Báo Công An Đà Nẵng

Châu Phi vẫn đau đầu với bài toán vaccine COVID-19

Thứ năm, 16/12/2021 19:12

Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan "như cháy rừng", mối lo đặt ra là hơn 80% trong tổng số 1,2 tỷ người ở châu Phi vẫn chưa tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 và mới chỉ có 8% tiêm đủ liều vaccine.

Người dân Tunisia chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: THX

Trong nhiều tháng, thách thức lớn nhất của chiến dịch tiêm vaccine cho người châu Phi là nguồn cung: Một lục địa với khoảng 1,4 tỷ người chỉ mới nhận được 404 triệu liều. Nhưng khi nguồn cung vaccine bắt đầu tràn sang lục địa này và ổn định hơn, thì những trở ngại mới hiện rõ hơn. Tỷ lệ tiêm chủng tại châu lục này vẫn thấp do sự chần chừ của người dân, hạn sử dụng ngắn và các vấn đề liên quan đến hậu cần. Tiến sĩ Richard Mihigo, điều phối viên chương trình tiêm chủng và phát triển vaccine tại Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nêu lên thực trạng mà ông cho là nguy hiểm và chưa thể giải quyết được đó là hàng triệu người dân ở châu lục này vẫn chưa được bảo vệ trước COVID-19.

Như trường hợp tại Eritrea. Cho đến nay, nước này vẫn chưa thể triển khai chiến dịch tiêm vaccine. Còn tại Zambia, người dân hầu hết do dự, trong khi số khác lại rất thờ ơ với vaccine bởi Zambia là một đất nước nghèo, nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch nên hầu hết người dân chỉ tập trung vào việc kiếm tiền.

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu lục, với 206 triệu người. Đến nay, mới chỉ có 2% dân số Nigeria đã tiêm chủng đầy đủ, kém xa mục tiêu mà WHO đặt ra là 40% vào cuối năm nay. Trong khi đó, nhà chức trách lại đang tiêu hủy hơn 1 triệu liều vaccine mà họ nhận được từ châu Âu bởi số vaccine này đã hết hạn ngay trước khi được đưa vào sử dụng. Hồi đầu năm, Nam Sudan đã phải tặng lại một số vaccine do không thể triển khai tiêm chủng trước khi số vaccine này hết hạn. Trong 2 tháng qua, có ít nhất 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đã hết hạn sử dụng ở Senegal mà không được sử dụng và 200.000 liều vaccine khác dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 này vì nhu cầu sử dụng quá chậm.

Do đó, giới chuyên gia đề nghị các nước không quyên góp, ủng hộ vaccine sắp hết hạn để các nước tiếp nhận có đủ thời gian lập kế hoạch và triển khai tiêm chủng. Bên cạnh đó, WHO cũng nêu quan ngại việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm trễ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti và Chad. Mặc dù Cộng hòa Dân chủ Congo nhận được khoảng 4 triệu liều vaccine nhưng mới chỉ có 0,16%, tương đương 143.360 trong tổng số 89,6 triệu người dân nước này tiêm 1 mũi vacicne và 0,06%, tương đương với 53.760 người tiêm 2  mũi vaccine. Không chỉ triển khai tiêm chủng chậm trễ, quốc gia Trung Phi này còn đối mặt với tâm lý do dự của người dân do thông tin giả vaccine như người tiêm vaccine sẽ chết trong vòng 2 năm, vaccine là âm mưu của phương Tây nhằm giết hại người châu Phi rồi cướp đất đai, hay là tỷ phủ Bill Gates đang thực hiện chiến dịch giảm dân số thế giới...

Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, các nước châu Phi, trong đó có Kenya, đã áp đặt các quy định bắt buộc liên quan đến vacicne. Tại Kenya, Bộ trưởng Y tế Mutahi Kagwe cho biết từ ngày 21-12, những người chưa được tiêm chủng sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, cũng như không được phép đến một số địa điểm công cộng và tòa nhà. Những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không được đi tàu, hay đi ra nước ngoài, cũng như vào các công viên quốc gia, khách sạn, quán bar và nhà hàng.

Các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ từ 50 người trở lên mỗi ngày, sẽ phải treo biển thông báo cho khách hàng biết về quy định trình chứng nhận tiêm vaccine trước khi vào các cơ sở này. Kể từ khi Chính phủ Kenya thông báo quy định trên vào ngày 22-11, lượng người dân tiêm chủng cũng đã tăng từ 60.000 lên 100.000 mỗi ngày. Theo giới chuyên gia, việc các nước ban hành quy định về tiêm vaccine bắt buộc có thể giải quyết vấn đề do dự của người dân, nhưng những thách thức liên quan đến vấn đề phân phối, thiếu nguồn cung vaccine vẫn sẽ là những trở ngại lớn trong việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine tại "lục địa đen".

Tất cả những thách thức đẩy châu Phi đối mặt 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, tốc độ tiêm chủng quá chậm sẽ khó có thể ngăn chặn làn sóng tử vong tăng cao trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 vốn đã bắt đầu xuất hiện châu lục này cũng như ngăn chặn biến chủng mới xuất hiện. Thứ hai, việc kéo dài chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đang lấy đi nguồn lực y tế quý giá mà họ đã rất vất vả để có thể huy động và cuối cùng dẫn đến những hậu quả tai hại cho cuộc chiến chống lại các vấn đề sức khỏe khác.

KHẢ ANH