Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu đang đối mặt với đại dịch mới

Thứ bảy, 27/03/2021 11:00

Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định châu Âu không chỉ đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, mà là một "đại dịch mới". 

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi.   Ảnh: AP

Làn sóng thứ 3

Một làn sóng COVID-19 mới đang nổi lên ở châu Âu. Theo CNBC, biến chủng phát hiện đầu tiên tại Anh được xem là nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm mới này. Giới khoa học cho rằng biến chủng Anh có mức độ lây lan mạnh mẽ hơn nhiều so với các biến chủng trước đó.

Viện Robert Koch (RKI) xếp Pháp vào danh sách các nước có nguy cơ cao vì COVID-19. Theo báo FAZ, RKI dự định từ ngày 26-3 sẽ coi Pháp là quốc gia có nguy cơ cao đối với COVID-19 khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang bùng phát mạnh, trong đó 75% số ca nhiễm mới là biến thể của virus SARS-CoV-2. Người dân từ Pháp khi đến Đức phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trước đó không quá 48 giờ. Paris và một số vùng thuộc phía Bắc của nước Pháp đã phong tỏa từ ngày 20- 3, nhưng các trường học và cửa hiệu bán hàng hóa thiết yếu vẫn mở cửa. Trong tuần trước, số ca nhiễm COVID-19 mới bình quân mỗi ngày ở Pháp tăng vượt mức 25.000 ca lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel trước đây tuyên bố sẽ bắt đầu dỡ phong tỏa trong tháng 3. Nhưng đó là khi số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày là 65 ca trên 100.000 dân. Hiện nay, con số này là 96 và có một nỗi lo thực sự rằng số ca nhiễm mới trong dịp lễ Phục sinh sắp tới có thể vọt lên tương tự như ở lễ Giáng sinh năm ngoái. Theo số liệu cập nhật từ các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 22.300 ca nhiễm mới, 205 ca tử vong và hiện số ca nhiễm biến thể phát hiện ở Anh chiếm trên 71% số ca nhiễm mới ở Đức. Trong khi đó, Bộ Y tế Đức chính thức thông báo, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-3 yêu cầu bắt buộc những người nhập cảnh Đức bằng đường hàng không phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Italia đã tạm dừng các kế hoạch cho lễ Phục sinh bằng cách tái áp lệnh phong tỏa toàn quốc do Thủ tướng Mario Draghi công bố. Nước này là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 6 trên thế giới, đến nay đã lên tới ít nhất 103.855 ca, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Ba Lan cũng đang đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh, trong đó khoảng 52% số ca nhiễm mới thuộc biến chủng Anh. Tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt ngưỡng 2 triệu ca vào hôm thứ sáu tuần trước, với 25.995 ca được ghi nhận trong vòng chỉ 1 ngày

Vaccine phủ bóng hội nghị thượng đỉnh EU

Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng là một trong những chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước thành viên EU lần này, đặc biệt khi một số quốc gia Châu Âu đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba.

Các nhà lãnh đạo của khối cũng tìm kiếm thỏa thuận về cách tăng cường nguồn cung vaccine sau sự khởi động chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng. Trước tình trạng phân phối vaccine không đồng đều trong khối và các quốc gia thành viên bị chia rẽ về việc có nên đưa ra giải pháp cứng rắn hơn đối với xuất khẩu vaccine hay không, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự thất vọng về chương trình tiêm chủng quốc gia của EU đang kém xa so với Anh và Mỹ. “Chúng ta đã không đặt mục tiêu cao. Đó sẽ là một bài học cho tất cả chúng ta. Tôi đã sai khi thiếu tham vọng”, ông Emmanuel Macron nói.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo rằng, việc vaccine không được phân phối công bằng có thể gây ra tác hại lớn cho khối. Theo một quan chức EU, việc triển khai vaccine của các nước Châu Âu bị trì hoãn đã dẫn đến một cuộc tranh cãi với Anh, quốc gia đã nhập khẩu 21 triệu liều vaccine được sản xuất tại EU. EU cho biết, Anh nên chia sẻ nhiều hơn, đặc biệt là để hỗ trợ sự thiếu hụt lớn trong việc cung cấp vaccine của AstraZeneca theo hợp đồng.

Đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ quyết định của EU về việc mua chung vaccine cho tất cả các quốc gia thành viên. “Hiện tại chúng ta thấy rằng những khác biệt nhỏ trong việc phân phối vaccine sẽ gây ra các cuộc tranh cãi lớn. Tôi không muốn nghĩ đến viễn cảnh rằng nếu một số quốc gia thành viên có vaccine nhưng những quốc gia khác thì không”, bà Merkel nói.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh "tiêm chủng là cách thoát khỏi đại dịch" và chỉ có thể đánh bại được đại dịch khi tất cả mọi người trên thế giới đều có cơ hội được tiêm chủng và miễn dịch. Bà Merkel cũng cho rằng không nên để gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, song tất nhiên cũng phải đảm bảo vaccine cho người dân nội khối EU, đồng thời cảnh báo các hãng dược phẩm đã ký kết phải "trung thành với hợp đồng".

Bà Merkel kêu gọi đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine ở Châu Âu, đồng thời kêu gọi cơ quan lập pháp Đức nhanh chóng thông qua Quỹ Tái thiết Châu Âu giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề ở châu lục nhanh chóng ứng phó với đại dịch COVID-19. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Châu Âu cần mở rộng năng lực sản xuất vaccine để có thể tự chủ, không phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ các nước khác, đảm bảo việc sản xuất trong khu vực nhằm cung ứng đủ lượng vaccine cần thiết trong EU.

Hôm 24-3, EU đã công bố kế hoạch về việc cấm xuất khẩu vaccine sản xuất tại khối sang các quốc gia khác, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, khối nên tăng cường số lượng vaccine với 360 triệu liều được lên kế hoạch phân phối trong quý hai năm nay, tăng từ 100 triệu liều trong quý một.

AN BÌNH