Báo Công An Đà Nẵng

Chiến dịch đột kích đoạt mạng thủ lĩnh IS diễn ra thế nào?

Chủ nhật, 06/02/2022 08:36

Khi trực thăng chở khoảng 50 đặc nhiệm đến Atme, Syria vào rạng sáng 3/2, lực lượng Mỹ đối mặt với một căn nhà có những kẻ khủng bố và cả trẻ em.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/2 xác nhận Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi chết tại thị trấn Atme ở Idlib, phía tây bắc Syria, trong cuộc đột kích giữa đêm do đặc nhiệm Mỹ thực hiện.

Mỹ phát hiện trùm khủng bố bằng cách nào?

Giới chức Mỹ cho biết họ xác định được vị trí của al-Qurayshi từ năm ngoái. Theo chủ sở hữu tòa nhà, một thân tín của al-Qurayshi đã thuê căn nhà để trùm khủng bố trú ngụ khoảng 11 tháng trước đêm định mệnh.

Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi ngày 3/2 khẳng định chính phủ nước này đã hỗ trợ cung cấp thông tin tình báo giúp Mỹ tìm ra al-Qurayshi, một trong những mục tiêu bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Cuộc đột kích diễn ra vài ngày sau khi IS mở đợt tấn công lớn vào nhà tù Ghwayran ở Hasakeh, Syria, phóng thích nhiều nghi phạm khủng bố cùng cảm tình viên của nhóm.

"Thời điểm cuộc đột kích diễn ra cho thấy có mối liên hệ về thông tin tình báo giữa al-Qurayshi và vụ tấn công nhà tù Ghwayran. Không mấy bất ngờ nếu Mỹ đã gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ thông tin về tung tích trùm khủng bố", Nick Heras, chuyên viên phân tích về khu vực cho Viện Newlines của Mỹ, nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đáng kể đối với vùng tây bắc Syria và duy trì quan hệ với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm phiến quân kiểm soát phần lớn khu vực Idlib.

Cuộc tấn công vào nhà tù Ghwayran đã mở đường cho nhiều tù nhân IS tẩu thoát. Giới chuyên gia nhận định hành tung và cách liên lạc từ những tù nhân này đã dẫn đến thời cơ tình báo hiếm có, giúp Mỹ xác định vị trí chính xác của al-Qurayshi.

"Nếu al-Qurayshi thời điểm đó định thu âm hay ghi hình một tuyên bố về vụ tập kích nhà tù, có lẽ điều đó vô tình mở ra cơ hội cho tình báo Mỹ", Aron Lund, chuyên gia thuộc trung tâm Century International của Mỹ, nhận định.

Tòa nhà thủ lĩnh IS trú ẩn ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Ảnh: AP.

Tòa nhà thủ lĩnh IS trú ẩn ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Ảnh: AP.

Al-Qurayshi được cho là sống cùng hai vợ và các con tại tầng cao nhất trong tòa nhà ở Atme. Chị của tên này và con gái của bà ta cũng sống cùng gia đình.

Tầng hai của tòa nhà có đàn em của al-Qurayshi sinh sống cùng vợ con. Tầng trệt, gồm một phần diện tích là tầng hầm, có một gia đình dân thường không liên quan IS và không biết họ đang sống chung với trùm khủng bố.

Al-Qurayshi bị tiêu diệt thế nào?

Để tiến hành chiến dịch đột kích, trực thăng chở đặc nhiệm Mỹ xuất phát từ một căn cứ trong khu vực, nhưng Washington không công khai địa điểm. Mỹ đã dùng kênh liên lạc tránh xung đột với Nga khi trực thăng phải bay qua không phận Syria do quân đội Nga giám sát.

Khi bao vây tòa nhà rạng sáng 3/2, đặc nhiệm Mỹ yêu cầu những người ở bên trong ra ngoài. "Nếu không rời đi, chúng tôi sẽ bắn tên lửa vào tòa nhà, có máy bay không người lái ở bên trên", một người đàn ông nói qua loa.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết 10 người đã rời khỏi tòa nhà, gồm một người đàn ông và phụ nữ từ tầng một và 8 trẻ em từ tầng một và tầng hai.

Không muốn bị bắt sống, al-Qurayshi kích hoạt đai đánh bom tự sát, đánh sập gần như toàn bộ tầng ba, khiến y và gia đình thiệt mạng. "Vụ nổ mạnh hơn cường độ thông thường từ đai bom tự sát, giết tất cả mọi người trên tầng ba và khiến một số người bị văng ra khỏi tòa nhà", tướng Frank McKenzie, người giám sát hoạt động của lính Mỹ trong khu vực, nói.

Từ tầng hai, đàn em của al-Qurayshi và vợ bị tiêu diệt khi đấu súng với đặc nhiệm Mỹ. Lực lượng Mỹ còn phải đối mặt với nguy hiểm từ bên ngoài tòa nhà. Trong khi họ khám xét tầng hai, một số tay súng phiến quân nước ngoài có liên hệ với al-Qaeda ở Syria đã tấn công. Một trực thăng Mỹ quần lượn trên vùng trời đã khai hỏa, tiêu diệt ít nhất một phiến quân.

Một trực thăng khác gặp trục trặc và buộc phải hạ cánh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng Mỹ quyết định phá hủy nó bằng chất nổ để chắc chắn không thiết bị nhạy cảm nào bị bỏ lại ở Syria.

John Kirby cho biết đặc nhiệm xác nhận mục tiêu đúng là al-Qurayshi bằng dấu vân tay tại hiện trường, nhưng không tiết lộ cụ thể lính Mỹ có mang thi thể al-Qurayshi đi nơi khác hay để lại tòa nhà. Một số quan chức Mỹ giấu tên sau đó tiết lộ họ còn xác minh mục tiêu bằng nhận diện gương mặt và xét nghiệm ADN.

Vụ đột kích được cho là khiến 13 người thiệt mạng, đặc nhiệm Mỹ không hứng chịu bất cứ thương vong nào. Tuy nhiên, thông tin về thương vong còn gây tranh cãi, khi Mỹ nói chỉ có ba dân thường thiệt mạng, còn tổ chức Save the Children cho hay ít nhất 6 trẻ em đã chết, trong đó có hai trẻ sơ sinh.

Xác trực thăng Mỹ bỏ lại ở vùng Afrin, Syria được phát hiện vào sáng 3/2, có khả năng là phương tiện gặp trục trặc bị đặc nhiệm Mỹ tiêu huỷ sau cuộc đột kích. Ảnh: AP.

Trực thăng bị đặc nhiệm Mỹ tiêu huỷ sau cuộc đột kích ở Syria ngày 3/2. Ảnh: AP.

Vì sao trùm khủng bố ẩn náu ở Idlib?

Thủ lĩnh IS chọn ẩn náu tại khu vực do HTS kiểm soát và cách xa địa bàn hoạt động của nhóm tại Syria. Tuy nhiên, điều này không quá bất ngờ đối với giới phân tích. Người tiền nhiệm của y là Abu Bakr al-Baghdadi cũng được phát hiện lẩn trốn tại tỉnh Idlib vào tháng 10/2019, trong ngôi nhà cách thị trấn Atme khoảng 15 km.

"Idlib là vùng chiến sự phức tạp, với rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, ít cảnh sát và gần như không tồn tại thể chế nhà nước nào", Lund cho biết.

Theo chuyên gia về IS Hassan Hassan, tỉnh Idlib là nơi trú ẩn an toàn hơn cho thủ lĩnh IS. Khu vực phía tây Iraq hay đông Syria là địa bàn chính của IS, nhưng cũng là nơi lực lượng chống khủng bố đã thông thạo sau nhiều năm săn lùng phần tử cực đoan.

"Idlib thực chất là khu vực nguy hiểm đối với IS vì những nhóm đối địch kiểm soát phía bắc Syria, nhưng đó lại là nơi phù hợp nhất để hắn ẩn náu vì cũng là lựa chọn ít ai ngờ đến".

Tương lai IS sẽ về đâu?

Vụ tấn công nhà tù Ghwayran hai tuần trước cuộc đột kích từng khiến giới quan sát và truyền thông lo ngại nhóm khủng bố đang trỗi dậy, gần ba năm sau khi nhóm bị đánh bại toàn diện và không còn kiểm soát lãnh thổ nào ở Iraq lẫn Syria.

Tuy nhiên, chuyên gia Hassan đánh giá vụ tấn công nhà tù Ghwayran không đánh dấu quá trình hồi sinh của IS hay chứng tỏ năng lực hoạch định chiến lược của nhóm. Hassan nhận định nhóm vẫn rất yếu và dễ bị khắc chế. Cuộc tấn công cho thấy Mỹ cùng lực lượng đồng minh đang hoạt động ngày một hiệu quả trong nỗ lực truy đuổi mạng lưới lãnh đạo của IS.

Dù vậy, tính phân quyền và độc lập cao trong tổ chức phiến quân tạo điều kiện để IS dễ dàng chọn ra thủ lĩnh kế nhiệm.

Charles Lister, từ Viện Trung Đông ở Mỹ, đánh giá dù cái chết của thủ lĩnh sẽ không gây tác động lớn đến hoạt động của IS, nhuệ khí của phiến quân chắc chắn bị ảnh hưởng.

"Đây không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi, nhưng chắc chắn là cú giáng vào tinh thần của IS không chỉ ở Iraq và Syria mà còn trên toàn thế giới", Lister nói.

Theo Vnexpress