Báo Công An Đà Nẵng

Chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ sáu, 13/10/2017 09:43

Mọi con mắt đang đổ dồn vào Nhà Trắng, khi mà trong tuần này, Mỹ sẽ phải xác nhận Iran  tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, vốn bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích là “một trong những văn kiện tồi tệ nhất từng có”.

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 12-10 (giờ Mỹ), nêu bật đường lối cứng rắn hơn đối với Iran. Ông chủ Nhà Trắng dự định sẽ nói rằng, ông không còn công nhận thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - hay còn gọi là JCPOA  - cũng như việc phải xác nhận định kỳ 3 tháng rằng, Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận.

Một tên lửa tầm xa mới của Iran được phô diễn trong một cuộc diễu hành quân sự ở Tehran hồi tháng 9. Ảnh: CNN

Quyết định “xấu xí” từ Nhà Trắng?

Tổng thống Trump sẽ phải thông báo cho Quốc hội trước ngày 15-10 về việc liệu ông có tin tưởng Iran tuân thủ đầy đủ các quy định được nêu trong thỏa thuận hay không, và liệu thỏa thuận có phù hợp với các lợi ích của Mỹ hay không.

Vì vậy, mọi con mắt đang đổ dồn vào Nhà Trắng. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, ông Trump sẽ tuyên bố, Tehran đang không thực hiện đúng cam kết thỏa thuận - một quan điểm 5 cường quốc khác trên thế giới vốn tham gia vào các cuộc đàm phán với Iran phản đối. Nếu ông Trump quyết định xé bỏ thỏa thuận này, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày xem xét đưa ra quyết định liệu có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cụ thể với Tehran vốn đã được dỡ bỏ khi ký thỏa thuận.

Trước nguy cơ Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, những người ban đầu phản đối thỏa thuận, đang đề nghị Tổng thống Trump không rút khỏi thỏa thuận, và nhấn mạnh, thực thi thỏa thuận là con đường tốt nhất. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cho rằng, thỏa thuận hạt nhân cần được thực thi nghiêm túc, và Nhà Trắng cần hợp tác với các đồng minh trong vấn đề này. Mặc dù thừa nhận thỏa thuận còn nhiều điểm thiếu sót, nhưng ông Royce kêu gọi Washington không đặt dấu chấm hết thỏa thuận này.

Một quan chức ngoại giao Châu Âu cho rằng, quyết định xé bỏ thỏa thuận của ông Trump, xét về mức độ pháp lý, “thỏa thuận sẽ không chết”, nhưng về mặt chính trị thì nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.

Châu Âu “vắt chân lên cổ”

Những bình luận của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran đã củng cố nhận thức về chính quyền Mỹ hiện nay, về một nhà lãnh đạo khó đoán định và thường “phớt lờ” các ý kiến của các nước Châu Âu, vốn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Cả Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng phiên họp Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 để cố gắng thay đổi tư tưởng của nhà lãnh đạo Mỹ về Iran – nhưng hầu như  không có hiệu quả. Và sau nhiều tháng vận động Tổng thống Trump không thành công, các nước Châu Âu đang chạy đua  họp bàn đằng sau hậu trường để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này.

Không thể thuyết phục Nhà Trắng, các nhà ngoại giao Châu Âu đang tập trung sức lực vào Đồi Capitol - Quốc hội Mỹ - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Các nước lo ngại, việc Tổng thống Mỹ xé bỏ thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Iran có thể tiếp tục chương trình hạt nhân và từ chối cho phép các thanh sát viên tiếp cận cơ sở của họ. Điều này được cho sẽ là “thảm họa” cho Trung Đông bởi nó sẽ gia tăng bất ổn cho khu vực và gây lo lắng cho các nước trong khu vực.

Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù thỏa thuận không hoàn hảo, nhưng vẫn có những điểm tích cực như áp đặt sự kiềm chế đối với Iran. Vì vậy, nếu “ra đi”, Mỹ sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn nữa bởi Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt nhân không chỉ từ Triều Tiên mà còn từ Iran.

KHẢ ANH