Chiếc bẫy của lòng tham!
- Rất nhiều nữa là khác, trong năm 2022, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (24,4%) và lừa đảo tài chính (75,6%). Trong năm qua, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật...
- Còn ở Đà Nẵng thì sao?
- Theo Thượng tá Lê Cao Tâm - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM & CTPSDCNC), Công an TP Đà Nẵng thì mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, tuy nhiên người dân vẫn chủ quan và nhiều trường hợp sập bẫy của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.
- Loại tội phạm này khó điều tra lắm hả Bề Tui?
- Tuy khó nhưng cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng ANM & PCTPSDCNC - Công an TP Đà Nẵng đã liên tiếp phá được nhiều chuyên án liên quan đến tội phạm công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Tính đến cuối năm 2022, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố 11 vụ/21 đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội trên không gian mạng.
- Phải có cách nhận diện loại tội phạm này chớ?
- Công an TP Đà Nẵng đưa ra 20 hình thức mới phát hiện gần đây để cảnh báo người dân, như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả làm quân nhân, doanh nhân để lừa chuyển, lừa đảo mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo qua hình thức trúng thưởng, chiếm quyền tài khoản facebook rồi sử dụng để mượn tiền, mạo danh Cty tài chính lừa vay, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, lừa nâng cấp sim 4G, lập sàn giao dịch tiền ảo, lừa đảo cho số đánh đề…
- Tư chợ Hàn thấy hầu hết các phi vụ lừa đảo bằng công nghệ cao đều nhắm vào tâm lý hám lợi, mất cảnh giác của nạn nhân để thực hiện hành vi.
- Bởi vậy, theo Bề Tui người dân phải tự có ý thức cảnh giác, nhanh chóng phát hiện các hành vi bất minh rồi từ đó thông tin đến các cơ quan chức năng để sớm có biện pháp xử lý các trường hợp liên quan, tránh để bị lừa.
Bề Tui