“Chiếc gương thông minh” của 3 sinh viên đam mê sáng tạo
(Cadn.com.vn) – Dù không đoạt giải quán quân tại vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Thiết kế TI MCU năm 2014, nhưng với ý tưởng sáng tạo thú vị, ba chàng trai Nhóm PIV-VK: Phan Ngọc Điệp, Lê Từ Hiếu, Nguyễn Hữu Vinh- SV năm thứ 5 Khoa điện tử viễn thông Trường ĐHBK Đà Nẵng- đã để lại trong lòng mọi người ấn tượng rằng trong trái tim họ luôn nung nấu niềm đam mê nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi, sáng tạo...
3 SV Trường ĐHBK Đà Nẵng với đề tài nghiên cứu thiết kế sản phẩm “Chiếc gương thông minh” đạt giải nhì tại cuộc thi Thiết kế TI MCU toàn quốc năm 2014. Ảnh: P.T |
Là nhóm đầu tiên trình bày phần thi tại vòng chung kết Thiết kế TI MCU năm 2014, nhưng Phan Ngọc Điệp, Lê Từ Hiếu, Nguyễn Hữu Vinh không hề mất bình tĩnh. Với sự tự tin, 3 chàng trai này đã trình bày khá thuyết phục phần thuyết trình bằng tiếng Anh và khởi động thuận lợi phần demo đề tài “Chiếc gương thông minh”. Sự thú vị của đề tài thiết kế này nằm ở chỗ, ngoài chức năng đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ thời tiết..., “chiếc gương thông minh” còn có thể cho bạn tận hưởng những bản nhạc êm đềm.
Ngay ở phần demo, cả hội trường đã ồ lên thích thú khi nghe tiếng nhạc du dương cất lên từ “chiếc gương thông minh”...Chính ý tưởng sáng tạo độc đáo này khiến bà Lê Duy Loan- người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng tại Texas Instruments, Tập đoàn điện tử hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới- cùng một thành viên trong BGK là người nước ngoài đã bước tới chỗ chiếc gương thông minh để... kiểm chứng. Sau đó, cả hai giơ tay biểu thị sự hài lòng, cho biết, chiếc gương đã đo rất chính xác chiều cao, cân nặng của họ. Và đề tài nghiên cứu thiết kế “Chiếc gương thông minh” của nhóm PIV-VK đã giành được giải Nhì cuộc thi.
Phan Ngọc Điệp (quê Gia Lai)-cho biết, ý tưởng để cả nhóm quyết định làm đề tài “Chiếc gương thông minh” xuất phát từ việc nhận thấy những chiếc cân điện tử đo chiều cao, cân nặng không chính xác, nên muốn làm một cái cân đo chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu mô hình đề tài này, cả nhóm chợt nghĩ đến ý tưởng, tại sao không thay chiếc cân bình thường bằng một cái gương cho độc đáo, sáng tạo hơn?! Thế là cả nhóm hăm hở bắt tay vào thực hiện. Điệp chia sẻ: “Chúng em nhận thấy, hiện nay có nhiều thiết bị thông minh, có thể điều khiển cảm ứng như ti vi, máy tính xách tay..., tại sao mình không làm một cái gương vừa có chức năng soi gương, vừa có chức năng đo chiều cao, cân nặng, đo nhịp tim, biết nhiệt độ ngoài trời, nhiệt độ trong nhà và... có thể nghe được cả nhạc? Chiếc gương này có thể đặt trong phòng ngủ, trong toa lét... Phác thảo xong ý tưởng, chúng em phân công mỗi người một việc.
Theo đó, em thì làm lập trình phần mềm và thiết kế vi mạch của bàn phím cảm ứng điều khiển cho các chức năng âm nhạc, giải trí, đo nhịp tim; Hiếu lập trình phần mềm và thiết kế vi mạch về cân nặng, đo chiều cao, bộ cảm biến đo thời tiết; Vinh đảm trách phần lập trình phần mềm và thiết kế vi mạch trên ĐTDĐ thông minh để giao tiếp với thiết bị gương thông minh. Với thiết kế này, chiếc gương thông minh có thể lưu giữ thông tin về chiều cao, cân nặng, nhịp tim... của mỗi người theo từng giai đoạn, được biểu thị theo dạng đồ thị. Từ đó, mỗi người có thể kiểm soát được cơ thể của mình nhằm bảo vệ sức khỏe...”.
Theo Điệp, trong quá trình hoàn thành mô hình đề tài thiết kế này, phần khó khăn nhất chính là ghép chung 3 lập trình phần mềm này lại với nhau, bởi xác xuất sai số là điều không thể tránh khỏi. Do vừa học, vừa làm, nên thời gian cả nhóm làm chung với nhau được quy định sau giờ học chính khóa, tranh thủ ban đêm... Nguyễn Hữu Vinh cho biết, em đặc biệt chú ý đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Theo đó, vị trí để đặt các chức năng điều khiển cảm ứng trên mặt gương được em và các bạn thảo luận, cân nhắc rất kỹ. Hiện cả nhóm đang cố gắng hoàn thiện theo hướng tích hợp tất cả các mô-đun trên một bo mạch. Hoàn thiện theo hướng đi này, giá thành sản phẩm của chiếc gương thông minh sẽ giảm đáng kể. Nếu có đơn vị đỡ đầu, đặt hàng mua bản quyền, nhóm hy vọng đề tài nghiên cứu thiết kế của mình sẽ được đưa vào sản xuất và ứng dụng trong thực tiễn.
P.Thủy