Báo Công An Đà Nẵng

Châu Phi trước nguy cơ bão nợ

Thứ hai, 07/09/2020 11:30

Nếu không có sự trợ giúp khẩn cấp từ bên ngoài để vượt qua cơn bão Covid-19 và giảm bớt gánh nặng nợ nần, nhiều nền kinh tế Châu Phi có thể sụp đổ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước giàu theo những cách mà các nước này không hề chuẩn bị.

Covid-19 cùng với gánh nặng nợ nần đang đẩy nhiều nước Châu Phi đến bên bờ vực sụp đổ. Ảnh:MFAME

Gánh nặng nợ nần

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang đẩy Châu Phi đến bờ vực sụp đổ. Chính phủ các nước đang chịu áp lực phải tiếp tục giải quyết các khoản vay từ nước ngoài, khiến họ không còn nhiều nguồn lực để đối mặt với đại dịch lịch sử và sự suy thoái kinh tế. Nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài - cụ thể là việc đóng băng toàn diện các khoản nợ- nhiều nền kinh tế Châu Phi sẽ phải gồng mình trước gánh nặng nợ nần. Hiệu ứng domino có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn lục địa và gây hại cho các nước giàu.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế cho đến nay là trái chiều. Bước đáng chú ý nhất cho đến nay - Sáng kiến Đình chỉ Nợ (DSSI) của G20 dành cho các nước nghèo nhất thế giới - chỉ bao gồm các khoản nợ song phương chính thức. Nhưng 61% các khoản nợ mà các nước Châu Phi phải thanh toán trong năm nay sẽ đến tay các chủ nợ tư nhân, trái phiếu và các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới. Và, bất chấp sự đảm bảo của G20, một số quốc gia tham gia DSSI đã bị các cơ quan xếp hạng toàn cầu hạ cấp. Ngân hàng Thế giới (WB) không thể làm gì. Chủ tịch WB David Malpass gần đây kêu gọi mở rộng khoản giảm nợ và thậm chí nâng cao khả năng xóa nợ, nhưng phản đối với việc đóng băng các khoản nợ.

Các nhà địa chính trị cũng không thể thực hiện lời hứa về việc phân bổ Quyền rút vốn dự trữ đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để mở rộng thanh khoản. Sáng kiến này vấp phải sự phản đối từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn lo ngại rằng một số quỹ sẽ chảy sang các nước như Iran. Một vấn đề lớn đối với Châu Phi là hiện nay lục địa này đang có khoản nợ đáng kể đối với khu vực tư nhân.  Nhưng các chủ nợ tư nhân đã nhanh chóng từ chối các phương pháp tiếp cận chung như vậy, nhấn mạnh rằng nợ của các quốc gia Châu Phi cần được xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Điều này dẫn đến nhiều quốc gia có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ trong khi chờ đợi được xem xét.

Các nước giàu cũng bị ảnh hưởng

Cho đến đầu năm nay, nhiều nền kinh tế Châu Phi tăng trưởng mạnh mẽ. Giờ đây, nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài để vượt qua cơn bão Covid-19, các quốc gia này có thể đối mặt với sự sụp đổ kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước giàu theo những cách mà các nước này không hề chuẩn bị.

Đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ hiện tại thể hiện sự thụt lùi chính trị lớn nhất cho đến nay ở Châu Phi. Nếu ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực phối hợp trong các tổ chức mà cả Bắc Kinh và Washington đều tham gia. Và mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc đã tham gia DSSI, việc Bắc Kinh có tuân thủ hay không vẫn là điều không rõ ràng.

Trước đây, các đảng đối lập ở Châu Phi vận động chống lại sự hiện diện của Trung Quốc ở nước họ. Khó khăn kinh tế gia tăng không chỉ làm xói mòn sự ủng hộ của Châu Phi đối với Trung Quốc tại các diễn đàn như LHQ, mà các Cty và công dân Trung Quốc tại các nước này cũng trở thành mục tiêu bị kỳ thị. Mỹ đang tăng cường các hoạt động quân sự và chống khủng bố mạnh mẽ ở Châu Phi. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên lo ngại trước thực trạng IS gần đây đã nắm quyền kiểm soát một cảng ở Mozambique. Châu Âu đang phải đối phó với vụ bê bối chính quyền Hy Lạp bỏ rơi người di cư Châu Phi, để họ chết trên biển. Nếu các nền kinh tế Châu Phi sụp đổ, Châu Âu sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có, kéo dài hơn cả cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Chi phí để giúp Châu Phi vượt qua cơn bão nợ lần này là rất nhỏ, trong khi cái giá phải trả nếu các nước này vỡ nợ là ngoài sức tưởng tượng. Nhiều quốc gia EU đã tham gia DSSI và họ có thể ủng hộ việc gia hạn nợ cho Châu Phi khi G20 và Câu lạc bộ các chủ nợ gặp nhau vào cuối năm nay. Tất cả các đối tác tài chính của Châu Phi, bao gồm các tổ chức đa phương, các chủ nợ tư nhân và chính phủ các nước giàu, phải cùng với các bên liên quan khác của Châu Phi tìm ra một giải pháp rộng rãi và nhanh chóng hơn.

AN BÌNH