Châu Âu khôi phục nhiệt điện than vì Nga cắt nguồn cung khí đốt
Hành động khẩn cấp
Chính phủ Đức ngày 19-6 cho biết Quốc hội nước này sẽ thông qua luật khẩn cấp về mở cửa trở lại nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, kết hợp với bán đấu giá nguồn cung khí đốt cho khu vực sản xuất công nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm, sử dụng hiệu quả khí đốt. Động thái này cho thấy Berlin thực sự quan ngại về kịch bản thiếu hụt khí đốt trong những tháng mùa đông tới đây.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết giải pháp hành động khẩn cấp này không hề dễ chịu, nhưng bắt buộc phải làm để tiết giảm sử dụng khí đốt. Trong tuần qua, Nga đã giảm 60% lượng khí đốt cấp cho Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên thị trường, kéo theo mối lo sợ của giới chức châu Âu về việc Moscow "vũ khí hóa" mặt hàng khí đốt.
Theo ông Habeck, Đức đang hoàn tất soạn thảo một đạo luật mới, tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện chạy than từng bị đóng cửa hoạt động trở lại trong thời hạn hai năm, với tổng công suất phát điện bổ sung vào khoảng 10GW. Điều này đồng nghĩa với việc Đức tăng phụ thuộc vào nhiệt điện chạy than, khi đây là nguồn đáp ứng khoảng 33% nhu cầu tiêu thụ điện. Kế hoạch này cũng đi ngược lại chính sách của Đức về chống biến đổi khí hậu, với điểm nhấn là hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030, vì nguồn điện này phát thải carbon nhiều hơn so với sử dụng khí đốt.
Gần đây, Đức đã đặt thuê bốn tàu chở nổi và tái hóa khí (FSRU) đặc chủng chuyên về vận chuyển, xử lý khí hóa lỏng (LNG), đặt ưu tiên cho việc lấp đầy kho khí đốt dự trữ cho mùa đông. Hiện mức độ lấp đầy đạt 56% và ông Habeck muốn nâng lên 90% vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ngay cả khi nâng mức dự trữ lên 90%, lượng khí đốt này cũng chỉ đủ dùng trong khoảng từ 2-3 mùa đông nếu Nga ngắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Trong khi đó, ngày 19-5, sau cuộc họp nội các ứng phó với khủng hoảng do Thủ tướng Karl Nehammer chủ trì, chính phủ Áo cho biết sẽ làm việc Tập đoàn Verbund - doanh nghiệp cung cấp điện chủ chốt của nước này- để khôi phục nhà máy nhiệt điện than. Giới chức lo ngại trong trường hợp khẩn cấp, Áo có thể phải sản xuất điện từ than đá nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm dần.
Văn phòng Thủ tướng Nehammer cho biết Tập đoàn Verbund đã đồng ý khởi động lại nhà máy điện Mellach, ở miền nam Styria. Nhà máy Mellach là cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo, đã đóng cửa vào đầu năm 2020 khi chính phủ nước này loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. "Chính phủ liên bang và Tập đoàn năng lượng Verbund đã đồng ý tái vận hành nhà máy nhiệt điện ở Mellach, hiện đang ngừng hoạt động, để trong trường hợp khẩn cấp, nhà máy này có thể tái sản xuất điện từ than đá," văn phòng của Thủ tướng Nehammer cho biết trong một tuyên bố. Giới chức cho biết thêm rằng Chính phủ cũng đang cân nhắc các biện pháp pháp lý để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt với mục đích giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tại Hy Lạp, nhà chức trách cũng đã tăng cường hoạt động khai thác than tại khu vực gần thành phố Kozani kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố tăng sản xuất than nâu 50% để dự trữ cho đến năm 2024. Nước này cũng tạm dừng kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than. "Không chỉ có Hy Lạp, tất cả các nước châu Âu đang có những động thái nhỏ đối với các chương trình chuyển đổi năng lượng với các biện pháp ngắn hạn. Tôi nhấn mạnh rằng đây chỉ là các biện pháp ngắn hạn", ông Mitsotakis nói.
Nga cắt giảm khí đốt sang Châu Âu
Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu tiếp tục giảm khi công ty điều hành đường ống khí đốt GRTgaz của Pháp ngày 17-6 cho biết dòng khí đốt từ Đức sang Pháp đã bị gián đoạn kể từ giữa tháng này, trong khi khối lượng khí đốt vận chuyển đến Italia và Slovakia giảm đến 50%.
Theo GRTgaz, kể từ ngày 15-6 vừa qua, dòng khí đốt của Nga từ Đức sang Pháp đã tạm dừng. Tính đến đầu năm 2022, lưu lượng khí đốt qua các đường ống của Đức đến Pháp là khoảng 60 GWh/ngày, tương đương 10% công suất vận chuyển của đường ống. Cùng ngày 17-6, công ty dầu khí Eni của Italia cho biết công ty này sẽ chỉ nhận được 50% khối lượng khí đốt yêu cầu trong một ngày từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga. Theo Eni, Gazprom thông báo sẽ chỉ cung cấp 50% khối lượng khí đốt yêu cầu, qua đó giảm nguồn cung trong ngày thứ 3 liên tiếp. Công ty nhập khẩu khí đốt SPP của Slovakia cùng ngày cũng nhận được thông báo từ Gazprom rằng khối lượng khí đốt sẽ bị giảm 50%. Trước đó, ngày 14-6, Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Đức từ 167 triệu mét khối/ngày xuống 100 triệu mét khối/ngày.
Nga lý giải nguyên nhân là do quy trình sửa chữa và bảo trì các thiết bị nén khí của tuyến đường ống bị chậm trễ, do thiết bị mắc kẹt tại Canada theo lệnh trừng phạt của chính quyền nước này. Đức và các đồng minh châu Âu phản đối cách giải thích này, cho rằng Nga có nhiều tuyến đường ống thay thế, có thể dùng để chuyển khí đốt, nhưng đã từ chối làm vậy. Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck cáo buộc Nga đang tìm cách gây bất ổn thị trường, đẩy giá năng lượng leo thang. Ông cho rằng lấy lý do về "trục trặc kĩ thuật" chỉ là cớ để Nga bóp nghẹt kinh tế châu Âu.
Việc Liên minh châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga và nguy cơ Moscow có thể cắt giảm nguồn cung hơn nữa để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt, đang trở thành vấn đề đau đầu đối với các quốc gia thành viên. Nhiều quốc gia phải khẩn cấp tăng cường dự trữ và tìm kiếm nguồn cung thay thế trước mùa đông này.
AN BÌNH