Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu tiếp tục đối mặt "bão" COVID-19 mới

Thứ tư, 24/11/2021 09:41

Trong khi Đức thừa nhận đang đối mặt "bão" COVID-19 "tồi tệ chưa từng thấy", Nga vẫn tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày qua.

Mọi người xếp hàng chờ đợi để vào một quán cà phê ở Vienna, Áo hôm 21/11. Ảnh: AP

Trong bối cảnh Châu Á chứng kiến số ca nhiễm giảm mạnh, trong đó có kỳ tích Nhật Bản hay Ấn Độ, các nước Châu Âu lại đối mặt làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 22-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đợt lây nhiễm hiện tại là điều tồi tệ nhất mà nước này từng trải qua và kêu gọi thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19. Thủ tướng Angela Merkel nói với các quan chức thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo rằng, tình hình dịch bệnh tại Đức đang diễn biến rất "nghiêm trọng". Bà cũng cảnh báo các bệnh viện tại Đức sẽ sớm bị quá tải nếu làn sóng Covid-19 thứ 4 không được kiểm soát.

Trong bối cảnh số ca mắc mới không ngừng gia tăng, có nguy cơ đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội của Đức vào tình trạng phong tỏa cục bộ, hệ thống y quá tải trầm trọng, Đức đã tính đến phương án áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn tuyên bố không loại trừ khả năng Đức sẽ áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc trong tương lai. Quyết định này chưa thể đưa ra ngay lập tức, nhưng quan điểm tiêm chủng bắt buộc đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả các nhà khoa học và chính giới Đức. Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler mặc dù không hoàn toàn ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc nhưng nhấn mạnh: "Đây có thể được coi là biện pháp cuối cùng. Chúng tôi phải đảm bảo rằng ngày càng có nhiều người tiêm chủng càng tốt để tăng số người đã hoàn thành việc tiêm chủng cơ bản".

Tỷ lệ tiêm chủng tại Đức, dù đã có dấu hiệu tích cực hơn trong vài ngày qua, nhưng tính đến ngày 21-11, mới chỉ có 68% (khoảng 56,5 triệu người) trong tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại Đức là 386,5/100.000, mức cao mới trong ngày thứ 15 liên tiếp.

Không chỉ Đức, khi dịch bệnh đang quay trở lại hoành hành tại châu Âu, nhiều nước khác tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza tuyên bố người dân Italia có thể tiêm liều vaccine tăng cường sau 5 tháng kể từ khi hoàn thành chu kỳ tiêm vaccine đầu tiên. Đối tượng có thể tiêm liều thứ 3 là những người từ 40 tuổi trở lên. Trong khi đó, Italia dự kiến sẽ thắt chặt các quy định về "thẻ xanh" từ tháng 12 tới, khi tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện tiếp tục tăng.

Theo Đài Truyền hình quốc gia Rai, Thủ tướng Mario Draghi đang họp với các nhà lãnh đạo vùng để thảo luận về một nghị định mới của chính phủ về "siêu thẻ xanh", những biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Bắc Italia. Hiện tại, toàn bộ các khu vực ở Italia vẫn được xếp là "vùng trắng" có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất. Tuy nhiên, một số khu vực hiện đã gần đến ngưỡng mà họ có khả năng bị chuyển thành "vùng vàng" vào tuần tới và nếu tình hình tiếp tục xấu đi thì có nguy cơ bị áp dụng các hạn chế đối với "vùng cam" sau 2 tuần nữa.

Tại Bỉ, Thủ tướng Bỉ và 4 bộ trưởng thực hiện cách ly sau khi Thủ tướng Pháp Jean Castex có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Thông báo của chính phủ Bỉ cho biết Thủ tướng Alexander De Croo và 4 bộ trưởng nói trên sẽ xét nghiệm PCR và duy trì cách ly đến khi có kết quả âm tính trở lại. Trước đó, những quan chức này đã tham gia một cuộc họp với Thủ tướng Jean Castex và các quan chức cấp cao khác của Pháp.

Tại Pháp, hiện mới chỉ cho phép người trên 65 tuổi tiêm mũi tăng cường, mặc dù cơ quan cố vấn nước này kêu gọi việc mở rộng nhóm tuổi xuống những người trên 40 tuổi. Thủ tướng Castex, 56 tuổi, hiện chưa đủ điều kiện để được tiêm mũi vaccine tăng cường - biện pháp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng có thể giúp nước này tránh việc bị phong tỏa lần nữa. Trước đó, chính phủ Pháp cho biết làn sóng COVID-19 thứ 5 tại nước này đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng gần gấp đôi trong tuần qua.

Thậm chí tại Áo, từ tháng 2-2022, công dân nào từ chối tiêm vaccine COVID-19 sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 3.600 eur (khoảng 4.000 USD), trong bối cảnh làn sóng dịch mới đang càn quét nước này.

KHẢ ANH