sinh vài trục trặc nhưng đó là điều khá bình thường cho một tiến trình hậu cần phức tạp".

AN BÌNH