Châu Âu đang "xích lại gần" Trung Quốc?
Thế khó của châu Âu
Châu Âu có khá nhiều điểm tương đồng với Mỹ. Cả Washington và Liên minh châu Âu (EU) đều muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một ví dụ gần đây về mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và EU là việc Hà Lan tiếp tục hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm giảm bớt khả năng tiếp cận của nền kinh tế số 2 thế giới với nền sản xuất vi mạch tiên tiến nhất.
Mỹ vốn có mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu. Nước này nhà cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chính của châu Âu vào năm ngoái khi khu vực này tìm cách loại bỏ dần phụ thuộc vào Nga. Không chỉ vậy, các quốc gia EU và Mỹ còn tăng cường hợp tác về an ninh do hầu hết đều là thành viên của NATO. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken mới đây khẳng định: "Mối liên kết giữa chúng tôi và Liên minh châu Âu là vô cùng chặt chẽ, đến mức có thể sẵn sàng chia sẻ cho nhau những lợi ích chung".
Thế nhưng, việc xích lại gần Mỹ chưa bao giờ là quyết định dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo châu Âu khi mà Trung Quốc là một đối tác vô cùng quan trọng của khu vực này trong nhiều năm. Năm 2022, nền kinh tế thứ 2 thế giới là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là bạn hàng lớn thứ ba của EU. Châu Âu đang mắc kẹt giữa tăng cường hợp tác với Trung Quốc và duy trì quan hệ với Mỹ. Vấn đề này thực sự nan giản khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang cũng như việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Làm rõ hơn thế khó của châu Âu, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng làm việc cho chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush lưu ý rằng châu Âu đã phải chịu tổn thương kinh tế sâu sắc vì cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và sẽ khó có thể tưởng tượng được điều gì xảy ra nếu làm điều tương tự với Trung Quốc. Một nhà ngoại giao châu Âu đã giải thích lý do tại sao EU không thể thực hiện đường lối cứng rắn kiểu Mỹ để tách khỏi Trung Quốc. "Chúng tôi không ở vị thế kinh tế hay chiến lược để làm những gì Mỹ đang làm. Chúng tôi không thể rời xa cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc", nhà ngoại giao này nói với CNN. Nhà ngoại giao này cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga làm tăng giá năng lượng. Mục tiêu của EU là chuyển từ khí đốt của Nga sang năng lượng tái tạo. Và để có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh chóng này, EU sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời giá rẻ. Trong khi chỉ Trung Quốc mới làm được tấm pin mặt trời giá rẻ.
Tương tự, ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ nhận định rằng có những điều mà EU không thể làm nếu không có Trung Quốc, đặc biệt là về biến đổi khí hậu.
Chiến lược "Giảm thiểu rủi ro"
Không chọn tách rời Trung Quốc như Mỹ, châu Âu muốn duy trì hợp tác với Bắc Kinh bằng chiến lược "giảm thiểu rủi ro" nhằm ngăn phụ thuộc vào nước này.
"Giảm thiểu rủi ro" là khái niệm mới xuất hiện gần đây trong giới hoạch định chính sách đối ngoại châu Âu khi đề cập đến Trung Quốc. Theo khái niệm này, EU sẽ tìm cách giảm nguy cơ phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nhưng không ủng hộ cắt quan hệ với cường quốc châu Á.
Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, EU phải hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng cần đánh giá lại mối quan hệ với họ để giảm bớt rủi ro và ngăn ngừa nguy cơ phụ thuộc. "Tôi tin rằng việc tách rời khỏi Trung Quốc là không khả thi và không mang lại lợi ích cho châu Âu. Quan hệ của chúng tôi không chỉ có hai thái cực là hợp tác hoặc cắt đứt hoàn toàn. Phản ứng của chúng tôi cũng không thể rõ ràng như thế. Đây là lý do châu Âu cần tập trung giảm thiểu rủi ro chứ không phải tách rời với Trung Quốc", bà chia sẻ. Chủ tịch EC cho rằng, các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với đối tác Trung Quốc là phần quan trọng trong chiến lược "giảm thiểu rủi ro" thông qua con đường ngoại giao.
AN BÌNH