Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu tìm cách giải “bài toán di cư”

Thứ năm, 10/09/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Khoảng 120.000-160.000 người di cư từ khắp các nước Trung Đông, Châu Phi sẽ được cấp quyền tị nạn “một cách đồng đều” tại một số quốc gia Châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 9-9 công bố các đề xuất mà ông cho đó chính là cách phản ứng “nhanh chóng, xác định và toàn diện nhất” đối với cuộc khủng hoảng di cư đang gây chia rẽ lục địa già.

Theo BBC, mở đầu bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, ông Juncker thừa nhận, EU “đang ở trong tình trạng không tốt” và vạch ra những ưu tiên giải quyết bài toán nan giải này. Vị chủ tịch EC cũng đồng thời cho rằng, “đây không phải là thời điểm cho sự hoảng sợ” và việc nỗ lực giải quyết khủng hoảng là “vấn đề của nhân loại và phẩm giá con người”.

Hàng ngàn người từ Châu Phi và Trung Đông vẫn vượt biển đến Châu Âu mỗi ngày. Ảnh: AP

Hạn ngạch tị nạn bắt buộc

Theo các đề xuất, khoảng 120.000-180.000 người tị nạn bổ sung sẽ được phân phối đều giữa các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU), với hạn ngạch bắt buộc. Số người tị nạn phân phối cho mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào GDP, dân số, tỷ lệ thất nghiệp và đơn xin tị nạn đã được xử lý. Quốc gia nào từ chối nhận người tị nạn có thể sẽ bị phạt tài chính. Các đề xuất này của Chủ tịch EC sẽ được thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng nội vụ EU vào ngày 14-9 tới tại Brussels, Bỉ.

Đức, quốc gia là điểm đến mơ ước của đa số người di cư, ủng hộ hạn ngạch này. Tuy nhiên, một số nước EU như Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan... phản đối hệ thống bắt buộc. Trên thực tế, cho đến nay, các quốc gia thành viên EU vẫn không đạt được đồng thuận về cơ chế phân chia hạn ngạch tiếp nhận người di cư, để giảm bớt gánh nặng cho một số quốc gia khác. Và đây được cho là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ như hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nằm giữa Châu Á và Châu Âu - hiện đang tiếp nhận khoảng 1,8 triệu người tị nạn Syria và nhiều lần cáo buộc EU không làm phần việc của mình để giúp chia sẻ gánh nặng này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan thậm chí cáo buộc các quốc gia EU đang biến Địa Trung Hải - cái nôi của nền văn minh cổ đại - thành “nghĩa trang của người di cư”.

Gần 1 triệu người sẽ tiếp tục đến Châu Âu

Một số đề xuất của EC

- Các nước thành viên EU chấp nhận cùng chia sẻ tiếp nhận thêm 120.000 người tị nạn.

- Lập hệ thống tái định cư vĩnh viễn để “đối phó với các tình huống khủng hoảng tồi tệ hơn trong tương lai”.

- Nỗ lực để tăng cường hệ thống tị nạn chung của EU

- Đánh giá lại “Hiệp ước Dublin”.

Theo ước tính của LHQ, trong năm 2015-2016, ít nhất 850.000 người dự kiến sẽ tiếp tục vượt Địa Trung Hải để đến Châu Âu. Trong năm 2015, Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) dự đoán, khoảng 400.000 người mới sẽ đến Châu Âu qua Địa Trung Hải. Năm 2016, con số này có thể lên đến 450.000 người hay nhiều hơn nữa. UNHCR kêu gọi chính sách chặt chẽ hơn để đối phó với dòng người tị nạn ngày càng tăng này.

Bất chấp hiểm nguy và chết chóc, cho đến nay, dòng người tị nạn vẫn không giảm, và thậm chí còn được tiếp thêm nhiệt với tuyên bố của Đức về việc sẽ giảm bớt các quy tắc cho người tị nạn Syria, bỏ qua “Hiệp ước Dublin”, trong đó quy định, mọi người phải xin tị nạn tại quốc gia EU đầu tiên mà họ đến. Đức cho rằng có thể tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay - mặc dù không phải tất cả sẽ hội đủ điều kiện như những người tị nạn và một số sẽ phải hồi hương.

Cao ủy LHQ về người tị nạn, Antonio Guterres, cho rằng, cách tiếp cận của EU về vấn đề hiện nay là “rất rối loạn”. “Rõ ràng, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng nếu Châu Âu giải quyết đúng, mọi việc vẫn có thể kiểm soát được. Chúng tôi đang nói về 4.000-5.000 người tị nạn mỗi ngày trong một liên minh có 508 triệu người”.

Khả Anh