Chênh chao một Giấc mơ bay
Trong quán cà-phê sáng không đông người, anh đưa tặng tôi tập thơ. Tôi nửa đùa, nửa thật: "Siêu mỏng và nhẹ thế này, mình đọc chút là xong". Nguyên Hào mỉm cười: "Thì anh cứ đọc đi".
Quả thật, tôi không mất nhiều thời gian để đọc 45 bài thơ trong Giấc mơ bay. Vì một lẽ, thơ của Nguyên Hào quá ngắn: ngắn về số câu và ngắn về âm tiết. Nhưng đọc xong không có nghĩa là đã cảm, đã hiểu hết. Nghĩ lại câu nói của Nguyên Hào anh cứ đọc đi, ừ đọc đi mà suy tư, chiêm nghiệm. Cái giấc mơ ấy ma mị người ta bởi lắng sâu bao ẩn ý.
45 bài thơ là lời độc thoại, vọng âm nhưng thực chất là lời đối thoại với đời, với cõi người.
"Mẹ trở dạ lúc chiều trở gió/ Tôi quẫy vào cơn đau mẹ nén từng hồi/ Sinh ra trên chiếc thuyền nan/ Cuống rốn tôi được sát trùng bằng nước biển/ Tấm lưới cha đan hứng tiếng khóc/ sự giao hòa đầu tiên của sinh linh/ với biển mặn mòi" (Ký ức biển). Quẫy vào cơn đau, quẫy vào ký ức, nghe mặn rát vết thương sinh nở. Những vần thơ khắc khoải nỗi suy tư. Mẹ trở dạ, cha hứng tiếng khóc, nước biển sát trùng… Cứ thế, Trần Nguyên Hào đan víu các con chữ vào nhau gợi lên cái quy luật tự nhiên về sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Cuống rốn được sát trùng bằng nước biển hay con người sinh ra là phải đối mặt với muôn trùng sóng gió, vị mặn chát của cõi đời. Đó cũng là khát vọng sống hài hòa với thiên nhiên đất trời. Bên người mẹ thiên nhiên, vết thương được xoa dịu, con người cứ thế lớn lên trên hành trình làm người.
Thơ Nguyên Hào là sự suy tư đa chiều về cuộc đời: về niềm tin, giấc mơ, về gia đình, về tình yêu, lẽ sống… Anh tiết kiệm đến từng dấu chấm, dấu phẩy; anh cân đong đo đếm để nhả từng chữ, từng lời. Thơ của Trần Nguyên Hào ngắn gọn, nén ghém đến cô đọng, lắng sâu. Không dễ dãi, không buông lơi, chàng trai ấy quay lưng lại, khước từ lối làm thơ khoe sự giàu có về câu chữ. Cái lối làm thơ quý hồ tinh bất quý hồ đa đó luôn kén chọn và làm khó người đọc. Nhưng khi đã vỡ lẽ thì cảm thấy hấp dẫn, khoái cảm.
Tôi gặp Nguyên Hào vài lần ngoài đời. Đôi mắt sáng và hơi lém. Lối nói chuyện chậm rãi và hay trầm tư. Thơ là người. Đọc thơ Nguyên Hào là mường tượng ra dáng dấp chân dung của anh. Nguyên Hào nghĩ và viết, chứ không phải tự gồng mình để làm ra vẻ khi nào cũng triết lý kiểu cụ non. Không phải ngẫu nhiên mở đầu Giấc mơ bay, anh thả ngay bài thơ Phận chữ: "Từng con chữ nối nhau/lầm lũi trong chuyến di cư vô hướng/trước thời khắc chịu ngòi bút/xuyên treo/ Từng con chữ phôi thai/ đa hình hài, tên gọi/ từ cách ai đó ghép các bộ phận của chúng/ để tụng ca chính họ/hay hạ danh một vài người/ Nhân loại nghìn vạn năm sau/ Ai người khai sáng hồn chữ?". Phận chữ là số phận, thân phận, bổn phận của chữ. Suy tư, chiêm nghiệm về phận chữ…nghe buồn da diết. Ai tạo nên phận chữ. Trần Nguyên Hào gọi bâng quơ ai đó… Chữ bao giờ cũng đi với nghĩa. Mà nghĩa thì do người sử dụng chữ để gọi tên, mà gợi ra. Suy tư về phận chữ xét cho cùng là sự suy tư về lao động nghệ thuật của một người nghệ sỹ. Biết thao thức, ngẫm nghĩ để thổi hồn vía vào câu chữ nghĩa là biết ý thức nghiêm túc về cái tâm của một người cầm bút. Tụng ca - hạ danh… ngẫm mà đắng cay! Chữ trong tay kẻ viết… Mà kẻ viết thì dọc ngang giữa phiên chợ. Thương cho phận chữ… Anh nén tiếng thở dài chua chát để từ phận chữ mà gợi lên những vấn đề nhân sinh muôn thuở.
Đặt tên cho tập thơ là Giấc mơ bay, song chàng trai ấy không bay trên đôi cánh ảo giác. Trần Nguyên Hào níu giữ và để giấc mơ ấy bay lên từ hiện thực cuộc sống. Vì thế, không ít vần thơ cứ vọng âm trong thế giới hoài niệm: Ký ức biển; Đồng vọng; Hồi âm biển; Thơm dấu hình hài; Ảo ảnh… Đó là những hồi ức đẹp, những xốn xang rung cảm về gia đình, về thầy cô, quê hương xứ sở. Dù vẫn trung thành với lối thơ suy tư, song những vần thơ anh viết về nỗi nhớ vẫn cứ ngọt ngào, đằm thắm: Một thời bắt ốc mò cua/ Một thời mê mẩn bóng trưa cánh diều/ Nhận từ gốc rạ vách xiêu/ Nợ quê biết trả bao nhiêu cho tầy (Nợ quê); Chưa kịp viết về cha/ Giờ còn mẹ/ Rạng rỡ vui khi con cháu ùa về/ Giấu niềm đau vào mắt/ Sớt chia nỗi buồn cùng cha/ qua di ảnh/ Mẹ/ tựa vào năng lương yêu thương…(Mẹ)…
Giữa không gian giăng mắc lưới thơ, trên cánh đồng thơ nở rộ, lời thơ, tứ thơ của Nguyên Hào vẫn có âm sắc không trộn lẫn. Tôi thích sự dấn thân và thử nghiệm của anh khi bước vào cuộc chơi thượng thặng này. Nguyên Hào viết những điều mình ngẫm, mình trải nghiệm, có cả niềm vui sướng hân hoan và nỗi đau hoang hoải. Dĩ nhiên thơ là tiếng lòng. Có điều, trong Giấc mơ bay, thế giới tâm cảm thẳm sâu của chàng thơ lại được khai phóng một cách sáng tạo. Nghĩa là Trần Nguyên Hào đã rất táo bạo khi liên tục thay đổi thực đơn cho giác quan. Từ cách đặt nhan đề cho đến kiểu lập ngôn, cộng hưởng âm từ; lối cấu trúc vắt dòng, kết mở. Tôi ấn tượng khi lật mở và dừng lại ở các tiêu đề bài thơ: Tương tác 4.0; Tưởng thưởng; Đối bóng; Nhận diện; Trước mơ bay; Tôi và tôi; Thơm dấu hình hài… Nối dài những ưu tư khi đối diện khối vuông rubic cuộc đời, tứ thơ của Nguyên Hào không bao giờ là kiếp chữ nằm yên trên trang giấy. Hồn chữ xoáy vào hồn người, để giữa cõi thinh không, ta chợt ngộ ra Đời xoay ta nhuốm khóc cười/ 1 xanh hy vọng lấp 10 khổ đau/ Em xoay tình/ hướng độc màu/ lọc 2 tim đỏ/ trao nhau trắng ngà/ Bao lần ngồi tự xoay ta/ Thân buông…/ dần hết xót xa phận người (Rubik).
Là giảng viên Đại học Hà Tĩnh, sau những buổi lên lớp, thầy giáo Trần Nguyên Hào lại hạnh ngộ với thơ và thi thoảng còn viết nhạc. Phải chăng chính sự mô phạm của nghề giáo ít nhiều vọng âm vào trong thơ để cho Giấc mơ bay trầm ngâm nỗi suy tư sâu sắc trong bình yên khoảng lặng. Và chính tố chất âm nhạc trong anh làm nên một khoảng trời hoa bay bên cạnh những vần thơ giàu chất triết lý. Chính nốt thăng - trầm; lý trí - xúc cảm… làm nên 2 hai thế giới trí tuệ trầm âm và siêu xúc cảm bay bổng thanh thoát trong Giấc mơ bay. Thơ Trần Nguyên Hào ở lại lòng người có lẽ cũng vì cớ ấy.
Đọc Giấc mơ bay dễ khiến lòng người lắng đọng; sống chậm lại; nghĩ nhiều hơn; không cho phép mình buông lơi, dễ dãi, hời hợt trước lập phương cuộc đời. Âu đó cũng là niềm vui tao nhã của người làm thơ như anh.
Đi đến bài thơ cuối cùng, tôi vẫn không thôi đồng vọng, để cùng Trần Nguyên Hào mãi theo đuổi một giấc mơ bay. Mà thôi, giữa trầm luân cõi hồng trần, cứ để người thơ ấy vút cao/ thỏa chí/ giấc mơ chạm chân trời không lưới giăng.
Trần Văn Toản