Chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng, hai vợ chồng vào tù
(Cadn.com.vn) - Phiên tòa ngày 20-8 buộc phải dừng ở phần phát biểu quan điểm và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án vì bị cáo Phạm Đinh Mỵ My (1971) ngất xỉu khi nghe VKS đề nghị mức án chung thân đối với chồng là bị cáo Nguyễn Đắc Linh (1964, cùng trú 59-Thanh Sơn, P. Thanh Bình, Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ngày 28-8, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục đưa vụ án ra xét xử hai bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...
Theo cáo trạng, năm 2001, Nguyễn Đắc Linh và Phạm Đinh Mỵ My đăng ký thành lập Cty TNHH Thanh Niên, do Linh làm giám đốc nhưng đến năm 2012, My được bổ nhiệm chức danh giám đốc thay chồng. Tuy nhiên, công việc điều hành hoạt động của Cty vẫn do Linh thực hiện. Đến năm 2008, My thấy có dấu hiệu làm ăn thua lỗ nên khuyên Linh dừng việc đầu tư kinh doanh nhưng Linh không nghe mà vẫn quyết tâm thực hiện làm dự án sản xuất đèn điện tử LED nên đã cầm cố nhà đất của mình và của cha mẹ cho ngân hàng để vay tiền.
Bên cạnh đó, Linh tiếp tục vay mượn của những người khác trả lãi suất cao dẫn đến mất khả năng trả nợ. Cuối năm 2012, Linh và My khai nhận là nợ ngân hàng không trả lãi được và nợ một số người với số tiền lớn nhưng không triển khai dự án sản xuất đèn LED nên không có tiền để trả nợ vay, trả lương công nhân... Vì vậy, Linh và My đã dùng mọi thủ đoạn để vay mượn huy động vốn để đáo hạn ngân hàng trả lãi vay, đưa ra lý do đầu tư vào công trình Cầu Rồng (Đà Nẵng), cầu Hùng Vương (Phú Yên) và dự án đèn LED... từ đó, lập biên bản đối chiếu công nợ giả với số tiền hàng chục tỷ đồng, qua đây tạo lòng tin đối với những người cho vợ chồng Linh vay. Thấy hai vợ chồng làm ăn tốt nên nhiều người cho vay mượn số tiền lớn.
Điều đáng nói là hai vợ chồng biết khả năng không thể trả nợ nhưng vẫn tiếp tục mượn của người này trả cho người khác. Không chỉ vậy, lấy danh nghĩa của Cty vay mượn để kinh doanh nhưng không đưa vào chứng từ sổ sách dẫn đến mất khả năng chi trả, làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều người. Tổng giá trị chiếm đoạt hơn 43 tỷ đồng, trong đó My tham gia cùng chồng chiếm đoạt số tiền hơn 24,5 tỷ đồng.
Vợ chồng Linh và My tại tòa. |
Trong vụ án này, bà Một là người đứng ra vay tiền từ những người còn lại sau đó cho vợ chồng Linh- My vay lại. Vì vậy theo bà Nguyệt và những nạn nhân còn lại có ý kiến, khi vợ chồng Linh- My có ý "nói chuyện" về số nợ nói trên, bà cũng như những người còn lại không chấp nhận bởi theo bà, tất cả họ đều đưa tiền cho bà Một nên giờ họ chỉ chấp nhận "làm việc" với bà Một mà thôi. Sau khi vụ việc xảy ra, bà Một đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo của vợ chồng Linh- My. Bản thân bị cáo Linh cũng không hề biết vợ chồng bị cáo đang mượn tiền của những người khác mà chỉ nghĩ đơn thuần đang vay mượn tiền của bà Một.
Chỉ sau này, khi số tiền vay nợ đã nhiều bà Một mới nói cho vợ chồng Linh- My biết được tiền đó là của bà Nguyệt, bà Nghĩa... Tại tòa, bị cáo Linh thừa nhận chỉ mượn tiền từ bà Một, còn những người khác Linh chỉ biết tên sau này mới gặp mặt, tuy nhiên tất cả những lần mượn tiền của những người còn lại đều qua sự "giám sát" của bà Một. Một số bị hại cũng thừa nhận họ không có bất kỳ giao dịch nào với vợ chồng bị cáo mà chỉ biết qua bà Một, vì vậy họ chỉ biết "níu áo" bà Một mà thôi.
Bị cáo My ngất xỉu khi vừa nghe VKS đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Linh. |
Bị cáo có lừa đảo?
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị tuyên phạt bị cáo Linh mức án tù chung thân và bị cáo My mức án từ 16 đến 18 năm tù. Tại tòa luật sư bào chữa cho bị cáo Linh không đồng ý với quan điểm truy tố của VKS về việc bị cáo Linh lừa đảo số tiền hơn 43 tỷ đồng, bởi lẽ theo luật sư có những giao dịch vay mượn đơn thuần là dân sự. Cũng theo luật sư này, nếu nói lừa thì tại sao những món vay trước bị cáo chưa trả nhưng bà Một và những người khác vẫn tiếp tục cho vợ chồng bị cáo vay.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét thêm bởi vì trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, Cty của Linh làm ăn thua lỗ nên phải gồng lưng trả lãi ngân hàng. Không chỉ vậy, phải trả thêm tiền lãi vay nóng, vậy nên cần xem xét đến yếu tố cho vay nặng lãi của bà Một. Từ quan điểm trên luật sư cho rằng không thể khẳng định bị cáo lừa đảo số tiền nói trên được.
Tranh tụng ý kiến của luật sư, VKS đã đưa ra những chứng cứ và một lần nữa khẳng định hành vi của bị cáo là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, để tiếp tục vay mượn tiền của nhiều người bị cáo đã nói với những người bị hại là cần vốn đề làm công trình Cầu Rồng, tuy nhiên qua điều tra xác minh, VKS đã có được kết quả là không có việc Cty Thanh Niên ký kết bất kỳ hạng mục nào trong công trình Cầu Rồng. Ngoài ra, mỗi lần mượn tiền, bị cáo lại để cho bị hại thấy được những món vay sắp giải ngân..., hứa sau khi hoàn tất công trình sẽ trả cả nợ cũ lẫn mới, trong khi bị cáo biết mình không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn vay mượn với số tiền rất lớn.
Như vậy, đủ cơ sở để kết luận VKS truy tố hai bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo như cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bà Một và những bị hại còn lại cũng không đồng tình với ý kiến bào chữa của luật sư. Theo họ, những hành vi của vợ chồng bị cáo rõ ràng là lừa đảo, không thể thuộc về dân sự đơn thuần. Những bị hại còn yêu cầu HĐXX làm rõ số tiền lớn này thực chất đang ở đâu, trong một thời gian ngắn như vậy không thể nói trả lãi ngân hàng hết được trong khi thực tế những món mà vợ chồng bị cáo vay còn bị phát mãi.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận thấy trong vụ án này, bị cáo Linh là người chủ động vay mượn và toàn quyền sử dụng phần lớn số tiền nói trên. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người khác, cần tuyên bị cáo một mức án nghiêm khắc để răn đe bị cáo và ngăn ngừa chung vì vậy tuyên bị cáo mức án chung thân. Đối với bị cáo My trong vụ án này đóng vai trò giúp sức cho bị cáo Linh, bản thân bị cáo cũng đã có lời can ngăn chồng nhưng không được, hiện bị cáo còn có ba con nhỏ nên cũng cần tuyên bị cáo một mức án nhẹ hơn để bị cáo sớm về có điều kiện chăm sóc con nên tuyên bị cáo 13 năm tù, buộc hai bị cáo hoàn trả số tiền chiếm đoạt của người bị hại.
Bài, ảnh: Phương Trang