Báo Công An Đà Nẵng

Cháy nổ -S.O.S! (l Kỳ 2: Thấp thỏm với chợ, nơm nớp phố kinh doanh)

Thứ tư, 11/04/2018 16:20

Khi được hỏi về khả năng chữa cháy khi có sự cố hỏa hoạn, rất nhiều tiểu thương, thậm chí là các tổ quản lý chợ cấp quận của Đà Nẵng đều thừa nhận là... “may nhờ rủi chịu”. Trong khi đó, theo lực lượng CSPCCC thì không chỉ ở chợ, chung cư, nhà ở xã hội mà mối lo ngại rất lớn về hậu quả cháy nổ nằm ở các khu phố kinh doanh có chức năng “2 trong 1” là vừa ở, vừa tận dụng buôn bán.

Cảnh trêu ngươi “bà hỏa” ở chợ Mai, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng.

Chợ - nước xa, lửa gần

Trong khi tạm yên tâm với hệ thống các chợ cấp thành phố thì Đà Nẵng vẫn đang tiềm ẩn mối lo cháy nổ đối với các chợ cấp quận, đặc biệt là những chợ đã hình thành lâu đời, hoạt động trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Dù có chủ trương di dời từ lâu nhưng cho đến nay chợ Mai (chợ Thọ Quang, Q. Sơn Trà) vẫn chưa thể thực hiện được do vướng phải công tác giải tỏa một số hộ dân. Đây là một trong những chợ đặc biệt vì gần như không có hành lang giữa nhà dân và khu kinh doanh của các hộ tiểu thương, lối đi giữa các quầy hàng chỉ tính bằng gang tay, hệ thống điện đã “lão hóa” chằng chịt như mạng nhện. Phía trên các quầy hàng, nhiều tiểu thương tranh thủ khoảng không để chất lên nhiều vật liệu dễ cháy như thùng cạc-tông, thùng xốp, giỏ hoa, đồ đạc hư hỏng. Bước vào khu vực bán đồ ăn như bún, mỳ, làm bánh xèo…, phía dưới thì hệ thống bếp gas thường xuyên bật tanh tách còn phía trên đầu bóng đèn sợi đốt, quạt điện cũ kỹ được tháo lớp bảo vệ chạy rè rè lắc lư chực như có thể rơi khỏi tường bất cứ lúc nào. Tại một số khu vực, một ổ cắm điện đã đen sì, chảy nhựa phải chịu tải cho vài ba thiết bị cắm chung để lấy điện phục vụ kinh doanh.

 Lực lượng CSPCCC rất khó khăn khi tiếp cận cứu hỏa tại các nhà liền kề mặt phố vừa ở vừa kinh doanh.

Chủ quầy bán mỳ quảng M.N cho biết, trước đây hầu hết các hộ kinh doanh đều câu nhờ điện từ các hộ dân cạnh chợ để phục vụ cho việc nấu nướng, thắp sáng, chạy quạt. Mới đây, Ban quản lý chợ đã yêu cầu từng hộ kinh doanh phải làm hợp đồng riêng với điện lực. Tuy vậy, hệ thống đường dây, phương tiện hầu hết cũng đã quá đát, nhiều người thấy còn dùng được thì cứ dùng, ngại thay đổi vì sửa chữa vừa rất khó khăn, vừa ảnh hưởng đến việc buôn bán. Hỏi về các “kho đựng đồ” ngay trên đầu, chị này cho biết: “Không có diện tích nên nhiều người tận dụng tống đồ lên đó để khi nào cần thì có sử dụng.  Từ một vài hộ, bây giờ rất nhiều quầy tự làm giá treo lủng lẳng để cất đồ ngay trên đầu. Chật chội quá, chẳng còn cách nào”. Nguy cơ chực chờ nhưng chợ Mai không hề được trang bị hệ thống bơm nước chữa cháy, không có nguồn nước cung cấp trong trường hợp xảy ra sự cố. “Anh em quản lý chợ chỉ có 2 người, làm tất cả mọi việc, mình tìm mọi cách tuyên truyền vận động nhân dân tự ý thức. Do phước trời thôi, chứ nếu mà cháy thì rất căng, rất là vướng” - ông Nguyễn Dũng Tiến – Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Mai tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tấn Thành - Trưởng ban Quản lý các chợ Q. Sơn Trà cho biết, dù công tác tuyên truyền PCCC đã được triển khai thường xuyên nhưng việc chưa xảy ra cháy nổ trong thời gian qua đúng là chỉ có nhờ... may mắn. Trên địa bàn quận, ngoài chợ Mai thì các chợ An Hải Bắc, chợ Hà Thân đều là những nơi tiềm ẩn nguy cơ. Đi kèm với việc cơ sở vật chất xuống cấp thì hầu hết các chợ cũ đều không được lắp đặt trang thiết bị PCCC. Ngoài Sơn Trà, rất nhiều chợ cấp quận tại Thanh Khê, Liên Chiểu và cả Hải Châu cũng luôn trong tình trạng nơm nớp “may nhờ rủi chịu” vì tình trạng chật chội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng thiếu thốn nghiêm trọng phương tiện và con người.

CSPCCC Đà Nẵng triển khai phương tiện khống chế vụ cháy tại một ngôi nhà vừa ở vừa kinh doanh trên đường Lý Thái Tổ. 

Nhà “2 trong 1”, cháy là... bí

Theo lực lượng CSPCCC, không chỉ đến khi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại chung cư Carina ở TPHCM, mối nguy hiểm này mới được quan tâm mà từ lâu nay, đây luôn là sự quan tâm hàng đầu của lực lượng. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng như các thành phố lớn còn một mối lo tiềm ẩn khác, chính là các dãy phố kinh doanh với công năng “2 trong 1” của các ngôi nhà mặt tiền nằm liền kề nhau. Với những vị trí “tấc đất tấc vàng”, rất nhiều gia đình xây nhà nhưng chỉ ở những tầng trên cùng, còn tầng trệt chủ yếu dành để cho thuê hoặc kinh doanh. Vì kinh doanh nên hệ thống cửa, hàng rào được bảo vệ rất kín, cả các vị trí liền kề với nhà bên cạnh cũng được bịt kín. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ ở tầng trệt thì các tầng phía trên rất khó phát hiện, khi phát hiện thì lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà cũng đã bị vây. Rất nhiều vụ cháy ở các thành phố lớn, không chỉ chủ nhà gặp nạn mà những ngôi nhà bên cạnh cũng bị vạ lây vì rất khó khăn để chống cháy lan.

Theo Đại tá Nguyễn Huy Phong - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, CSPCCC TP Đà Nẵng, hầu hết các ngôi nhà mặt tiền ở phố kinh doanh đều được thiết kế theo kiểu dùng tầng trệt để kinh doanh với rất nhiều mặt hàng, hệ thống khóa, cửa, hàng rào bảo vệ không theo một quy chuẩn nào và trở thành trở ngại nếu không may có sự cố cháy nổ. “Đấy mới là cái chết! Ngủ ở trên mà cháy ở dưới thì làm sao có đường chạy xuống, người ta thoát hiểm là nhờ hệ thống cảnh báo, chứ đến khi thấy nóng và thấy khói thì muộn rồi. Không xuống được chứ đừng nói chạy, muốn thoát ra các nhà liền kề cũng khó vì rào quá kỹ. Cho nên, rất cần một quy chuẩn về xây dựng ở những khu phố kinh doanh, mà nhà nào cho thuê cũng phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động. Từ nhiều vụ việc cháy lan ở các con phố kinh doanh, chúng tôi rất lo lắng” - Đại tá Phong nói.

Cùng chung mối lo này, ông Huỳnh Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà lấy bài học từ vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke kinh hoàng ở Hà Nội vào năm 2016 khi nói về phố karaoke, khách sạn trên địa bàn quận. Theo ông Hùng, trong số 28 cơ sở kinh doanh karaoke trên các tuyến phố du lịch thì có hơn một nửa thuộc diện đa năng, vừa ở, vừa hát kèm ăn uống, thương mại, thậm chí cả phòng lưu trú. Trong đợt rà soát mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều cơ sở chưa lập hồ sơ thẩm duyệt về PCCC, không có lối thoát nạn, chưa tập huấn nghiệp vụ. 8 cơ sở vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC đã bị đình chỉ hoạt động. “Không chỉ là nơi tiềm ẩn về tệ nạn xã hội, các cơ sở kinh doanh karaoke thực sự là nơi cảnh báo về nguy cơ cháy nổ. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường, không chỉ tại nơi bắt nguồn mà là cả tuyến phố” - ông Hùng cho hay.

(còn nữa)

C.Hạnh - C.Khanh