Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu "đau đầu" tìm cách kiểm soát COVID-19

Thứ bảy, 20/11/2021 14:35

Châu Âu đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh COVID-19 tăng trở lại khi mùa đông đến "ngay cửa ngõ".

Ca tử vong do COVID-19 ở Nga vẫn gia tăng.  Ảnh: Reuters 

Trong khi Nga liên tiếp ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong làn sóng dịch bệnh mới, Hy Lạp đã yêu cầu các bác sỹ tư nhân ở 5 khu vực phía Bắc của đất nước hỗ trợ hệ thống y tế do dịch bùng phát trở lại.

Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi sự hỗ trợ của các bác sĩ khu vực tư nhân vào đầu tháng này, khi các bệnh viện công và khu điều trị tích cực của Hy Lạp đã bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong những tuần gần đây. Yêu cầu này, được đăng trên công báo chính thức của chính phủ, có hiệu lực trong một tháng. Trong ngày 17-11, Hy Lạp ghi nhận 6.682 ca mắc mới COVID-19 và thêm 87 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 853.841 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, trong đó có 17.012 người không qua khỏi. Đầu tháng này, chính phủ đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những công dân chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nỗ lực khống chế dịch lây lan. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã nỗ lực khuyến khích người dân tiêm chủng. Cho đến nay đã có khoảng 61,8% trong tổng số 11 triệu dân ở Hy Lạp đã tiêm đủ liều vaccine.

AP ngày 19-11 cho biết, số ca tử vong vì COVID-19 ở Nga đạt mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp hôm 18-11, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày dường như có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn so với các đợt bùng phát dịch trước đó. Cho đến nay, cơ quan ứng phó dịch COVID-19 của Nga đã báo cáo hơn 9,2 triệu ca nhiễm và hơn 260.000 ca tử vong. Nga hiện là nước có số ca tử vong cao nhất tại Châu Âu. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng con số thực tế thậm chí còn cao hơn. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm chủng thấp và việc thực thi các biện pháp phòng ngừa của người dân còn lỏng lẻo. 

Trong khi đó, Áo ngày 18-11 ghi nhận dấu mốc buồn khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Cụ thể, Áo ghi nhận 15.145 ca mắc mới trong bối cảnh các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn. Điều này buộc chính phủ phải cân nhắc thực hiện quyết định tương tự trên toàn quốc thay vì chỉ phong tỏa tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 như hiện nay. Tới nay, mới chỉ có khoảng 66% dân số Áo được tiêm đủ liều - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người.

Tại Đức, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dữ liệu từ Viện Robert Koch (RKI) cho thấy số ca mắc mới trong 24 giờ qua tăng vọt lên mức kỷ lục 65.371 ca. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp thủ hiến của 16 bang của Đức vào cuối ngày 18-11 để quyết định các biện pháp mới nhằm khống chế sự gia tăng số ca mắc này. 

Trước sự gia tăng trở lại của số ca mắc và tử vong do COVID-19, các quốc gia tại Châu Âu đã áp dụng các biện pháp phòng dịch mới từ phong tỏa những người chưa tiêm chủng đến hạn chế các dịch vụ công cộng và tăng độ phủ vaccine.  Ở Tây Âu, khoảng 60% người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ trong khi đó, tỷ lệ này tại Đông Âu chưa đạt tới 50%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Châu Âu là nơi duy nhất ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng trên thế giới.

KHẢ ANH

Ai là người đầu tiên được biết mắc COVID-19 tại Vũ Hán?

Theo chuyên gia truy vết sự tiến hóa di truyền của virus Michael Worobey, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được biết đến cho tới nay là một phụ nữ bán hàng ở chợ hải sản Vũ Hán, không phải là nhân viên kế toán sống cách đó nhiều cây số, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 18-11.

Nhà khoa học Worobey làm việc tại Đại học Arizona (Mỹ) đã phát hiện sự khác biệt về thời điểm nhiễm bệnh của hai bệnh nhân nói trên khi phân tích thông tin công bố trên các tạp chí y khoa và các đoạn băng phỏng vấn những người được tin là mắc COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc. Theo New York Times, phát hiện này sẽ lại làm nóng cuộc tranh luận về nguồn gốc COVID-19 dù chắc chắn vẫn không thể giải quyết vấn đề này.