Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thủy điện cố tình chây ì
(Cadn.com.vn) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ có tác dụng lớn góp phần giành lại sự sống cho vùng sinh cảnh vốn đã bị các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện thu hẹp ở miền núi. Thế nhưng đến nay nhiều đơn vị có trách nhiệm “trả nợ” cho rừng vẫn cố tình chậm chi trả.
Chính sách thiết thực
Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam cho biết, dù địa hình và thời tiết miền núi Quảng Nam khắc nghiệt nhưng công tác giao khoán rừng với tổng diện tích 181.172ha cho 15.900 hộ dân thuộc 871 nhóm hộ ở 7 lưu vực trên địa bàn 9 huyện được triển khai đúng kế hoạch. Cạnh đó, thông qua dự án ADB tài trợ, tại lưu vực Sông Bung đã giao khoán đến nhóm hộ với tổng diện tích 22.213ha. Nơi được chi trả cao nhất là 312.000 đồng/ha, nơi thấp nhất 60.000 đồng/ha.
Ngoài giao khoán theo DVMTR, các chủ rừng còn được nhận diện tích lồng ghép Chương trình 30a, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, dự án CarBi... Năm 2013, tổng diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện được chi trả tiền nhận khoán để bảo vệ rừng là 203.385ha. Trong đó, diện tích được chi trả từ nguồn tiền DVMTR là 176.278ha, diện tích được chi trả từ nguồn của các dự án khác là 27.107ha.
Việc giao khoán rừng lâu dài cho các hộ dân bảo vệ với nguồn tài chính đảm bảo, phần nào giúp cho người dân tham gia giữ rừng có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, làm thay đổi nhận thức giữ rừng. Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, chính sách chi trả DVMTR góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giữ rừng bền vững vừa ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.
Chi trả DVMTR đúng hạn giúp người dân yên tâm giữ gìn, phát triển rừng. Trong ảnh: Chính quyền phổ biến công tác bảo vệ rừng cho người dân H. Đông Giang, Quảng Nam. |
Các thủy điện cố tình chây ì
Hiệu quả của chính sách trên là vậy, tuy nhiên ông Huỳnh Đức cũng cho biết, hiện nay có đến 7 nhà máy thủy điện và nước sạch tại Quảng Nam cố tình chây ì trong việc lập biên bản kê khai nộp tiền, nộp chậm hoặc không nộp tiền chi trả DVMTR hơn 10 tỷ đồng.
Cụ thể, Cty CP Thủy điện A Vương (Thủy điện A Vương) nợ 7,4 tỷ đồng; Cty CP Thủy điện Sông Vàng (Thủy điện An Điềm II) nợ 1,7 tỷ đồng; Cty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (Thủy điện Sông Côn 2) nợ 983 triệu đồng; Cty CP Tư vấn xây dựng điện số 1 (Thủy điện Sông Bung 5) nợ 871,1 triệu đồng; Cty CP Xây dựng 699 (Thủy điện Trà Linh 3) nợ 188,1 triệu đồng; Cty CP Cấp thoát nước Quảng Nam nợ 168,9 triệu đồng và Cty CP Cơ khí áp lực Mạnh Nam (Thủy điện Tà Vi) nợ 93,3 triệu đồng.
Do vậy trong năm 2013 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thủy điện, nước sạch trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền chi trả dịch vụ rừng, thế nhưng đến nay nhiều đơn vị vẫn cố tình không chịu chấp hành.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT Quảng Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chỉ đạo giải quyết một số nội dung như: Các đơn vị vẫn cố tình chậm nộp hoặc không nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR thì UBND tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện chế tài thu hồi giấy phép đầu tư, đồng thời có văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thu mua điện của những đơn vị không chấp hành việc nộp tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị sớm xây dựng và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định, chế tài xử lý vi phạm đối với các đơn vị không nộp hoặc chậm nộp tiền DVMTR để địa phương có cơ sở triển khai.
Hy vọng với những biện pháp “căng cơ trên”, nguồn kinh phí từ DVMTR sẽ được các đơn vị liên quan giải ngân đúng thời hạn nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhất.
Bão Bình