Báo Công An Đà Nẵng

Chiếc nôi của nghệ thuật tuồng

Thứ hai, 17/04/2017 08:56

(Cadn.com.vn) - Sáng 14-4, Hội bảo trợ tuồng Duy Xuyên (Quảng Nam) kỷ niệm 25 năm thành lập. Trên cơ sở sự giúp đỡ của Hội bảo trợ tuồng và Đoàn Tuồng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 4-1992, Hội bảo trợ tuồng Duy Xuyên được ra đời do ông Nguyễn Quỳnh - nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, Giám đốc Đài PTTH Quảng Nam - Đà Nẵng đứng đầu. 25 năm hình thành và phát triển là cả một hành trình nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân tuồng. Đến nay Hội tự hào đã trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng nghệ thuật tuồng không chỉ của H. Duy Xuyên mà còn có tiếng vang trong khu vực với Đoàn nghệ thuật tuồng Sông Thu.

Năm 1992, ngay sau khi thành lập, Hội bảo trợ tuồng phát hiện, tìm kiếm nghệ nhân hát tuồng xưa để tập họp chuẩn bị tham gia hội diễn tuồng cấp huyện lần thứ nhất năm 1994. Với những đội tuồng nghiệp dư như Duy Châu, Duy Sơn, Duy Hải..., phong trào hát tuồng từ đây được chú ý, nhân dân nô nức đến xem biểu diễn. Ông Quỳnh chia sẻ: "Lực lượng diễn viên khi ấy toàn là... chân đất, ban ngày làm ruộng, bán buôn ở chợ, lên núi đốt than ban, đêm lên sân khấu diễn tuồng nhưng được đông đảo khán giả hoan nghênh, mến mộ. Sau khi phong trào tuồng phát triển, Hội bảo trợ tuồng nhận thấy nghệ thuật biểu diễn phải có chiều sâu trong biểu diễn, nghệ nhân phải đẹp cả thanh lẫn sắc, phải có phục trang, đạo cụ chuyên nghiệp và phải có lực lượng nòng cốt. Hội đã mời một số nghệ nhân gạo cội tham gia thành lập Đoàn nghệ thuật tuồng Sông Thu để làm nòng cốt hoạt động bán chuyên nghiệp".

Với lý tưởng "sinh nghề tử nghiệp", nghệ nhân tuồng Diệu Thông đã dìu dắt, động viên con cháu của bà cùng các nghệ nhân Quang Nhiều, Cẩm Phô để rồi đoàn Sông Thu ra đời năm 1994. Trải qua muôn vàn khó khăn, không có kinh phí, mỗi thành viên đoàn có cuộc sống riêng nên để duy trì đoàn tuồng rất nan giải. Thế nhưng với lòng yêu nghề, say mê nghệ thuật truyền thống, anh chị em Đoàn tuồng Sông Thu đã hết lòng gìn giữ và phát triển đoàn. Trải qua thời gian dài cống hiến, đoàn đã được công nhận với nhiều giải thưởng khác nhau. Đặc biệt, năm 2015, khi tham gia liên hoan tuồng chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc, Đoàn đã giành được giải nhất với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 giải Đặc biệt dành cho diễn viên nhỏ tuổi nhất.

Đoàn nghệ thuật tuồng Sông Thu biểu diễn.

Nhận thức được việc kế thừa, bảo tồn nghệ thuật bác học này phải có lực lượng trẻ tiếp nối, Hội bảo trợ tuồng đã phối hợp với Phòng VHTT, Phòng GD-ĐT huyện vận động, tập hợp lực lượng học sinh THCS để hướng dẫn hát tuồng. Thế nhưng dự án "Sân khấu học đường" vừa nhen nhóm thì đã gặp khó khăn vì không có kinh phí. Hiểu được những khó khăn ấy, Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên - Nguyễn Công Dũng đã ủng hộ 6 triệu đồng; ông Nguyễn Quỳnh quyết định bỏ thêm tiền túi ra Hà Nội gặp Bộ VH-TT&DL xin kinh phí cho dự án "Sân khấu học đường". Ông Nguyễn Quỳnh nhớ lại: "Chờ đợi hơn 3 năm vẫn chưa có hồi đáp, trong khi các em học sinh lại vô cùng háo hức tập luyện. Thôi thì mình tự cứu lấy mình, Hội đã vào gặp Giám đốc Sở văn hóa - Đinh Hài để trình bày nguyện vọng. Nhận được sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ sở cùng với sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân và sự giúp đỡ của các nghệ nhân Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chương trình sân khấu học đường đã ra đời và thành công".

Tiếng lành đồn xa, đầu năm 2015, Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) thông báo giải ngân cho trực tiếp H. Duy Xuyên 450 triệu đồng. Đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn đối với các nghệ nhân tuồng, các thầy cô giáo và các em học sinh lại tiếp tục say mê tập luyện. Trong 2 năm đã có 6 trường THCS tham gia xây dựng chương trình sân khấu học đường với những tích quen thuộc như "Trưng Vương đề cờ", "Đổng Kim Lân biệt mẹ". Năm 2016, Hội bảo trợ truồng đã tổ chức thành công hội diễn tuồng với 11 xã, 3 trường tham gia. Nhờ vậy, trong kỳ tuyển sinh vào học Khoa nghệ thuật sân khấu Trường ĐH sân khấu điện ảnh Hà Nội, H. Duy Xuyên đã lọt tốp đầu với 4 em vào học. Đây đều là những học sinh ra đời từ chiếc nôi "Sân khấu học đường".

Ông Nguyễn Quỳnh khẳng định: "Dù cho vật đổi sao dời/Quyết lòng gìn giữ chiếc nôi của tuồng". Tin rằng, chiếc nôi nghệ thuật tuồng truyền thống H. Duy Xuyên sẽ còn tiếp tục trong dòng chảy cuộc sống của thế hệ trẻ.

H.D