Báo Công An Đà Nẵng

Cháy, tai nạn do chập điện mùa nắng nóng: S.O.S!

Thứ sáu, 12/06/2015 11:34

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn một nửa số vụ cháy, tai nạn điện xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chập điện. Thiệt hại từ các vụ cháy, tai nạn điện gây ra, đặc biệt là trong mùa nắng nóng như hiện nay đa số mọi người đều hiểu được, tuy nhiên, để đề phòng, nhất là tránh các nguyên nhân từ việc sử dụng điện chưa chắc nhiều người đã quan tâm... Nhiều vụ cháy khác xảy ra trên địa bàn thành phố gây thiệt hại nặng nề về tài sản, mà nguyên nhân được xác định xuất phát từ việc thiếu cẩn trọng, chủ quan trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.

Mới đây nhất, ngày 20-5, tại khu vực tổ 19, P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) xảy ra vụ tai nạn điện khiến một người chết và hàng chục hộ dân thiệt hại nặng nề về tài sản. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong lúc các nhân viên của một nhà mạng bắt dây cáp qua lưới điện thì bất ngờ vướng vào dây cao thế 110kV ở phía trên gây phóng điện. Vụ việc khiến 60 hộ dân gần đó bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Đặc biệt, anh Bùi Phúc Hiệp (1990, trú P.Hòa Khánh Bắc) tử vong trong khi đang sạc pin máy tính bảng tại một địa điểm gần đó...

Theo thống kê hàng năm, số vụ cháy, nổ xảy ra tại các hộ gia đình chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng điện. Hầu hết các hộ gia đình sử dụng nhiều các thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn như: Máy điều hòa nhiệt độ, Bình nóng lạnh, các loại bếp điện..., mà quên rằng trước đây khi lắp đặt hệ thống điện không được tính đến, hơn nữa ý thức và kiến thức an toàn PCCC trong sử dụng điện của đa số người dân còn rất lơ là, thiếu hiểu biết. Vì vậy, để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện gây ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mọi người, theo lãnh đạo Sở CSPCCC thành phố Đà Nẵng, người dân cần quan tâm hơn nữa trong việc sử dụng các thiết bị điện, thường xuyên cập nhật kiến thức về PCCC... để chủ động hơn trong phòng tránh các vụ cháy từ điện xảy ra. 

Hiện trường vụ cháy kho sơn do chập điện. Ảnh: C.KHANH

Ông Ngô Công Thành, Trưởng ban An toàn - Tổng Công ty Điện lực miền Trung (TCT ĐLMT) cho biết, năm 2014 trên lưới điện do TCT ĐLMT xảy ra 4 vụ tai nạn điện trong nhân dân và trong 5 tháng đầu năm 2015 xảy ra 4 vụ tai nạn điện trong nhân dân, chủ yếu là do lỗi từ người dân. Không có vụ nào do mất an toàn lưới điện.

Theo ông Thành, một số hành vi chủ yếu dẫn đến tai nạn điện như: trẻ em thả diều vướng vào đường dây cao áp, trèo bắt chim làm tổ trên đầu cột điện dẫn đến phóng điện; các đơn vị thi công kéo sắt xây dựng công trình để cây sắt va quệt vào đường dây gây tai nạn và đơn vị treo cáp viễn thông trên cột điện không có biện pháp an toàn, không có người có nghiệp vụ về giám sát an toàn điện và không đăng ký công tác với đơn vị quản lý vận hành của ngành điện...

Để phòng tránh, ông Thành khuyến cáo: Người dân sống gần hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cáo áp phải chấp hành nghiêm quy định. Cần đặc biệt chú ý không tự ý xây dựng, lắp đặt các thiết bị gần đường dây cao áp gây mất an toàn hoặc trèo lên cột điện mà ngành điện đã treo biển cấm hoặc cảnh báo nguy hiểm...

D.Hùng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành công điện chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với đợt nắng nóng kéo dài. Theo đó, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức theo dõi, cập nhật liên tục tình hình nắng nóng, khô hạn để chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, khô hạn và thiếu nước gây ra phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là trong phòng chống cháy rừng, cháy nổ, sử dụng tiết kiệm điện, nước.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn diễn ra bình thường. Tăng cường kiểm tra, đánh giá và quản lý nguồn nước hiện có trong hệ thống công trình thủy lợi, ao đầm,... để điều phối hợp lý, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều tiết các hồ chứa thủy lợi; tổ chức nạo vét kênh mương, ao, hồ, đắp đập tạm ngăn mặn,... để tạo thêm nguồn nước, đồng thời rà soát, điều chỉnh hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo khả năng nguồn nước cung cấp.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT theo dõi công tác phòng cháy và chữa cháy rừng; thực hiện phương án chống hạn, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn; trường hợp cần thiết báo cáo Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương xử lý. Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các ngành, địa phương ứng phó kịp thời với các tình huống cháy nổ, sự cố do nắng nóng gây ra.

Hạnh Nhân