Chiếc lá Pờ Sảo Mìn
Sinh ra và lớn lên giữa trập trùng núi đá Mường Khương (Lào Cai), người con trai của dân tộc Pa Dí Pờ Sảo Mìn (1947) có một tuổi thơ nhiều bão. Ông tâm sự: “Tôi là đứa trẻ mồ côi. Ngay từ 8 tuổi, tôi đã phải sống một cuộc đời tự do, tự lập. Nói cách khác, tự mình cầm dao phát mở lối đi cho mình. Vì thế, trong đời sống riêng tư, không có gì gọi là êm dịu, ngọt ngào và thành đạt. Nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu cuộc sống. Thậm chí, chính vì vậy, tôi càng thiết tha với cuộc sống. Và cũng chính vì lẽ đó, tôi cũng có một chút ít thành công trong mấy chục năm sáng tác đã qua”.
Sống gắn bó, trải lòng với con người, quê hương bản xứ, tự giác ngộ đời mình như phận lá cây rừng, Pờ Sảo Mình đã có một thi tứ độc đáo, thoát thai từ lời ca của dân tộc mình: “Là cây rừng hãy cứ vi vu/ Chẳng quản bão táp, ngại gì mưa”. Chính thái độ sống khoáng hoạt, rất hiện sinh, ẩn tàng sức mạnh tinh thần nguồn cội ấy, đã tạo nên những chàng trai, cô gái người Pa Dí tràn trề sức sống, lung linh vẻ đẹp sơ khai: “Con trai trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày/ Con gái đẹp trong sương giá đông sang/ Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng”. Ông đưa ta đi lạc vào thời kỳ cổ sơ của loài người. Ở đó, con người và cả sự vật dường như đều hoang dã, huyền hoại, thậm chí có phần man dại. Giọng thơ gân guốc, chữ nghĩa xô bồ, toát lên lòng vẻ đẹp nguyên sơ. Một dân tộc có những cô gái, chàng trai như vậy, hẳn sẽ làm được những điều phi thường, siêu nhiên: “Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng/ Chặn suối, ngăn sông, bắt nước ngược dòng”.
Cũng mạch tư duy thơ của bài thơ “Cây hai ngàn lá” nhưng ở bài thơ “Con trai người Pa Dí”, Pờ Sảo Mìn đã xoáy sâu vào con người nhân chủng, để cho cái tôi tộc người xuất hiện rõ nét và ấn tượng hơn. Và đây là cách thế ra đời của người Pa Dí, vừa hoang dã, vừa khiết tinh, tiềm ẩn sức mạnh đại ngàn: “Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo/ Uống nước nguồn trong veo/ Con trai người Pa Dí/ Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng/ Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian”. Bởi vậy: “Con trai người Pa Dí/ Đã đi là đến/ Đã đến là ở/ Đã ở là ở lâu/ Đã yêu là yêu nhiều yêu mãi”. Rồi: “Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa/ Đã lên yên trên đường thiên lý/ Cứ thế phi bay...”.
Thơ của ông chân mộc trong cách nghĩ, giản dị trong cách biểu đạt, không thủ thuật, không xảo thuật. Nó như thể người Pa Dí đã mượn tâm hồn Pờ Sảo Mìn để nói hộ tâm hồn của cả dân tộc, một tộc dân cực trong sáng, chân thật... Bài thơ “Con trai người Pa Dí” như một bản lý lịch tóm tắt của một dân tộc: sinh ra trên núi đá, lớn lên bằng nước suối nguồn khiết tinh. Do đó: “Con trai người Pa Dí/ Không hận thù và ghét bỏ cùng ai/ Đến chín phương đất là chín phương bè bạn/ Tới mười phương trời là mười phương thương nhớ”. Giọng thơ hào sảng, khỏe khoắn, vừa có sự rắn rỏi, gồ ghề của đá, sự mát xanh của lá, vừa đầy tự hào dân tộc.
Mang sẵn trong mình một dòng máu chân thành, bình dị nhưng cũng không kém phần cuồng nhiệt, đắm say, Pờ Sảo Mìn đi khắp đó đây để tạo lập cảm thông, chia sớt những buồn vui được mất. Ông chỉ mong rằng, đi đến đâu cũng có bạn bè để uống rượu, đọc thơ và ca hát: “Đã uống không biết say/ Chỉ âm thầm trong quay cuồng gió bão”.
Thơ Pờ Sảo Mìn bao giờ cũng thế, luôn giữ được chất hoang sơ hồn nhiên của người miền núi thuần khiết, nguyên khối, không bị pha tạp. Cái đẹp trong thơ ông hằn những âm vang dân dã nguồn cội. Bởi vậy, đọc thơ Pờ Sảo Mìn, tâm hồn ta như được tắm gội để trở nên trong trẻo, thanh khiết, đồng vọng và tỏa lan.
Trịnh Chu