Báo Công An Đà Nẵng

Chìa khóa cho Thái Lan

Thứ hai, 31/03/2014 12:15

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn bế tắc khi Tòa án Hiến pháp quyết định hủy kết quả bầu cử hôm 2-2, theo đó tiếp tục trì hoãn việc thành lập chính phủ mới sau nhiều tháng xảy ra biểu tình đổ máu nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Trong bối cảnh này, người ta cho rằng, khủng hoảng chính trị kéo dài như thế này chỉ có thể được giải quyết khi phe đối lập Dân chủ, đảng lâu đời nhất đất nước, quyết định tham gia vào cuộc bầu cử mới, dự kiến diễn ra trong vòng 60 ngày tới. Nhưng đến bây giờ, không ai có thể nói chắc chắn về khả năng này cho dù có thể đảng đối lập sẽ thay đổi lập trường cứng rắn của họ.

Đảng Dân chủ tẩy chay các cuộc bầu cử ngày 2-2, vốn bị vô hiệu hóa bởi quyết định bất ngờ của Tòa án Hiến pháp. Cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày tiếp, theo quy định của Hiến pháp và luật bầu cử.

Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trước đó nhận xét, đảng của ông sẽ xem xét phản đối bầu cử nếu bà Yingluck và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, lãnh đạo những người biểu tình chống chính phủ, sẽ đối diện với nhau để chấm dứt các cuộc biểu tình đường phố. Tổng thư ký đảng Dân chủ Juti Krairirk tuyên bố, đảng của ông chỉ sẽ tham gia bầu cử mới nếu xung đột chính trị được giải quyết.

Một số cựu nghị sĩ đảng Dân chủ được cho là cũng đang muốn đối mặt với các ứng cử viên của đảng cầm quyền Peau Thai. Đảng cầm quyền kêu gọi phe đối lập tham gia quá trình bầu cử nếu họ tin tưởng vào nền dân chủ đi lên từ tên của đảng  này.

Tuy nhiên, ông Suthep tuyên bố sẽ chỉ tham gia bầu cử nếu bà Yingluck từ chức và thành lập một “Hội đồng nhân dân” để điều hành đất nước. Bà Yingluck không xác nhận cũng không phủ nhận suy đoán, bà không thể tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới để đảng Dân chủ ngừng tẩy chay.

“Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để đất nước tiến về phía trước, trở lại hòa bình và trật tự”, bà nói. Trong khi đó, Tổng thư ký đảng Peau Thai Poomtham Vejjachai cho biết, cuộc bầu cử mới có thể bị gián đoạn bởi người biểu tình chống chính phủ như những gì xảy ra trong cuộc bầu cử hôm 2-2.

Rõ ràng, bóng ma bất ổn vẫn ám ảnh khi ông Suthep đã lên kế hoạch cho những cuộc biểu tình lớn vì cho rằng, cần có “cải cách chính trị” trước khi tổ chức bầu cử. “Cải cách chính trị” của ông này đồng nghĩa với việc gia đình Shinawatra không nên tham gia chính trường Thái Lan. Nhưng liệu như thế có hợp lòng dân hay không khi đa số người dân ở miền Bắc Thái Lan vẫn luôn ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin và gia đình ông.

Thanh Văn